Niềm hân hoan của người mẹ phải trả tiền để con đọc sách

MỸ- Thất bại trước nỗ lực truyền cảm hứng đọc sách cho con, một nhà phê bình văn hóa đã phải dùng 'nước cờ' cuối cùng là trả tiền để con đọc sách.

Mùa hè năm nay, tôi phải trả 100 USD để cô con gái 12 tuổi của tôi đọc hết một cuốn sách. Đối với các bà mẹ, đó chắc chắn là "nước cờ" cuối cùng và số tiền này cũng là phần thưởng quá lớn.

Tôi không thể nói rằng tôi tự hào về việc đó nhưng tôi cực kỳ hài lòng về kết quả. Nó thành công đến mức tôi muốn gợi ý các bậc cha mẹ của những đứa trẻ đang miễn cưỡng đọc sách hãy mở ví ra và "hối lộ" con cái mình.

Con gái tôi là một đứa trẻ thông minh, chắc chắn hơn tôi vào năm tôi 12 tuổi. Nhưng cho đến trước khi tôi phải dùng đến cách "hối lộ", con chưa bao giờ đọc hết một chương sách ngoài sách học ở trường.

Việc bắt con đọc sách giống như đi nhổ răng. Từ nhỏ đến giờ, con mới đọc một vài cuốn sách tranh và nghe sách nói. Con chưa từng đọc sâu kiểu truyền thống, kiểu 2 mắt nhìn chằm chằm vào trang giấy và mặc kệ thế giới ngoài kia.

Đọc sách với con gái tôi giống như đi nhổ răng. Ảnh: New York Times

Đọc sách với con gái tôi giống như đi nhổ răng. Ảnh: New York Times

Cách đây vài tháng, khi đối mặt với sự thật này, tôi cảm thấy đó là một thất bại trong việc nuôi dạy con cái.

Mặc dù, chúng tôi đã đọc cho con nghe rất nhiều truyện khi con còn nhỏ và chúng tôi sống trong một ngôi nhà chất đầy sách, nhưng tôi vẫn không thể nuôi dưỡng cho con thú vui đọc sách.

Ngay trước đại dịch, một cuộc khảo sát đáng buồn tiết lộ rằng việc đọc sách để giải trí đã giảm đi rất nhiều ở trẻ em. Gần 30% trẻ em 13 tuổi cho biết "không bao giờ hoặc gần như không bao giờ" đọc sách như một thú vui.

Trong khi thời gian sử dụng màn hình TV, điện thoại của trẻ em tăng đáng kể trong giai đoạn đại dịch. Điều đó có thể kết luận rằng, việc đọc sách như một thú vui đang ngày càng trở thành một hoạt động ít thấy ở trẻ em.

Tất cả chúng ta đều hiểu rằng, việc đọc sách giúp làm tăng thêm trải nghiệm của chúng ta như thế nào. Tuy nhiên, tôi thấy khó khăn đến mức kỳ lạ khi phải truyền đạt bất kỳ điều gì trong số đó cho cô con gái của tôi.

Con gái nói không thích đọc sách và cũng không quan tâm đến việc đọc sách. Con thấy chuyện không đọc sách chẳng phải là vấn đề gì nghiêm trọng.

Con giải thích với tôi rằng, rất nhiều bạn bè của con "không thích" đọc sách. Tôi nhận ra rằng nếu muốn truyền đạt niềm vui đọc sách cho con mình, tôi phải làm rõ niềm vui đó là gì đối với bản thân mình.

Chắc chắn, việc con gái tôi có được một chiếc điện thoại thông minh vào năm ngoái là một phần của vấn đề. Trước khi có điện thoại, con tôi thích giao du, thích thú hét lên vì một điều đơn giản như có món tráng miệng mới mát lạnh trong tủ.

Sau khi có điện thoại, con chỉ muốn chui vào phòng, đóng cửa, trùm chăn, trên tay ôm chặt chiếc điện thoại như thể nếu không có nó thì cuộc sống xã hội của con sẽ biến mất.

Khi tôi bảo con cần đọc sách vì tiểu thuyết là cách tốt nhất để tìm hiểu về cách thức hoạt động bên trong con người. Con gái nói rằng có thể học được nhiều hơn từ việc quan sát những người mà con theo dõi trên mạng xã hội.

Tôi nói sách sẽ kể những câu chuyện, con lại nói "đã có Netflix". Tôi nói sách dạy lịch sử, con bảo "đã có internet". Tôi nói đọc sách sẽ giúp con hiểu bản thân mình, con đáp: "Không ạ, cảm ơn mẹ. Con chỉ cần sống thôi".

Tôi hứa sẽ mua cho con tất cả những cuốn sách con muốn, dựng giá sách trong phòng để con có thể nhìn thấy những cuốn con yêu thích khi nằm trên giường. Con giễu tôi: "Mẹ ơi, chào mừng đến với giấc mơ của mẹ".

Tôi nhận ra mình không thể thắng trong các cuộc tranh luận bởi vì ít có lập luận nào của con gái là sai. Đọc sách là cách để mở rộng vũ trụ và khám phá những thế giới mới nhưng internet cũng có tác dụng như vậy.

Gần 30% trẻ em 13 tuổi cho biết "không bao giờ hoặc gần như không bao giờ" đọc sách như một thú vui. Ảnh: Times of India

Gần 30% trẻ em 13 tuổi cho biết "không bao giờ hoặc gần như không bao giờ" đọc sách như một thú vui. Ảnh: Times of India

Sau những nỗ lực thất bại, tôi quyết định bỏ qua mọi lý lẽ để thay bằng một thực tế lạnh lùng, cứng rắn: Tiền mặt. Tôi nói với con gái rằng tôi sẽ trả cho con 100 USD để đọc một cuốn tiểu thuyết. Con há hốc miệng: "Cái gì cơ? Thật hả mẹ?".

Tất nhiên, con đồng ý với thỏa thuận đó.

Tôi tham khảo ý kiến vài người về cuốn sách sẽ khơi dậy sở thích đọc của con. Một số người gợi ý "Hoàng tử bé", "Đồi gió hú". Nhưng cuốn sách được nhiều người gợi ý nhất lại là "Mùa hè tôi trở nên xinh đẹp" của Jenny Han.

Tôi thỏa thuận, nếu con đọc hết cuốn sách trong vòng 1 tháng thì con sẽ nhận được 100 USD.

Sau đó, chúng tôi đi nghỉ ở một hòn đảo của Hy Lạp. Kỳ nghỉ dài 8 ngày và trước khi ngày thứ 7 kết thúc, con gái tôi đã đọc hết cuốn sách. Khi trở về nhà, con yêu cầu đọc phần tiếp theo và đọc xong trong 2 tuần mà không cần tôi trả tiền.

Liệu tín hiệu tích cực này có khiến con gái tôi muốn đọc các cuốn sách như "Những phụ nữ nhỏ bé", "Bắt trẻ đồng xanh" hay "Nanh trắng"? Liệu điều này có khiến con sở hữu những chồng sách ngất ngưởng trên tủ đầu giường?

Tôi không biết. Tôi chỉ biết là con gái tôi hiện có 100 USD để mua các sản phẩm làm đẹp. Tôi cũng biết đã mở ra một cánh cổng mới cho con đến với sách: Một chốn riêng tư yên tĩnh mà tôi hình dung và hy vọng sẽ phục vụ con suốt cuộc đời.

Đó cũng là cảm giác được tiêu số tiền xứng đáng nhất trong đời tôi.

* Bài viết của tác giả Mireille Silcoff - nhà phê bình văn hóa, tác giả của tập truyện ngắn “Chez L’Arabe” – đăng trên tờ New York Times.

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/niem-han-hoan-cua-nguoi-me-phai-tra-tien-de-con-doc-sach-2318542.html