Những việc người dân cần làm sau bão

Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai vừa đưa ra khuyến cáo tới người dân về những việc cần làm nhằm đảm bảo an toàn, chủ động ứng phó với mưa lớn sau bão.

Người dân tham gia dọn dẹp sau bão tại Mỹ Đình, Hà Nội. Ảnh chụp màn hình

Người dân tham gia dọn dẹp sau bão tại Mỹ Đình, Hà Nội. Ảnh chụp màn hình

Khuyến cáo 8 việc người dân cần làm sau bão

- Theo dõi diễn biến của mưa lũ sau bão để chủ động ứng phó.

- Kịp thời sơ tán người tại các khu vực bị ngập sâu, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

- Kiểm tra lại hệ thống điện và các thiết bị trước khi sử dụng; chú ý cây xanh, biển quảng cáo đã bị gió bão làm nghiêng, đổ khi lưu thông trên đường.

- Khắc phục, sửa chữa nhà cửa, hệ thống điện, cấp nước, thông tin.

- Khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

- Tham gia dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa cơ sở hạ tầng, phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường.

- Thống kê thiệt hại, báo cáo kịp thời, chính xác với chính quyền địa phương.

- Tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan chức năng.

Cây đổ la liệt trên phố Nguyễn Văn Giáp (Nam Từ Liêm), người dân chung tay khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Ảnh chụp màn hình.

Cây đổ la liệt trên phố Nguyễn Văn Giáp (Nam Từ Liêm), người dân chung tay khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Ảnh chụp màn hình.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 8/9, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ vẫn hứng chịu các trận mưa lớn, có thể gây ngập lụt nặng. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.

Đến ngày 9/9, trên thượng lưu nhiều sông xảy ra đợt lũ với báo động cấp 1-2. Do mưa lớn trong thời gian tiếp theo, nên cảnh báo nguy cơ ngập lụt ở các thành phố, đô thị và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thái Nguyên và Hà Nội.

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, yếu tố nguy hiểm từ hoàn lưu bão số 3 rất rộng, bao trùm cả khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ngay cả với khu ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, dù bão số 3 đã đi qua, vẫn cần đề phòng hiện tượng sóng cao và nước dâng, có thể ảnh hưởng mạnh đến tàu thuyền ven bờ và hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Tin cuối cùng về cơn bão số 3

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng 8/9, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 3) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc Bộ.

Hồi 10 giờ, vị trí vùng áp thấp ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây suy yếu và tan dần.

Tình hình mưa lớn ở Bắc Bộ; gió mạnh và sóng lớn ở Vịnh Bắc Bộ còn diễn biến phức tạp. Cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo mưa lớn và tin thời tiết nguy hiểm trên biển tiếp theo.

Minh Vũ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-viec-nguoi-dan-can-lam-sau-bao-17924090811524775.htm