Niềm hạnh phúc của các gia đình khi đón con đầu lòng

Trong khi vợ chồng Thảo mất nhiều năm chạy chữa, Mỹ Huyền và bạn đời nhận tin vui sau hôn lễ 1 tháng. Mỗi gia đình có cảm nhận, trải nghiệm khác biệt khi đón thành viên mới.

Theo kết quả nghiên cứu mối quan hệ giữa các yếu tố nhân khẩu học với hôn nhân và gia đình, đăng trên tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới số tháng 3/2022, Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh 2 con là phổ biến.

Trong khi đó, thời gian trung bình để có con đầu lòng sau khi kết hôn của các cặp đôi chưa được thống kê cụ thể. Tùy vào tình trạng sức khỏe, hoàn cảnh sống và nhiều yếu tố khác, hành trình sinh con của mỗi gia đình có sự khác biệt nhất định. Trong khi nhiều vợ chồng có con sau kết hôn vài tháng đến vài năm, cũng có những cặp đôi hiếm muộn, mất nhiều thời gian chạy chữa.

Trong Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, 4 cặp đôi chia sẻ về thời điểm, quá trình chào đón đứa con đầu lòng. Mỗi cha mẹ trải qua những cảm xúc khác nhau nhưng đều có một điểm chung: Con tới là một món quà và niềm hạnh phúc không điều gì có thể so sánh được.

9 năm mong mỏi tìm con
Trần Lê Dũng (37 tuổi), Hà Thạch Thảo (34 tuổi) - Bắc Giang

Thời điểm kết hôn: 2013
Thời điểm phát hiện có bầu: 18/12/2021

Tôi lập gia đình năm 24 tuổi, chồng 27 tuổi. Sau vài tháng thả bầu nhưng chưa có kết quả, cả hai vẫn thoải mái vì nghĩ mình còn trẻ, sức khỏe tốt, các chỉ số đều “đẹp”.

Hai năm sau, tôi bắt đầu sốt ruột và phải đi khám tại một bệnh viện chuyên về hiếm muộn ở Hà Nội. Kết quả, tôi bị tắc vòi trứng.

Hai vợ chồng quyết định làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) với sự tư vấn của bác sĩ và nhanh chóng chuyển phôi. Không lâu sau đó, lần đầu tiên nhìn thấy que thử hiện 2 vạch, tôi vội báo tin mừng cho chồng và bố mẹ hai bên.

Vậy nhưng, thế giới quanh tôi như sụp đổ khi bác sĩ kết luận không tìm thấy tim thai.

Tôi không thể quên những những ngày tháng sau đó khi liên tục phải chuyển phôi lần 2, lần 3. Nhưng đều không thành công.

Hết phôi, kinh tế cũng cạn. Hai vợ chồng quyết định nghỉ ngơi một thời gian.

Năm 2020, ổn định hơn về tinh thần và vật chất, chúng tôi quyết định làm IVF lần 2. Tuy nhiên, đây thời điểm bắt đầu bùng dịch, nhà nằm trong vùng dịch nên đến tháng 12/2021, tôi mới được tiến hành chuyển phôi thai và may mắn đậu ngay lần đầu.

Bị ám ảnh từ lần trước, tôi rất lo lắng. Cứ cách 2 ngày, tôi lại thử máu để xem các chỉ số có tốt không. Khi nằm giường bệnh để siêu âm, tôi run lẩy bẩy vì sợ hãi. Chỉ đến khi nghe được nhịp tim đầu tiên của con, tôi mới bình tâm trở lại, nước mắt cứ thế chảy ra.

Quá trình mang thai sau đó diễn ra thuận lợi. Tôi nghỉ làm 3 tháng để dưỡng thai rồi tiếp tục đi làm bình thường.

Ngày bé ra đời, khi tôi nghe được tiếng con khóc, bao nhiêu nỗi buồn trong 9 năm qua tan biến hết. Lần đầu được bế và hít hà mùi của con, vợ chồng tôi cảm thấy dường như những khó khăn đã bỏ lại đằng sau.

Con đến lúc không ngờ nhất
Trần Văn Hòa, Đinh Thị Nguyệt (27 tuổi) - TP.HCM

Thời điểm kết hôn: năm 2017
Thời điểm phát hiện có bầu: 4/2020

Sau gần 1 năm thả bầu nhưng không có kết quả, hai vợ chồng đi khám và phát hiện tôi bị đa nang buồng trứng, chồng bị giãn tĩnh mạch thừng tinh cần phẫu thuật, cộng thêm việc tinh trùng gần như không có. Trường hợp xấu nhất, chúng tôi phải đi mua tinh trùng của người khác mới hy vọng có em bé.

Cả hai vợ chồng đều không mong muốn điều đó xảy ra nên quyết định để mọi thứ tự nhiên, động viên nhau “con cái là lộc trời cho, có duyên con sẽ đến".

Sau khi chữa bệnh cho chồng, tôi từng vài lần “mừng hụt" khi có các dấu hiệu của việc mang thai, nhưng lần nào que thử cũng chỉ hiện 1 vạch. Cảm giác thất vọng lớn dần hơn mỗi ngày. Có những khi trò chuyện, chúng tôi đã đưa ra một vài phương án, một vài từ "nếu như", "giả dụ" bởi hy vọng có con đang dần cạn.

Đầu năm 2020, trong một lần nấu cơm, tôi cảm thấy mệt mỏi, nhạy cảm với mùi đồ ăn, chỉ nghĩ bị đau bao tử và trào ngược dạ dày.

Và điều bất ngờ đã đến, que thử báo 2 vạch. Tôi như không tin vào mắt mình, chân tay run bần bật, đứng không vững, nghĩ que bị hỏng. Tôi thử thêm 5 lần nữa và cho kết quả tương tự. Tôi bật khóc như một đứa trẻ. Chồng tôi cũng ôm vợ rồi nức nở.

Trong quá trình mang thai, tôi bị tiểu đường thai kỳ, dọa sinh non vì em bé quay đầu sớm nên phải nằm một chỗ, hạn chế đi lại. Khi thai được 40 tuần 2 ngày, tôi nhập viện để kích sinh. Cuối cùng, con chào đời với cân nặng 4 kg bằng phương pháp đẻ mổ.

Vì tăng cân nhanh nên trên người tôi chằng chịt vết rạn đỏ. Tôi từng rất tự ti nhưng khi con ra đời, tôi thấy tất cả điều đó đều đáng giá và thật thiêng liêng.

Nhận tin vui một tháng sau đám cưới
Mỹ Huyền (21 tuổi), Trường Giang (24 tuổi) - Bến Tre

Thời điểm kết hôn: tháng 12/2021
Thời điểm phát hiện có bầu: tháng 1/2022

Chúng tôi kết hôn khá sớm, vì vậy, hai đứa đều dự tính sau khoảng 2-3 năm mới sinh con. Một phần cả hai còn trẻ, một phần cũng muốn tranh thủ tận hưởng chút không gian riêng của hai vợ chồng.

Không ngờ, chưa kịp "kế hoạch", tôi phát hiện mang thai chỉ khoảng một tháng sau hôn lễ. Cha mẹ hai bên vui mừng vì không nghĩ được bế cháu sớm như vậy, còn tôi khá hoang mang vì chưa kịp chuẩn bị tâm lý, kiến thức và một khoản tiền dành riêng cho việc này.

Dù vậy, hai vợ chồng bảo nhau đón nhận tin vui vì con cái là món quà và quà tới thì hãy nhận.

Thời gian mang thai, vì bồi bổ quá kỹ thành ra hại, tới tháng thứ 6, tôi bị tiểu đường thai kỳ, phải kiêng khem nhiều thứ. Tôi cũng sinh non bé ở tuần thứ 32, bé nặng 2,5 kg. May mắn, bé nhanh bụ bẫm, khỏe mạnh và phát triển bình thường.

Làm cha mẹ ở tuổi còn khá trẻ, chúng tôi có nhiều bỡ ngỡ nhưng cũng háo hức, dường như cảm thấy bản thân trưởng thành cùng con theo từng ngày. Cũng nhờ có con sớm, hai vợ chồng chỉ tập trung làm việc, chăm con và dành phần lớn thời gian ở bên gia đình.

Mới đây, vì "khoái" con quá, chồng tôi gợi ý sớm có thêm bé nữa. Tuy nhiên, tôi xác định đợi bé đầu 3-5 tuổi mới tính tiếp để con nhận được sự chăm sóc tốt và chu đáo nhất.

Quay cuồng vì mang thai trước ngày cưới
Hoài An (28 tuổi), Thanh Tùng (29 tuổi) - Hải Phòng

Thời điểm kết hôn: tháng 10/2020
Thời điểm phát hiện có bầu: tháng 4/2020

Vợ chồng tôi dự định kết hôn vào năm 2021, sau khi nhà chồng tôi xây xong nhà. Tuy nhiên, mọi kế hoạch đành thay đổi khi tôi phát hiện có thai vào tháng 4/2020, khi đó đã được 8 tuần.

Thời điểm đó, tôi lo và hoang mang nhiều hơn vì cảm giác bị động. Tôi vốn muốn có một hôn lễ được lên kế hoạch rõ ràng, chủ động chuẩn bị mọi thứ và được diện những chiếc váy lộng lẫy.

Không ít lần, tôi nghĩ tới phương án đợi sinh con xong mới làm đám cưới để dư dả thời gian chuẩn bị. Cuối cùng, chúng tôi vẫn thống nhất tổ chức luôn, gia đình chồng cũng chia sẻ rằng muốn lễ lạt đầy đủ, đón hai mẹ con về cẩn thận.

Dù đã đẩy nhanh, sắp xếp mọi thứ sớm hơn dự kiến, phải đến khi thai kỳ ở tuần thứ 32, đám cưới mới có thể diễn ra. Đúng 2 tháng sau ngày cưới, tôi sinh con.

Giờ nhớ lại, mọi thứ khi đó thật "quay cuồng". Bù lại, bé đầu lòng giờ đã cứng cáp, hai vợ chồng cũng đã ổn định mọi thứ hơn, thậm chí như trở lại thời mới cưới. Đôi khi nói chuyện với nhau, chồng tôi nói nhờ có con sớm nên thời kỳ trăng mật của hai đứa giờ có thêm cả em bé kháu khỉnh đang nằm ở giữa bố mẹ này.

Mai An - Hải Phong

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/niem-hanh-phuc-cua-cac-gia-dinh-khi-don-con-dau-long-post1441761.html