NHỮNG YÊU CẦU ĐẶT RA VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁM SÁT THI HÀNH PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI ĐỐI VỚI CHÍNH PHỦ

TS.Nguyễn Đình Quyền – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, Đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII khẳng định việc giám sát của Quốc hội là giám sát ở tầm vĩ mô, vì thế việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của Quốc hội đối với Chính phủ trong thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật là vô cùng quan trọng, góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Theo TS.Nguyễn Đình Quyền, cho đến nay ở nước ta chưa có một đề tài khoa học cấp Nhà nước nào phân tích, luận giải sâu sắc về phương diện kiểm soát quyền lực nhà nước cũng như các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của kiểm soát quyền lực nhà nước trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

TS.Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh, hiện nay, Việt Nam có 03 phương diện kiểm soát quyền lực nhà nước: Phương diện thứ nhất: Kiểm soát quyền lực nhà nước trong từng nhánh thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp, tư pháp. Phương diện thứ hai: Kiểm soát quyền lực giữa các nhánh quyền lực (Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp). Phương diện thứ ba: Kiểm soát quyền lực nhà nước từ các thiết chế chính trị (Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, báo chí, nhân dân,…). Trong ba phương diện trên, phương diện kiểm soát quyền lực giữa các nhánh quyền lực là quan trọng nhất. Vì đó là kiểm soát quyền lực nội bộ, mà kiểm soát quyền lực nội bộ là kiểm soát thường xuyên và liên tục, kiểm soát không ngừng nghỉ. Còn 02 phương diện kiểm soát quyền lực còn lại chỉ ở một mức độ nhất định nào đó.

TS.Nguyễn Đình Quyền – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, Đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII

TS.Nguyễn Đình Quyền – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, Đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII

Từ việc chỉ rõ các phương diện kiểm soát quyền lực nhà nước. TS.Nguyễn Đình Quyền nêu một số yêu cầu đặt ra để giám sát của Quốc hội trở thành phương diện kiểm soát quyền lực trong thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật của Chính phủ. Thứ nhất, quyền giám sát của Quốc hội phải được tiến hành đồng bộ trên tất cả các phương thức giám sát đối với công tác thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật của Chính phủ. Thứ hai, khách quan, công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm trong hoạt động giám sát. Thứ ba, thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong giám sát thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật phải rõ, cụ thể và minh bạch. Thứ tư, giám sát của Quốc hội đối với thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật phải tuân thủ nghiêm Hiến pháp và pháp luật.

Đồng thời TS.Nguyễn Đình Quyền cũng đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội đối với Chính phủ:

Một là, tổ chức điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật của Chính phủ.

Trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn, đặc biệt là quyền giám sát mà từng chủ thể có thể tiến hành các phương thức giám sát phù hợp như: xét báo cáo, chất vấn, giám sát chuyên đề, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, tiến hành giải trình, thẩm tra các báo cáo, giám sát việc chấp hành pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn,…

Hai là, đổi mới mạnh mẽ cách thức tổ chức các phương thức giám sát của Quốc hội để các phương thức này trở thành các phương diện kiểm soát quyền lực nhà nước ở tầm vĩ mô.

Thực hiện quy định của Hiến pháp và pháp luật, những nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua,, phúc đáp yêu cầu nhiệm vụ chính trị và thực tiễn xây dựng hoàn thiện Nhà nước páp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giám sát của Quốc hội đối với thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật của Chính phủ đã được tăng cường trên tất cả các phương thức nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả trong thi hành, tổ chức, thực hiện pháp luật, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nền hành chính quốc gia. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất trong hoạt động giám sát của Quốc hội hiện nay là hiệu lực, hiệu quả chưa cao, chưa phúc đáp được yêu cầu thực hiện chủ trương tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước theo quy định của Hiến pháp 2013 cũng như đòi hỏi của thực tế mà nhân dân, cử tri đang đặt ra cho Quốc hội. Điều này phải được phân tích, làm rõ để có những định hướng, giải pháp nhằm khắc phục những yếu kém, bất cập.

Ba là, xét các báo cáo công tác. Do pháp luật chưa quy định rõ nội dung bắt buộc của các báo cáo nên còn nhiều các báo cáo chủ yếu thiên về báo cáo thành tích mà ít phản ánh trung thực, phân tích, đánh giá sâu về những hạn chế trong việc thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật,… Đây cũng chính là nguyên nhân của việc thiếu các tiêu chí để đại biểu Quốc hội xem xét, đánh giá các báo cáo cũng như việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ trong việc thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật.

Bốn là, chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn. Cần kết nối chặt chẽ giữa hoạt động chất vấn và hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; với hoạt động xét báo cáo, giải trình làm rõ trách nhiệm để phối hợp chia sẻ thông tin, kinh nghệm, cách thức tổ chức để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của các phương thức giám sát này.

Năm là, giám sát chuyên đề. Việc giám sát chuyên đề cần có sự gắn kết chặt chẽ với phương thức giám sát việc giải quyết đơn từ khiếu nại, tố cáo trong việc thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật để vừa có cơ sở lựa chọn chủ đề giám sát. Cần bổ sung rõ quy định về phạm vi, trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành và hậu quả pháp lý của việc giám sát đối với các vụ việc cụ thể phù hợp với tính chất về tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Sáu là, giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Cần quy định rõ hơn về thẩm quyền giám sát văn bản giữa các cơ quan của Quốc hội; bổ sung quy định mang tính khả thi, cụ thể về cách thức tiến hành, quy trình thủ tục, thời hạn, hậu quả pháp lý, trách nhệm, cơ chế phối hợp giữa giám sát văn bản và giám sát hoạt động, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giám sát các vụ việc cụ thể trong thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện các văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, pháp lệnh, có biểu hiện “lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách”,…

Bảy là, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Xây dựng các tiêu chí cụ thể, phạm vi trách nhiệm, trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành trong việc xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật gửi tới Quốc hội. Xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, cách thức và hậu quả pháp lý của việc giám sát đối với các vụ việc cụ thể. Việc giám sát này ở các bộ, ngành, địa phương,... cũng phải hướng vào việc giải quyết những vấn đề mang tính phổ quát ở tầm vĩ mô, vào kiểm soát quyền lực, xác định trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ trong thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật.

Tám là, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với Thủ tướng và các phó thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là hoạt động liên quan đến trách nhiệm, tính liêm chính của Quốc hội. Vì vậy, để tránh những vấn đề tiêu cực phát sinh trong quá trình tổ thực hiện cần quy định chặt chẽ, minh bạch về quy tắc ứng xử, đạo đức nghị viện của các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện phương thức giám sát này.

Chín là, tổ chức giải trình tại Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Việc lựa chọn chủ đề, vấn đề giải trình cần phải được chuẩn bị kỹ, sát với mục đích, yêu cầu đặt ra cho hoạt động giải trình. Trong các phiên giải trình cần tăng cường đối thoại, phản biện, tranh luận để làm rõ các vấn đề liên quan cũng như đưa ra được các giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót để hoàn thiện chính sách, pháp luật, đáp ứng các vấn đề thực tiễn đặt ra./

Ngọc Thúy

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80691