Những vũ khí thay đổi cục diện xung đột Nga - Ukraine
Xung đột Nga - Ukraine đã có những thay đổi trên thực địa khi Kiev nhận được nhiều loại vũ khí tấn công từ phương Tây.
Trong suốt chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine, các nước phương Tây và đồng minh NATO đã trang bị cho lực lượng của Kiev nhiều loại vũ khí và hệ thống chiến đấu để ngăn đà tiến công của Moskva. Trong số những vũ khí này có tên lửa chống tăng, máy bay không người lái và bệ phóng tên lửa di động - những khí tài được xem là đã làm thay đổi cục diện chiến trường, giúp Ukraine đối chọi lại Nga.
Phương Tây nâng cấp vũ khí viện trợ Ukraine
Hàng chục tỷ USD vũ khí đã chảy từ các nước châu Âu và Bắc Mỹ vào Ukraine. Lúc đầu, các quốc gia này khăng khăng vũ khí sẽ giúp Ukraine phòng thủ. Hơn một năm sau, khi quân Nga chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới, các loại vũ khí được đưa vào Ukraine đã thay đổi đáng kể. Bây giờ, những gì đang chảy vào Ukraine từ phương Tây là xe bọc thép, tên lửa tầm xa và xe tăng tiên tiến.
Với sự chi viện không dừng của Mỹ và đồng minh, giờ đây, Ukraine sẽ có khả năng phản công, giành lại những khu vực thuộc quyền kiểm soát của quân Nga thông qua việc sử dụng một số vũ khí tốt nhất trên thế giới.
Trở lại thời điểm tháng 2 năm ngoái, khi các lực lượng Nga tiến vào miền bắc Ukraine, đồng thời tiến sâu hơn vào khu vực Donbas, Mỹ và đồng minh ưu tiên vận chuyển đạn dược, tên lửa chống tăng vác vai, hệ thống phòng không và pháo binh, bao gồm hàng trăm khẩu súng lớn tương thích với đạn pháo kiểu phương Tây.
Pháo binh là loại vũ khí đóng vai trò quan trọng thời gian đầu, giúp quân đội Ukraine bảo vệ thủ đô Kiev và chặn bước tiến của quân Nga ở phía đông và phía nam. Hơn 11 tháng sau, Ukraine đã nhận được từ các đồng minh không dưới 750 khẩu pháo kéo và pháo tự hành cũng như bệ phóng tên lửa gắn trên xe tải. Trong khi đó, một trăm khẩu pháo mà phương Tây cam kết viện trợ cho Ukraine đang trên đường đến nước này.
Các nhà phân tích Mykhaylo Zabrodskyi, Jack Watling, Oleksandr Danylyuk và Nick Reynolds từ Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London cho biết: “Dù vũ khí dẫn đường chống tăng đóng vai trò quan trọng để Ukraine đối phó Nga, Ukraine đã ngăn chặn nỗ lực kiểm soát Kiev của Nga bằng cách sử dụng hỏa lực ồ ạt từ lữ đoàn pháo binh".
Thế nhưng, khi cuộc tấn công của Nga có dấu hiệu chững lại, phương Tây bắt đầu vận chuyển cho Kiev các vũ khí thiên về tấn công hơn là phòng thủ. Ba Lan đã hỗ trợ hơn 200 xe tăng cũ cho Ukraine với một số xe tăng trong đó là T-72 thời Liên Xô.
Trong khi đó, Anh cam kết hỗ trợ 14 xe tăng hạng nặng Challenger 2, Mỹ gửi 31 xe tăng hiện đại M-1A2. Còn Đức đồng ý để Ba Lan hỗ trợ cho Ukraine xe tăng Leopard 2 do nước này sản xuất cho Kiev.
Với vũ khí hạng nặng và tốc độ cao, xe chiến đấu bộ binh sẽ có hiệu quả cao trong các chiến dịch tấn công. Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ từng nói loại vũ khí này đóng vai trò "cần thiết để Ukraine tiếp tục tiến công và giành lại các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát".
Tổng thống Zelensky cũng khẳng định việc Mỹ và NATO hỗ trợ xe tăng hiện đại là "một bước quan trọng" để đưa nước này tới chiến thắng.
Tên lửa vác vai
Trong những ngày và tuần đầu tiên khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, tên lửa chống tăng vác vai như “Vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới” (NLAW) do Anh cung cấp và FGM-148 Javelin do Mỹ chuyển giao đã trở thành công cụ quan trọng để Ukraine phòng thủ trước thiết giáp và xe tăng Nga.
George Barros, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington cho hay: "Nhiều hệ thống vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine đóng vai trò quan trọng. Nếu không có sự hỗ trợ an ninh của phương Tây thì Ukraine khó cầm cự được đến lúc này".
Theo ông George Barros, tên lửa vác vai "rất quan trọng, cung cấp hỏa lực cho từng binh sĩ Ukraine để có thể đánh bại xe thiết giáp Nga trong giai đoạn đầu chiến dịch quân sự đặc biệt". Lầu Năm Góc ước tính, Nga đã mất một nửa số xe tăng chiến đấu chủ lực ở Ukraine.
Loại vũ khí vác vai quan trọng khác mà phương Tây gửi đến Ukraine là FIM-92 Stinger, một hệ thống phòng không di động do Mỹ sản xuất. Ông Barros cho biết những vũ khí này có khả năng bắn hạ trực thăng, cũng như tiêm kích Nga tham chiến ở Ukraine.
Hệ thống vũ khí hạng nhẹ này đã giúp lực lượng Ukraine bảo vệ Kiev và các khu vực khác trong những ngày đầu của cuộc chiến.
Máy bay không người lái Bayraktar TB2
Khi xung đột ở Ukraine chuyển sang giai đoạn mới, máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã trở thành vũ khí quyết định cho lực lượng của Kiev. Dòng máy bay này được xem là một trong những phương tiện trên không hiệu quả nhất trong xung đột Nga - Ukraine.
Máy bay không người lái Bayraktar TB2 cho phép người Ukraine thực hiện các cuộc tấn công chính xác và nhắm mục tiêu vào các vị trí dễ bị tổn thương của Nga. Dòng vũ khí xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ đã được binh sĩ Ukraine sử dụng để phá hủy thiết bị quân sự như xe tăng, pháo và xe chiến đấu bộ binh của Nga.
Ukraine đã sử dụng Bayraktar TB2 tấn công vào đảo Rắn ở biển Đen. Máy bay không người lái này được sử dụng để nhắm vào các lực lượng Nga đang kiểm soát ở hòn đảo này.
Chuyên gia George Barros cho rằng "người Ukraine đã sử dụng rất hiệu quả Bayraktar TB2, có khả năng tấn công sâu vào các khu vực quan trọng dễ bị tổn thương của Nga".
Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS)
Dù tên lửa vác vai, máy bay không người lái Bayraktar TB2 đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giúp Ukraine cầm chân Nga trên thực địa, song vũ khí nổi bật nhất, xoay chuyển cục diện xung đột ở Ukraine là hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp.
HIMARS là bệ phóng tên lửa tầm xa, có độ chính xác cao, có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa tới 80 km bằng vũ khí do Mỹ cung cấp. Với các tên lửa dẫn đường bằng GPS, vũ khí này có thể nhắm mục tiêu vào các sở chỉ huy, kho đạn và cầu của Nga.
Theo đánh giá của quân đội Mỹ, HIMARS đã được chứng minh về khả năng chiến đấu trong mọi điều kiện thời tiết, thời gian 24/7, phản ứng nhanh và độ sát thương. Cụ thể, HIMARS là một chiếc xe tải 5 tấn, chở theo một thiết bị có thể phóng 6 quả pháo gần như đồng thời, phóng đầu đạn nổ vượt xa phía sau tiền tuyến, sau đó nhanh chóng thay đổi vị trí để tránh bị phản công.
Nhận định về vai trò HIMARS trong xung đột tại Ukraine, ông Mark Cancian - cố vấn cao cấp cho chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho hay: “Nếu Javelin là vũ khí mang tính biểu tượng trong giai đoạn đầu xung đột thì HIMARS là vũ khí mang tính biểu tượng của các giai đoạn sau”.
Đồng quan điểm, chuyên gia Barros cho biết HIMARS cũng đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch của Ukraine giành lại quyền kiểm soát ở khu vực phía nam Kherson. Ở đó, Kiev đã sử dụng vũ khí này để tấn công, phá hủy một số cây cầu, khiến Nga gặp khó về hậu cần.
Giáo sư Yagil Henkin tại trường Chỉ huy và Tham mưu Lực lượng Phòng vệ Israel HIMARS có 2 tác động chính tới xung đột Nga - Ukraine. Thứ nhất, sự tấn công từ HIMARS buộc Nga phải di chuyển các kho đạn dược xa hơn về phía sau, do đó làm giảm hỏa lực có sẵn của pháo binh Nga gần tiền tuyến và khiến hỗ trợ hậu cần trở nên khó khăn hơn. Hai là việc sử dụng các tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu như cầu đường làm gián đoạn nỗ lực chi viện của Moskva.
Theo đánh giá của Royal United Services Institute (Viện nghiên cứu quân chủng liên hợp Hoàng gia Anh), việc đưa HIMARS cũng như hệ thống tên lửa phóng loạt M270 do Mỹ sản xuất vào Ukraine "có thể coi là chiến sự tại Ukraine bước sang giai đoạn mới, kết thúc thời điểm Nga ồ ạt tấn công vào Donbas đã kết thúc".
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhung-vu-khi-thay-doi-cuc-dien-xung-dot-nga-ukraine-ar747533.html