Những ý kiến xác đáng và giá trị

263 thiếu nhi tiêu biểu đại diện cho 15 triệu đội viên, thiếu niên, nhi đồng trên cả nước đã tham gia phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' lần thứ Nhất. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục NGUYỄN THỊ MAI THOA - Phó Trưởng Ban tổ chức phiên họp giả định, những vấn đề các em nêu lên, những kiến nghị các em đề xuất đã phản ánh sinh động suy nghĩ, mong muốn, nguyện vọng của các em và sẽ được nghiên cứu, xem xét một cách nghiêm túc.

Hình thành và nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão

- Là đại biểu Quốc hội chuyên trách lĩnh vực trẻ em, theo bà, việc lần đầu tiên tổ chức Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” có ý nghĩa như thế nào?

- Với phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, trẻ em được trải nghiệm một hoạt động của cơ quan lập pháp thực thụ, được tìm hiểu và có hiểu biết thêm về Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của nhà nước ta, được tham gia thực hành quyền dân chủ, là một người đại diện cho cử tri ở địa phương, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội. Sau hoạt động này, chắc chắn các em sẽ có nhận thức đúng đắn về tổ chức, hoạt động của Quốc hội, về vai trò của Quốc hội với cuộc sống của người dân, sẽ giúp các em hình thành, nuôi dưỡng ước mơ, hy vọng và hoài bão đóng góp xây dựng đất nước, có thể bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cũng sẽ có những em sẽ mơ ước được trở thành nghị sĩ, thì các em sẽ có mục tiêu, có động lực để phấn đấu.

Thông qua “Quốc hội trẻ em”, sẽ góp phần thúc đẩy sự quan tâm nhiều hơn của dư luận đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, đến vai trò và khả năng của trẻ em trong việc đóng góp để xây dựng, hoàn thiện và thực thi hệ thống chính sách, pháp luật về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em…

- Hai nhóm vấn đề được lựa chọn cho phiên họp được đánh giá rất có tính thời sự, là “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”. Bà thấy ý kiến của "đại biểu Quốc hội" trẻ em tại phiên họp về những vấn đề của chính mình ra sao?

- Phiên họp được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá là rất thành công và Chủ tịch Quốc hội cũng rất ấn tượng với màn đóng vai của các em. Tuy là phiên họp giả định nhưng những vấn đề các em nêu lên, những kiến nghị các em đề xuất đều là thực tế, phản ánh sinh động suy nghĩ, mong muốn, nguyện vọng của các em. Có những kiến nghị cần phải hoàn thiện chính sách, pháp luật, hoặc phải đổi mới cách thức thực thi pháp luật, ví dụ kiến nghị, kiến nghị đầu tư xây dựng sân chơi cho trẻ em ở các khu dân cư; kiến nghị đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các em, cho cha mẹ các em, phát triển mô hình tư vấn tâm lý học đường, tăng biển cảnh báo nguy hiểm... Nhưng cũng có những vấn đề rất cụ thể, như tăng sách cho thư viện, nhất là sách dạy kỹ năng sống, tăng giờ nghỉ để đọc sách, tăng tiết thực hành, đổi mới giờ chào cờ để tránh nhàm chán, mong muốn thầy cô không la mắng mà kiên trì bảo ban...

Đại biểu Quốc hội trẻ em tự tin phát biểu, tranh luận tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội trẻ em tự tin phát biểu, tranh luận tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Nhìn chung, tôi đánh giá rất cao kiến nghị của các em, rất xác đáng và có giá trị. Cũng phải khẳng định rằng, những kiến nghị này thực sự là của các em, được đúc rút từ những quan sát cuộc sống hàng ngày xảy ra xung quanh các em, chúng tôi rất vui mừng được là những người tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ các em, tạo cơ hội để các em thực hiện quyền lên tiếng, quyền tham gia của mình về những vấn đề mà các em quan tâm, mong muốn.

Sẽ tổ chức “Quốc hội trẻ em” hàng năm

- Những kiến nghị của trẻ em tại phiên họp giả định sẽ được nghiên cứu, xem xét tiếp thu thế nào, thưa bà?

- Với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Ủy ban được Quốc hội phân công theo dõi lĩnh vực trẻ em và với cá nhân tôi, đây là những ý kiến, kiến nghị của một đối tượng cử tri đặc biệt mà Ủy ban và các đại biểu Quốc hội đều phải quan tâm, nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật cũng như trong hoạt động giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em 2016. Nghị quyết của phiên họp giả định sẽ được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nghiên cứu, xem xét một cách nghiêm túc, có thể sẽ đề xuất đưa một số nội dung vào Nghị quyết của Quốc hội trong kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Cũng chính vì nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của nguồn thông tin từ phiên họp giả định nên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã đề xuất và đã được Chủ tịch Quốc hội đồng ý cho phép tổ chức “Quốc hội trẻ em” định kỳ hàng năm.

- Trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị "thời gian tới, cần nghiên cứu để đưa quy trình thẩm tra nội dung bảo đảm quyền trẻ em thành một khâu bắt buộc trong hoạt động lập pháp, tương tự như việc thẩm tra về bình đẳng giới hiện nay". Theo bà, chỉ đạo này có ý nghĩa thế nào đối với công tác trẻ em và trẻ em nói chung?

- Chỉ đạo này có ý nghĩa quan trọng, có thể tạo nên bước tiến mới trong hoạt động lập pháp liên quan đến việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; về việc tiếp tục nội luật hóa các quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em và tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật để bảo đảm dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.

- Xin cảm ơn bà!

Hương Linh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/nhung-y-kien-xac-dang-va-gia-tri-i342810/