Những ý tưởng, sáng tạo có ích cho đời sống

Trong những năm gần đây, các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp, hoạt động giáo dục STEM được tổ chức đã khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo cho học sinh trong các trường học trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Nhiều sản phẩm tạo được ấn tượng bởi ý tưởng sáng tạo mang tính ứng dụng cao, có ích cho đời sống.

Tại buổi trưng bày các sản phẩm giáo dục STEM tại Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng), nhiều sản phẩm của học sinh đã gây ấn tượng bởi ý tưởng sáng tạo, gần gũi với thực tiễn, mang tính ứng dụng cao, có thể kể đến như chiếc khẩu trang làm từ con giấm nuôi là ý tưởng của nhóm học sinh Lê Trang Cẩm Loan, Tô Ái Vy, lớp 12A1. Các em nuôi con giấm làm nguyên liệu để tạo ra vải, rồi sau đó may thành những chiếc khẩu trang. Mặc dù làm từ con giấm nhưng qua các khâu xử lý, chiếc khẩu trang này không có mùi, có đặc tính là sử dụng một lần, tự phân hủy sau một tuần ở môi trường tự nhiên thích hợp. Cẩm Loan cho biết: "Qua tìm hiểu thông tin trên mạng internet, kết hợp với kiến thức môn học, nhóm đã tạo sản phẩm khẩu trang tiện dụng để bảo vệ sức khỏe, đồng thời thân thiện với môi trường. Ngoài ra, nhóm còn làm xà phòng rửa tay tận dụng các nguyên liệu từ thiên nhiên, thực vật như bột nghệ, dầu dừa, dầu ô liu…

Sản phẩm khẩu trang được làm từ con giấm nuôi của nhóm học sinh Lê Trang Cẩm Loan, Tô Ái Vy, lớp 12A1 Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hưng Lợi. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Sản phẩm khẩu trang được làm từ con giấm nuôi của nhóm học sinh Lê Trang Cẩm Loan, Tô Ái Vy, lớp 12A1 Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hưng Lợi. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Chỉ với khoảng 100.000 đồng, nhóm học sinh Gia Huy, Tuấn Kiệt, Thiên Hòa, Hiển Long của lớp 9A1 đã tạo ra chiếc máy sấy tự động giúp hong khô đôi tay. Sản phẩm có thiết kế nhỏ gọn, thân vỏ được làm bằng những tấm xốp trang trí hình ảnh dễ thương, bắt mắt, có thể chống bỏng, an toàn khi sử dụng. Một sản phẩm thú vị khác là mô hình máy nâng thủy lực của nhóm học sinh lớp 9A2. Chiếc máy này dùng để nâng các vật nặng lên cao, vận chuyển hàng hóa lên xuống giữa các tầng nhanh chóng, thuận tiện, giảm tải bớt sức nặng của hàng hóa cũng như giải phóng sức lao động.

Trong tháng 4 vừa qua, tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng thành phố Sóc Trăng lần thứ X năm 2023, 30 sản phẩm đạt giải đều được đánh giá là có tính mới, sáng tạo, gần gũi với đời sống như: thiết bị theo dõi và xử lý khí trong nhà vệ sinh, xe điều khiển thông minh, thiết bị đếm học sinh ra vào lớp, hệ thống Intelligent Nurse hỗ trợ khám chữa bệnh, hệ thống mở khóa cửa thông minh, mắt kính hỗ trợ người khiếm thị…

Thông tin về các dự án sáng tạo khoa học kỹ thuật của học sinh, thầy Nguyễn Thanh Phong - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (đơn vị đạt 2 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba tại cuộc thi) cho biết, các sản phẩm sáng tạo của học sinh đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nên có thể ứng dụng vào thực tế. Điển hình như hệ thống Intelligent Nurse hỗ trợ khám chữa bệnh dùng đo thông số sức khỏe như huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể bệnh nhân, hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh, gợi ý đơn thuốc. Vừa qua sản phẩm được thử nghiệm ở một số phòng khám tư nhân, các chỉ số đánh giá khá chính xác. Hoặc sản phẩm sạc điện thoại không dây với chi phí thực hiện chỉ hơn 200.000 đồng, rẻ hơn gấp nhiều lần so với các sản phẩm điện tử đang bán trên thị trường. Sản phẩm này an toàn, dễ làm, tiện lợi, hiện tại được nhiều học sinh trong trường sử dụng.

Mô hình xe điều khiển thông minh của nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Mô hình xe điều khiển thông minh của nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

“Mục đích của các ý tưởng đều hướng đến sự tiện nghi, tiện lợi, hữu ích cho cuộc sống. Từ các sản phẩm, có thể thấy được tinh thần sáng tạo, nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu học tập của học sinh. Nếu các sản phẩm được đầu tư phát triển, đưa vào sử dụng thực tế đạt hiệu quả thì sẽ khuyến khích tinh thần sáng tạo, có khi là cơ hội để các em khởi nghiệp, định hướng cho tương lai” - thầy Nguyễn Thanh Phong chia sẻ thêm.

Có thể nói, sân chơi khoa học, kỹ thuật tạo cơ hội cho học sinh khám phá, nghiên cứu học hỏi, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong học sinh ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Như câu chuyện khởi nghiệp ấn tượng của em Nguyễn Phước Lộc, học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Văn Bảy, huyện Thạnh Trị. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu và mày mò gia công lưỡi câu với nguyên liệu thép, Lộc khởi nghiệp thành công khi sản phẩm được khách hàng ưa chuộng. Hơn 1.000 lưỡi câu thép bán ra đã mang về cho Lộc khoản thu nhập khá, giúp em có chi phí học tập, phụ giúp cho gia đình, đồng thời giúp Lộc định hướng nghề nghiệp cho tương lai.

Để khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng, khơi dậy mơ ước trong tương lai, trong những năm gần đây Sóc Trăng tổ chức nhiều cuộc thi, hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật. Qua đó, đã góp phần khuyến khíchphong trào nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào đời sống hàng ngày. Trong tháng 4 vừa qua, tỉnh đã phát động Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên tại tỉnh Sóc Trăng năm 2023, trước đó là Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sóc Trăng lần thứ XII năm 2023. Các sân chơi này thu hút sự quan tâm của học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên với nhiều sản phẩm đăng ký dự thi, hứa hẹn sẽ trình làng nhiều ý tưởng sáng tạo mới, ý nghĩa.

XUÂN NGUYÊN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/giao-duc-khoa-hoc-cong-nghe/nhung-y-tuong-sang-tao-co-ich-cho-doi-song-64848.html