Những vũ khí nguy hiểm nhất của Iran mà Mỹ cần đề phòng
Nếu kịch bản tồi tệ nhất xảy ra là cuộc xung đột quân sự Mỹ-Iran nổ ra, thì có thể thấy tương quan lực lượng giữa 2 bên là vô cùng chênh lệch. Thể hiện rõ ràng nhất là con số chi tiêu quốc phòng của Mỹ những năm gần đây luôn xấp xỉ gấp 2 lần quy mô... GDP của Iran. Tuy nhiên, Iran cũng có 'những con bài trong ống tay áo' khiến Mỹ không thể khinh suất.
Tên lửa Sejjil
Iran sở hữu kho tên lửa đạn đạo đồ sộ nhất Trung Đông. Trong số này, Sejjil-1 (và người kế nhiệm của nó Sejjil-2) là đáng sợ nhất. Sejjil-1 là tên lửa đạn đạo mặt đất hai tầng, tầm trung được Iran thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2008. Không giống như tên lửa Shahab, tên lửa Sejjil-1 được cung cấp nhiên liệu rắn, giúp giảm đáng kể thời gian phóng và tăng cường khả năng cơ động.
Trong lần giải trình trước Quốc hội Mỹ vào tháng 11 năm 2009, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates khi đó đã nói rằng tên lửa Sejjil sẽ có tầm bắn khoảng 2000km đến 2500km và có thể mang theo đầu đạn nặng tới 750kg. Sejjil-1 có thể có thể vươn tới Israel và thậm chí là một phần của đông nam Châu Âu. Một số thông tin cho rằng tên lửa Sejjil cũng có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân.
Sejjil-2 được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2009. Theo Global Security , Sejjil-2 có khả năng bắn xa được chứng minh là 2510km với đầu đạn nặng 650kg và 2000km với đầu đạn nặng 1000kg. Sự tiến bộ lớn nhất của Sejjil-2 là về độ chính xác, một thứ mà tên lửa đạn đạo của Iran thường thiếu. Các quan chức quốc phòng Iran cho biết Sejjil-1, Sejjil-2 được trang bị hệ thống dẫn đường mới cũng như các cảm biến chính xác và tinh vi hơn rất nhiều các tên lửa đời cũ mà Mỹ từng biết.
Tàu ngầm hạng trung lớp Ghadir
Có lẽ mối nguy hiểm lớn nhất mà Iran có thể tạo ra là khả năng đe dọa các chuyến hàng chở dầu qua eo biển Hormuz, nơi có khoảng 20% nguồn cung dầu toàn cầu đi qua mỗi ngày. An ninh tại eo biển Hormuz quan trọng đến mức theo một con số ước tính, Mỹ đã chi khoảng 8 nghìn tỷ đô la để bảo vệ eo biển Hormuz kể từ năm 1976.
Eo biển Hormuz nằm trong vùng nước nông và hẹp của vịnh Ả Rập, khả năng triển khai các tàu ngầm sẽ rất hiệu quả trong việc đe dọa các tàu trên mặt nước. Đội tàu ngầm cỡ trung 150 tấn Ghadir sẽ đặc biệt nguy hiểm trong bất kỳ cuộc xung đột nào. Một khi đã ẩn mình dưới đáy biển đầy cát của vịnh Ba Tư, để phát hiện ra Ghadir sẽ là điều vô cùng khó khăn. Các tàu quân sự và thương mại có thể dễ dàng trở thành con mồi cho tàu ngầm Ghadir.
Theo các phương tiện truyền thông của Iran, Ghadir có thể mang theo ngư lôi, thực hiện đặt mìn hoặc vận chuyển lực lượng đặc biệt vào lãnh thổ đối phương.
Các tàu ngầm này không có chất lượng đặc biệt cao, nhưng lại có số lượng đông đảo. Theo ước tính, Iran có ít nhất hai mươi tàu ngầm lớp Ghadir cùng số lượng lớn các loại tàu ngầm khác.
Lực lượng Hezbollah
Là một tổ chức chính trị - vũ trang của người Liban theo đạo Hồi dòng Shia được thành lập vào năm 1982, Hezbollah được hỗ trợ tài chính chủ yếu từ Iran và Syria. Giá trị lớn nhất của Hezbollah đối với Iran là phạm vi hoạt động của tổ chức này. Trong khi Lực lượng Quds của Tehran thường phải vật lộn để thực hiện các cuộc tấn công bên ngoài Trung Đông, Hezbollah lại không gặp phải những hạn chế như vậy.
Các nhiệm vụ của Hezbollah ngày càng vượt xa các cuộc tấn công khủng bố truyền thống. Sau khi Mỹ xâm chiếm Iraq năm 2003, Iran đã sử dụng Hezbollah để huấn luyện các nhóm chiến binh Shia của Iraq. Cũng có báo cáo cho rằng các chiến binh Hezbollah đã giúp huấn luyện phiến quân Houthi ở Yemen. Đáng chú ý nhất, Hezbollah chính là lực lượng quan trọng không thể thiếu trong việc duy trì chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad kể từ năm 2011.