Những việc cần làm để bảo tồn hát Then, đàn tính

Hát Then, đàn tính (gọi tắt là Then tính) là loại hình dân ca đặc sắc nhất của Cao Bằng và một số tỉnh vùng Đông Bắc nước ta. Then tính là 'đặc sản' của văn hóa dân gian Cao Bằng, có sức lan tỏa lớn trong không gian và thời gian. Với những giá trị độc đáo vốn có, Then tính góp phần hun đúc nên tâm hồn, tình cảm và ý chí khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người Tày, Nùng, được lưu truyền qua các thế hệ cho đến nay.

Ngày 12/12/2019, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ XIV của UNESCO tại thủ đô nước Cộng hòa Colombia “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Đó là niềm phấn khởi, tự hào của chúng ta, đồng thời đòi hỏi mỗi người nâng cao ý thức, trách nhiệm quan tâm hơn nữa tới dân ca hát Then tính trên quê hương Cao Bằng, xứng đáng hơn nữa với danh hiệu cao quý ấy.

Kể từ đó, Then tính tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy trong đời sống xã hội. Quán triệt thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TU, ngày 1/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy dân ca các dân tộc tỉnh, Kế hoạch số 1216/KH-UBND, ngày 19/5/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh”, ngành văn hóa, thể thao và du lịch chủ động phối hợp với các cấp, ban, ngành chức năng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, như: Liên hoan hát Then - đàn tính, ưu tiên đưa nhiều tiết mục hát Then vào các chương trình lễ hội và các sự kiện chính trị, xã hội diễn ra trên địa bàn. Đặc biệt, triển khai chương trình số hóa để lưu giữ các loại hình di sản văn hóa, hình thành nên “ngân hàng” dữ liệu, trong đó có dân ca hát Then, đàn tính. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng giáo án dạy hát Then cho học sinh. Trong hoạch định phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những thập niên tới, các tuyến du lịch, các hoạt động dịch vụ luôn lưu ý tới hát Then và dân ca các dân tộc trên địa bàn; nhiều giải pháp căn cơ, lâu dài từng bước được triển khai hiệu quả.

Biểu diễn hát Then, đàn tính tại Phố đi bộ Kim Đồng. Ảnh: Thế Vĩnh

Biểu diễn hát Then, đàn tính tại Phố đi bộ Kim Đồng. Ảnh: Thế Vĩnh

Tuy nhiên, sự hiểu biết của chúng ta về hát Then tính cũng như các loại hình dân ca dân tộc còn rất nhiều hạn chế. Trong kho tri thức của Cao Bằng đa phần là các bài viết, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trong và ngoài tỉnh về hát Then được đăng đàn trên báo chí; các bài tham gia hội thảo được tập hợp hành kỷ yếu hoặc biên tập lại thành sách. Một số phần viết liên quan hoặc có nội dung hát Then của các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, hầu hết các tác phẩm thiên về góc độ sưu tầm dân ca, nặng về mô tả, đánh giá, nhận xét theo cảm nhận của tác giả, rồi đưa ra các giải pháp, biện pháp nhằm bảo tồn, phát huy dân ca Then tính, do đó tính khoa học, tính pháp lý chưa cao, độ tin cậy bị hạn chế. Chúng ta đang dựa vào một lượng tri thức hát Then, như vậy để nghiên cứu, truyền dạy, tuyên truyền, quảng bá gắn với du lịch chẳng mấy lúc mà cạn vơi, nhưng quan trọng hơn là lượng tri thức ấy mới dừng ở định tính, chưa đủ để chúng ta hình thành nên giáo án truyền dạy. Vì thế, các nghệ nhân, nghệ sĩ truyền dạy hát Then chủ yếu theo bản năng, kinh nghiệm, kỹ năng sử dụng cây đàn tính. Một khái niệm chung chung hình thành ngay trong người truyền dạy với cảm nhận là hát Then gồm hai làn điệu tàng bốc, tàng nặm (đường bộ, đường thủy), then miền Tây dịu ngọt êm ái, then miền Đông mạnh mẽ, hào hoa.

Cốt lõi của vấn đề là chúng ta chưa am hiểu một cách chuẩn xác nhất về cội nguồn, xuất xứ và quá trình phát triển hát Then tính đến ngày nay cùng với các giá trị đặc trưng của nó và đặc biệt hơn hết là chưa thống kê đầy đủ và am tường về các làn điệu trong thể loại hát Then tính. Mảng âm nhạc dân ca chính là cơ sở bảo tồn khoa học nhất, còn lời ca có thể thay đổi theo thời gian, không gian. Do đó, nhiệm vụ quan trọng cấp thiết hàng đầu là tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu về dân ca hát Then, đàn tính, trong đó, xác định được danh tính âm nhạc các làn điệu dân ca Then tính miền Tây, miền Đông là thành tố định lượng quan trọng bậc nhất để chúng ta có hành động đúng đắn trong công tác bảo tồn, phát huy, phát triển dân ca Then tính. Với một đề tài nghiên cứu khoa học quan trọng mà cấp thiết như vậy, thiết nghĩ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải là cơ quan chủ trì thực hiện. Nghiên cứu thành công đề tài này, chúng ta mới “có bột để gột nên hồ”, mới đủ nguyên liệu để “làm bánh”.

Triển khai đề tài (nếu có thể) lúc này đã là muộn nên tính cấp thiết càng tăng lên. Sẽ gặp phải không ít khó khăn khi các nghệ nhân hát Then, đàn tính do tuổi cao, sức yếu vơi đi quá nhiều, vậy nên thực hiện đề tài nghiên cứu hát Then, đàn tính đang trở thành nhiệm vụ hàng đầu.

Lê Chí Thanh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-viec-can-lam-de-bao-ton-hat-then-dan-tinh-3171029.html