Những yếu tố nào ảnh hưởng đến đường huyết?

Tăng đường huyết hay tăng nồng độ đường trong máu là một tác động phổ biến của bệnh đái tháo đường dẫn đến tổn hại nghiêm trọng cho nhiều hệ thống của cơ thể, đặc biệt là các dây thần kinh và mạch máu.

Việc kiểm soát đường huyết ổn định, gần mức bình thường là rất quan trọng để giúp người mắc đái tháo đường sống khỏe mạnh, ngăn ngừa biến chứng.

Đường huyết bao nhiêu là an toàn?

Bệnh đái tháo đường là một bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ lượng hormone - insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin mà nó tạo ra.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), mức đường huyết sau đây là an toàn đối với đa số người bệnh đái tháo đường:

Đường huyết lúc đói: 90-130mg/dL (5,0mmol/L – 7,2mmol/L).

Đường huyết sau ăn 1-2 giờ: dưới 180mg/dL (10mmol/L).

Đường huyết trước khi ngủ: 110mg/dL – 150mg/dL (6,0mmol/L-8,3mmol/L).

Tuy nhiên, mức đường huyết an toàn, thích hợp còn tùy thuộc vào tuổi tác, độ nặng các biến chứng và bệnh lý đi kèm.

Mọi người nên kiểm tra đường huyết thường xuyên.

Mọi người nên kiểm tra đường huyết thường xuyên.

Những yếu tố nào ảnh hưởng đến đường huyết?

Ở người mắc bệnh tiểu đường, đường huyết dao động trong ngày chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố:

Chế độ ăn: khi không tuân thủ chế độ ăn cân bằng và phù hợp. Sử dụng thực phẩm có chỉ số đường huyết cao hoặc ăn kiêng khem không đủ dinh dưỡng.

Căng thẳng tâm lý.

Mắc các bệnh khác phối hợp dẫn đến đường huyết lên cao.

Thuốc: Thời gian uống thuốc, các loại thuốc điều trị đái tháo đường hoặc các thuốc khác có thể có hiệu ứng khác nhau đối với đường huyết.

Thể dục: Tập thể dục với cường độ nhẹ hay nặng sẽ làm giảm hoặc tăng đường huyết.

Các triệu chứng đường huyết không ổn định

Khi tăng đường huyết, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như khô miệng, khát nhiều, đi tiểu thường xuyên, mắt mờ, đau đầu, mệt mỏi…

Ngược lại, nếu người bệnh thường thấy bủn rủn chân tay, đổ mồ hôi, đói... là biểu hiện của hạ đường huyết.

Đường huyết được xem là bất thường khi:

Lúc đói đường huyết <70 mg/dL (3,9mmol/L).
Sau ăn 2 giờ đường huyết > 200mg/dL (11,1mmol/L).

Đường huyết hạ quá mức, xuống thấp dưới 60mg/dL dễ dẫn đến hôn mê thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Đường huyết tăng cao trên 180mg/dL gây ra các biến chứng ở mắt, thận, thần kinh, mạch máu, tim, não…nặng hơn có thể dẫn đến hôn mê do nhiễm toan ceton, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu…

Đường huyết dao động nhiều, lúc quá cao, lúc quá thấp cũng đưa đến các biến chứng, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Làm gì khi có đường huyết bất thường?

Khi đường huyết thấp: Nên ăn một ít bánh ngọt, kẹo, uống sữa hoặc nước đường.

Khi đường huyết tăng: Nên xem lại chế độ ăn, thức ăn, kiểm tra xem có quên uống thuốc không.

Sau đó nên đi khám bệnh để được tư vấn và điều chỉnh thuốc.

Kiểm tra đường huyết thường xuyên.

Làm gì để tránh được tình trạng đường huyết không ổn định?

Đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày là phù hợp với đa số bệnh nhân đái tháo đường.

Đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày là phù hợp với đa số bệnh nhân đái tháo đường.

Ngay từ lúc được chẩn đoán mắc đái tháo đường (tiểu đường), người bệnh cần phải biết cách tự chăm sóc và theo dõi bệnh hằng ngày. Tự theo dõi đường huyết và biết mức đường huyết cần đạt.
Biết cách xử lý khi đường huyết dao động nhiều, quá cao hay quá thấp.

Tuân thủ chế độ ăn cân bằng, hợp lý, đủ dinh dưỡng.
Luyện tập thể dục hằng ngày: Chọn hoạt động an toàn và hiệu quả nhất, ví dụ đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày là phù hợp với đa số bệnh nhân đái tháo đường.
Dùng thuốc điều trị đái tháo đường (uống, tiêm) đúng cách, đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Ngưng hút thuốc lá.

Tóm lại: Bệnh đái tháo đường tuy không phải là bệnh lây nhiễm nhưng phổ biến nhất hiện nay và nguy hiểm, khi mắc bệnh phải điều trị suốt đời. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, gánh nặng chi phí, thời gian tiền bạc của người bệnh.

BS. Nguyễn Thị Mỹ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-yeu-to-nao-anh-huong-den-duong-huyet-169240827194821348.htm