Những xu hướng công nghệ định hình tương lai

Công nghệ đang bước vào giai đoạn phát triển mang tính cách mạng khi các đột phá mới không chỉ thay đổi cách con người sống, làm việc mà còn định hình lại toàn bộ xã hội. Năm 2025 dự kiến sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của các công nghệ chiến lược, như tăng cường thần kinh, tác nhân AI (Agentic AI), mật mã hậu lượng tử đến điện toán không gian...

Nguồn: Internet

Nguồn: Internet

Mục đích của việc tăng cường thần kinh là cải thiện khả năng nhận thức của con người thông qua các công nghệ đọc và giải mã hoạt động của não. Tập đoàn tư vấn công nghệ Gartner của Mỹ lưu ý đến năm 2030: "30% lao động trí óc sẽ được nâng cao năng lực nhờ các công nghệ như giao diện não-máy hai chiều (BBMI)", tăng từ mức dưới 1% vào năm 2024.

Các công ty như Neuralink và Elon Musk đang tiên phong trong lĩnh vực này, phát triển các thiết bị cấy ghép cho phép cá nhân điều khiển thiết bị bằng suy nghĩ. Điều này có nghĩa là công nghệ này có tiềm năng ứng dụng trong việc nâng cao kỹ năng của con người, tiếp thị và tối ưu hóa hiệu suất, cho phép các thương hiệu hiểu được cảm xúc của người tiêu dùng và tăng cường khả năng thần kinh để có kết quả tốt.

Một trong những đột phá quan trọng nhất là sự phát triển của tác nhân AI – những phần mềm thông minh có thể tự ra quyết định và thực hiện các nhiệm vụ phức tạp mà không cần con người can thiệp.

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ đơn thuần, AI tác nhân đang được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, dịch vụ khách hàng, chăm sóc sức khỏe và tài chính. Chẳng hạn, trong ngành tài chính, tác nhân AI phân tích xu hướng thị trường và xây dựng kế hoạch đầu tư cá nhân hiệu quả.

Theo giới chuyên gia, đến năm 2028, ít nhất 15% quyết định công việc hàng ngày dự kiến sẽ được tự động hóa nhờ công nghệ này, mang lại một kỷ nguyên mới về năng suất và hiệu quả. Tuy nhiên, sự phổ biến của AI cũng đặt ra yêu cầu về quản trị đạo đức và minh bạch.

Các nền tảng quản trị AI đang trở thành yếu tố thiết yếu, giúp các tổ chức đảm bảo rằng công nghệ này được sử dụng một cách an toàn và đáng tin cậy. Điều này đặc biệt quan trọng khi các hệ thống AI ngày càng can thiệp sâu vào các lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục và chính trị. Các công ty như Credo AI và Fairly AI đã tiên phong phát triển công cụ để giám sát và điều chỉnh việc sử dụng AI, giúp giảm thiểu nguy cơ vi phạm đạo đức.

Trong thời đại mà thông tin sai lệch có thể gây hậu quả nghiêm trọng, các công nghệ bảo vệ an ninh thông tin đang nổi lên như một giải pháp quan trọng.

Công nghệ này nhằm mục đích phân biệt độ tin cậy một cách có hệ thống và cung cấp các hệ thống phương pháp để đánh giá tính xác thực và ngăn ngừa thông tin giả mạo. Giải pháp này mang tính đột phá trong cách tiếp cận nhằm chống lại sự lan truyền thông tin sai lệch vì nó tận dụng AI và ML để phát hiện và giảm thiểu các mối đe dọa.

Các công ty công nghệ lớn như Meta, Google và Microsoft đã đầu tư mạnh vào việc phát triển các công cụ phát hiện và ngăn chặn tin giả, sử dụng trí tuệ nhân tạo để bảo vệ tính chính xác của thông tin. Dự kiến đến năm 2028, khoảng 50% số doanh nghiệp sẽ tích hợp công nghệ chống tin giả vào hệ thống của mình, đánh dấu bước tiến lớn trong cuộc chiến bảo vệ sự thật.

Sự phát triển của máy tính lượng tử cũng đang thúc đẩy sự ra đời của mật mã hậu lượng tử, một giải pháp bảo vệ dữ liệu trước nguy cơ máy tính lượng tử phá vỡ các phương pháp mã hóa truyền thống. Các công ty như Google, IBM và HP đang tích cực phát triển các thuật toán mã hóa mới để đảm bảo rằng dữ liệu và thông tin nhạy cảm được bảo vệ trước những thách thức của công nghệ tương lai.

Một xu hướng khác đang thay đổi cách chúng ta tương tác với thế giới là AI vô hình. Đây là công nghệ tích hợp AI vào môi trường xung quanh, giúp tự động hóa các tác vụ hàng ngày mà không cần sự can thiệp rõ ràng của con người. Hãy tưởng tượng một ngôi nhà có thể tự điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng và âm nhạc dựa trên cảm xúc của bạn, hoặc một bệnh viện có thể giám sát sức khỏe bệnh nhân và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường mà không cần đến sự hiện diện của bác sĩ. AI vô hình không chỉ mang lại sự tiện lợi mà còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống ở mọi khía cạnh.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, tính bền vững cũng trở thành ưu tiên hàng đầu của ngành công nghệ. Các trung tâm dữ liệu và hệ thống AI tiêu thụ năng lượng lớn đang được cải tiến để giảm thiểu tác động đến môi trường. Điện toán tiết kiệm năng lượng, kết hợp với các nguồn năng lượng tái tạo, đang được Google và Microsoft áp dụng nhằm giảm lượng khí thải carbon. Những công nghệ như máy tính quang học và bộ tăng tốc chuyên dụng cũng đang góp phần giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng trong các tác vụ tính toán phức tạp.

Song hành với những bước tiến vượt bậc này là sự phát triển của điện toán không gian, nơi thế giới vật lý và kỹ thuật số hòa quyện với nhau. Từ giáo dục, chăm sóc sức khỏe đến giải trí, công nghệ này đang mở ra những cách thức mới để con người tương tác với thế giới số. Chẳng hạn, HoloLens của Microsoft hay Vision Pro của Apple đang định nghĩa lại trải nghiệm thực tế ảo, cho phép người dùng tiếp cận thông tin một cách trực quan và sinh động hơn.

Không dừng lại ở đó, những robot đa năng đang dần thay thế các robot đơn nhiệm, mở ra cơ hội mới trong sản xuất và dịch vụ. Các robot này không chỉ hỗ trợ trong các nhà máy mà còn có thể vận chuyển thiết bị y tế, khử trùng không khí và thậm chí tương tác với con người. Công ty nghiên cứu Gartner dự báo rằng đến năm 2030, 80% dân số toàn cầu sẽ tương tác với robot thông minh hằng ngày, một con số ấn tượng so với mức dưới 10% hiện nay.

Năm 2025 hứa hẹn sẽ là một năm đầy biến động của ngành công nghệ, nơi những đột phá không chỉ thay đổi cách chúng ta làm việc mà còn định hình lại xã hội. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa các cơ hội này, các tổ chức và chính phủ cần đảm bảo rằng công nghệ được sử dụng một cách an toàn, minh bạch và có đạo đức, nhằm xây dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng cho tất cả mọi người

PV

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/du-bao-2025-nhung-xu-huong-cong-nghe-dinh-hinh-tuong-lai-258930.htm