Những ý kiến trái chiều của Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai tại tòa
Chiều 12/10, phiên tòa xét xử bị cáo Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM tiếp tục với phần thẩm vấn các bên liên quan.
Công ty Tân Thuận xin hủy hợp đồng
Theo nội dung vụ án, dự án Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè được Ban Tài chính quản trị Thành ủy (nay là Văn phòng Thành ủy) chấp thuận chủ trương cho đầu tư. Tháng 11/2000, Công ty Tân Thuận được UBND huyện Nhà Bè giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng dự án này.
Đến tháng 8/2009, UBND Tp.HCM có công văn chấp thuận địa điểm cho Công ty Tân Thuận đầu tư dự án Phước Kiển, tổng diện tích là 509.214m2 thời hạn đến 10/8/2010 và được gia hạn lần cuối đến 31/12/2013.
Tuy nhiên, khi hết hạn thực hiện dự án, Công ty Tân Thuận mới chỉ hiệp thương đền bù được 324.970 m2 đất nên chưa hoàn tất việc bồi thường, lập và trình phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 và dự án “ngâm” kể từ đó.
Đến tháng 8/2016, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Quốc Cường Gia Lai) có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư với Công ty Tân Thuận hoặc xin chuyển nhượng lại 100% dự án Phước Kiển.
Ngày 26/4/2017, Công ty Tân Thuận có văn bản kiến nghị Văn phòng Thành ủy chấp thuận chủ trương cho hợp tác với Quốc Cường Gia Lai để triển khai dự án.
Trong các ngày 16/5 và 1/6/2017, Văn phòng Thành ủy ban hành thông báo, truyền đạt ý kiến của ông Tất Thành Cang thời điểm đó là Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng phần diện tích 324.970 m2 đất (là phần mà Công ty Tân Thuận đã đền bù xong) tại dự án Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai.
Ngày 5/6/2017, ông Trần Công Thiện, đại diện Công ty Tân Thuận ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng diện tích 324.970 m2 đất nêu trên cho Quốc Cường Gia Lai với đơn giá 1.290.000 đồng/m2.
Quốc Cường Gia Lai đã thanh toán cho Công ty Tân Thuận tổng cộng 397 tỷ đồng (bao gồm 374 tỷ đồng tiền chuyển nhượng đất và 23 tỷ đồng VAT).
Tuy nhiên, thương vụ chuyển nhượng này không thể “trót lọt” khi Văn phòng Thành ủy xem xét lại và nhận thấy việc ký chuyển nhượng dự án Phước Kiển không được báo cáo cho tập thể thường trực Thành ủy và tập thể Ban thường vụ Thành ủy là trái với quyết định số 1087 ngày 31/3/2009 của Ban thường vụ Thành ủy.
Ngoài ra, việc chuyển nhượng đất không qua đấu giá trái với quy định tại Nghị định 91/2015 (về quy định việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp) và không đúng với Nghị định 44/2014 về quy định giá.
Từ đó, Văn phòng Thành ủy có văn bản đề nghị công ty Tân Thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng đất nêu trên.
Ngày 8/5/2018, hợp đồng chuyển nhượng hơn 32ha đất nói trên giữa Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai bị hủy bỏ. Công ty Tân Thuận đã trả lại cho Quốc Cường Gia Lai 394 tỷ đồng nhận trước đó và phải thanh toán thêm 21 tỷ đồng tiền lãi suất.
Tương tự, đối với 32.967m2 đất thuộc khu 4 dự án Khu dân cư ven sông tại phường Tân Phong, quận 7, Công ty Tân Thuận cũng căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Công ty Thương Tín, xác định giá trị bình quân khu đất này là hơn 17,6 triệu đồng/m².
Đến tháng 11/2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng toàn bộ khu đất này cho Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m², gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 532,6 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, đại diện Công ty Tân Thuận xác định 21 tỷ lãi suất phải trả cho Quốc Cường Gia Lai khi hai bên hủy hợp đồng chuyển nhượng, phụ lục hợp đồng là thiệt hại cho công ty nên đề nghị HĐXX cho nhận lại phần lãi suất này.
Đối với vụ chuyển nhượng dự án khu dân cư Ven Sông, do chưa thu hồi, khắc phục được nên Công ty Tân Thuận đề nghị HĐXX tuyên hủy hợp đồng, phụ lục hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai, đồng thời giải quyết hậu quả khi hủy bỏ hợp đồng.
Cụ thể, với hơn 11.967,4m2 đã chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai, Công ty Tân Thuận đề nghị giữ nguyên do Quốc Cường Gia Lai đã xây dựng hoàn thiện, khối A chung cư đã bàn giao cho khách hàng, nhằm đảm bảo an ninh trật tự và quyền lợi cho khách hàng.
Tuy nhiên, Công ty Tân Thuận kiến nghị hội đồng xét xử có biện pháp thu hồi phần giá trị chênh lệch còn thiếu mà Quốc Cường Gia Lai đang chiếm hữu.
Với phần diện tích 9.926,7m2 chưa được cấp sổ đỏ, Công ty Tân Thuận đề nghị sau khi di dời trụ điện, công ty này được quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không tiếp tục chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai.
“Mong muốn của chúng tôi là muốn giữ lại tài sản của Nhà nước, tài sản của Đảng bộ Tp.HCM cho Công ty Tân Thuận, chứ không muốn bán cho tư nhân” đại diện Công ty Tân Thuận trình bày.
Công ty Quốc Cường Gia Lai xin tiếp tục thực hiện dự án
Trong khi đó, đại diện Quốc Cường Gia Lai cho rằng, việc chuyển nhượng hơn 32ha tại dự án Phước Kiển là đúng trình tự và Quốc Cường Gia Lai là bên ngay tình, không liên quan đến vi phạm trong nội bộ của Công ty Tân Thuận cũng như đại diện chủ sở hữu của Tân Thuận.
Khi hợp đồng chuyển nhượng bị hủy, Quốc Cường Gia Lai là bên chịu thiệt hại, nên việc được trả tiền lãi tương tương với phần tiền đã thanh toán là phù hợp.
Đối với dự án khu dân cư Ven Sông, Quốc Cường Gia Lai nhận chuyển nhượng 45% vốn góp và đã thanh toán đầy đủ 186 tỷ đồng cho công ty Tân Thuận. Đến thời điểm này, Quốc Cường Gia Lai đã xây dựng hoàn thiện, khối A chung cư đã bàn giao cho khách hàng.
Từ đó, Quốc Cường Gia Lai mong hội đồng xét xử để công ty này tiếp tục thực hiện dự án.
Cũng theo đại diện Quốc Cường Gia Lai, đơn vị này đã thanh toán đầy đủ tiền tương đương 45% vốn góp tại dự án KDC Ven Sông. Quốc Cường Gia Lai có năng lực và có vốn để thực hiện dự án và mong hội đồng xét xử để công ty này tiếp tục thực hiện dự án này.
Năm 2016, Hội đồng thẩm định giá trong tố tụng hình sự đã xác định tiền chênh lệch giữa giá Hội đồng định giá xác định và giá chuyển nhượng là hơn 3,5 triệu đồng/m2. Về số tiền chênh lệch này, Quốc Cường Gia Lai sẽ nộp bổ sung.
Ngày 13/10, phiên tòa tiếp tục làm việc…