Những vụ việc đau lòng
Để ngăn các vụ việc đau lòng xảy ra giữa các thiếu niên, ngoài giáo dục kỹ năng sống, cần xử nghiêm hành vi bạo lực
Ngày 24-10, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đang tạm giữ 5 thiếu niên do có liên quan đến vụ đâm chết em C.H.T (SN 2009; ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa). Năm người bị tạm giữ gồm: Nguyễn Thái Tú (SN 2008), Nguyễn Bùi Minh Hiếu (SN 2007), Đoàn Văn Khang (SN 2005), Nguyễn Hoàng Bảo Khiêm (SN 2006) và Trần Văn Luân (SN 2005).
Biến chuyện nhỏ thành lớn
Tối 22-10, Tú và Nguyễn Đồng Hiệp xảy ra mâu thuẫn, chửi nhau trên mạng xã hội, nên cả hai hẹn nhau đến khu vực chợ Thanh Hóa (phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) để giải quyết. Sau đó, Hiệp cùng C.H.T đến điểm hẹn. Còn Tú rủ thêm Hiếu, Khang, Khiêm, Luân cùng đến điểm hẹn để giải quyết mâu thuẫn. Khi vừa gặp nhau ở điểm hẹn, hai bên có cự cãi và xảy ra xô xát. Lúc này, Hiếu thủ sẵn dao bấm trong người đâm liên tiếp vào người T., còn Luân dùng mã tấu chém một nhát vào tay em, khiến nạn nhân gục tại chỗ. Sau khi gây án, nhóm của Tú lên xe rời khỏi hiện trường, cất giấu hung khí rồi bỏ trốn. Phát hiện sự việc, người dân đưa T. đi cấp cứu tại bệnh viện, do vết thương quá nặng nên em đã không qua khỏi.
Mới nhất, ngày 24-10, các cơ quan chức năng TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang xác minh clip một nhóm người dùng nón bảo hiểm đánh một nữ sinh. Nạn nhân là P.N.P.U (SN 2007, học sinh lớp 10 Trường Việt Mỹ Vũng Tàu - VASCHOOLS). Theo gia đình của U., ngày 16-10, sau khi em chơi thể thao xong đi ra ngoài để về nhà thì sự việc xảy ra. Gia đình cho biết do mẫu thuẫn qua lại trên mạng xã hội giữa U. và một nữ sinh trường khác. Sau khi bị đánh, tâm lý em U. khá hoảng sợ và phải nghỉ học ở nhà 1 tuần để điều trị.
Giữa tháng 10-2022, trên mạng xuất hiện clip ghi lại cảnh một nhóm nữ sinh ở Trường THCS Bình Chánh (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đánh tới tấp vào đầu, lưng, mặt em B.N.Q. Trong lúc nhóm này đánh hội đồng em Q., nhiều nữ sinh khác đứng nhìn và dùng điện thoại quay clip. Đáng chú ý, nhóm nữ sinh này còn nắm tóc em Q. kéo lê trên đường và chửi bới, nhục mạ. Khi đánh xong, em Q. bị bắt quỳ xuống và hứa không được kể lại vụ việc với bất kỳ ai, nếu kể thì nhóm này sẽ đánh tiếp.
Không chỉ đánh đập, một nữ sinh ở huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) còn lột đồ người khác giữa đường. Công an xác định, C.T.T.H (SN 2006; học sinh lớp 11; ngụ tại xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn) có mâu thuẫn với em B.T.B.H (SN 2007) nên đã đánh đập, dùng kéo cắt, xé và lột hết quần áo em H. Với chứng cứ thu thập, công an đã khởi tố C.T.T.H về tội "Làm nhục người khác".
Trước đó, mạng xã hội xôn xao clip một nam sinh bị bạn đánh liên tục. Các cơ quan chức năng quận Gò Vấp (TP HCM) đã lên tiếng. Theo đó, do có mâu thuẫn nên B.V.K (lớp 11A3 Trường THPT Nguyễn Trung Trực, quận Gò Vấp) đánh N.M.N.P (lớp 11A6). Em P. bị K. đánh liên tục và không thể chống đỡ. Vụ việc xảy ra từ tháng 4-2022 nhưng mãi đến tháng 10-2022, clip mới xuất hiện trên mạng.
Cần quan sát và gần gũi trẻ
Trao đổi với phóng viên, bà Huỳnh Thị Ngọc Hoa, Phó Viện trưởng VKSND TP HCM, nói bà rất đau lòng khi xem những clip học sinh bị đánh đập. Có vụ chỉ do mâu thuẫn lời qua tiếng lại, bất đồng một quan điểm sống trên Facebook mà các em hẹn nhau giải quyết. Phút nóng giận tức thời có khi đã tước đoạt sinh mạng của người khác mà chính các em khi ra tòa khóc nghẹn không hiểu vì sao lúc đó lại ra tay với bạn mình.
Bà Hoa cho rằng cha mẹ cần quan tâm con cái nhiều hơn có thể. "Cha mẹ không can thiệp sâu vào cuộc sống của con nhưng con đi chơi với ai, con kết bạn với ai, giao du với ai trên mạng xã hội, cha mẹ cần âm thầm biết để có những lời lẽ phù hợp nói chuyện với con. Bên cạnh lo cho con cuộc sống đủ đầy thì việc gần gũi, chia sẻ với con sẽ giúp cha mẹ hiểu hơn con mình. Cho con theo những khóa học về kỹ năng sống, những lớp học năng khiếu cũng là biện pháp hướng con đến những điều tốt đẹp" - bà Huỳnh Thị Ngọc Hoa nói.
Là người thường xuyên tiếp xúc với trẻ em, cả những trẻ có xu hướng bạo lực và những trẻ là nạn nhân của bạo lực, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói nếu quan sát kỹ, những trẻ hay nóng tính, hay đánh bạn hoặc chửi thề là những trẻ đang bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Các em này thường tỏ ra mạnh mẽ bằng cách thể hiện mình nổi trội trong lớp. Nhiều em sống trong gia đình đầy bạo lực, cha mẹ thường xuyên chửi bới, đánh đập nhau khiến các em bị ảnh hưởng.
Theo luật sư Ngọc Nữ, nhiều năm qua, nơi bà công tác - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM - đã phối hợp với các cơ quan chức năng đưa mô hình phiên tòa giả định vào trường học để tuyên truyền kiến thức pháp luật cho học sinh. "Việc tăng cường phổ biến kiến thức qua việc xử án giả định sẽ giúp các em nâng cao khả năng nhận thức cũng như trang bị các kỹ năng sống để các em vững vàng vào đời. Cần nhấn mạnh trách nhiệm gia đình rất quan trọng trong việc giáo dục con cái. Con hư hay con ngoan phần lớn đều ảnh hưởng từ gia đình, chứ cha mẹ không thể giao trách nhiệm cho nhà trường và xã hội" - luật sư Ngọc Nữ nói.
Xử lý nghiêm kẻ kích động
Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ) cho rằng ngoài việc cần phải có những vụ án điểm với mức án nghiêm khắc đối với những học sinh vi phạm nghiêm trọng pháp luật, công an cần nhanh chóng xác minh những clip bạo lực do ai tung lên. Bởi bên cạnh xử lý người trực tiếp gây ra vụ việc cần xác minh xử lý những người kích động đánh nhau, quay clip nhưng không can ngăn đánh nhau. "Có xử vài vụ thì học sinh mới ý thức được việc mình làm là nghiêm trọng" - luật sư Lưu Tấn Anh Toàn nhấn mạnh.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phap-luat/an-mang-tu-mau-thuan-nho-20221024210523117.htm