Niềm mong mỏi ngày về của người đàn ông trót dính vào ma túy

Mua ma túy về chia lẻ bán cho con nghiện, Sùng A Súa, SN 1989, ở xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, biết sẽ có kết cục như thế nào nhưng vì bản thân cũng nghiện nặng nên anh ta vẫn làm liều. Bị bắt quả tang khi đang bán ma túy, Súa phải trả giá bằng bản án 15 năm tù.

Về trại giam Hồng Ca (Bộ Công an) cải tạo từ năm 2016 đến nay, Súa bảo rất nhớ nhà, mong được gặp người thân nhưng từ ngày anh ta đi cải tạo lao động, gia đình Súa chưa ai tới thăm anh ta cả.

Bán ma túy vì nghiện

Giọng nói vẫn còn lơ lớ, Súa cười hiền lành, thi thoảng lại đưa tay lên gãi cái đầu nhẵn thín. Nhìn dánh vẻ béo tốt, nhanh nhẹn của Súa, chẳng ai nghĩ nam thanh niên này từng có thời gian nghiện ma túy nặng. Như lời Súa nói thì ngày đó anh ta “lên rừng làm khỉ nhiều hơn thời gian ở nhà”.

Súa là người dân tộc, quanh năm sống trên núi nên cái sự ngu ngơ thật thà khó giấu. Anh ta bảo vì sinh ra trong một gia đình đông anh em, bố mẹ chỉ biết đi rừng và uống rượu nên cả thảy gần chục người con chẳng ai được một ngày cắp sách tới trường. Cô giáo rồi cán bộ xã tới nhà vận động nhưng cái nghèo khó như cái thừng trói lấy chân, chỉ cần một đứa được đi học là nương không ai làm, em không ai bế và ngay cả thịt chuột cũng không có để mà ăn vì chẳng có người đặt bẫy… Thế là nghỉ học. Súa kể không được đến trường học thôi chứ anh ta cũng may mắn được các chiến sỹ đồn biên phòng trong khu vực dạy chữ cho nhưng vì lâu rồi nên giờ chẳng còn nhớ được chữ nào. “Lúc bị bắt tôi phải dùng ngón tay thay cho chữ ký, vào trại giam mới được đi học thực sự đấy”, Súa kể.

Không đi học, Súa lớn lên như cây rừng, cũng biết đi nương, săn bắn thú rừng và biết mùa nào thì đào măng, hái nấm… Súa bảo cứ theo mọi người trong bản, lâu dần thành nhớ. 18 tuổi Súa lấy vợ, sinh con. Đến khi anh ta bị bắt, Súa đã là bố của 4 đứa con. Súa nhẩm tính con lớn bây giờ cũng đến tuổi cập kê, sắp lấy vợ được rồi. Còn ba đứa bé nữa cũng đều biết đi nương, đi rẫy, không còn phải bế ẵm, cho ăn như trước nữa.

Hỏi Súa làm gì để nuôi con, anh ta cười bảo: “Vợ đẻ thì vợ tự nuôi chứ, mình có đẻ đâu mà”. Hỏi lý do nghiện, nam phạm nhân này gãi đầu: “Cái này không biết là vì đâu, chỉ là dùng một lần thấy thích thì lại dùng tiếp thôi”.

Súa thấy trong vùng có nhiều người lén rủ nhau đi xuyên rừng ra biên giới xách thuê ma túy, Súa cũng muốn lắm nhưng lại sợ. Súa bảo có người kiếm được nhưng cũng có người không thấy mang tiền về nhà mà lên rừng làm con khỉ luôn. Súa cũng muốn có tiền nhưng không muốn lên rừng làm khỉ. Hỏi Súa có phải sợ bị cướp hàng không, anh ta cười hề hề: “Mình chỉ sợ đi lâu ngày thì vợ nó bỏ nhà qua biên giới lấy chồng khác thôi”. Cũng tỏ ra khôn ngoan thế mà Súa lại nghiện.

Theo lời Súa kể thì vì thấy trong bản có nhiều người nghiện nên anh ta đã nghĩ ra cách mua ma túy về chia lẻ để phục vụ số người này. Thế nhưng không muốn mua phải hàng giả thì Súa phải dùng thử. Ban đầu vì sợ nên cứ bán vài hôm là nghỉ, sau thấy kiếm được, Súa bán đều hơn và số lần anh ta sử dụng cũng tăng lên, lâu dần thành nghiện. Súa bảo tiền kiếm được chỉ đủ phục vụ bản thân, không giúp được gì cho vợ con. Duy nhất một điều Súa làm được cho gia đình ấy là anh ta không mang ma túy về nhà mà dùng chòi canh nương của gia đình làm nơi cất giấu và chia lẻ ma túy sau đó đem bán cho con nghiện.

Nhắc đến cái ngày bị bắt, Súa bảo hôm đó vừa hít xong, cả nhóm gồm Súa và mấy con nghiện tới mua “hàng” đang trong trạng thái ngất ngây, ngồi trong chòi thì lực lượng chức năng ập vào dẫn đi. Mãi tới đêm, Súa mới tỉnh.

Với hành vi mua bán, tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Súa bị kết án 15 năm tù giam.

Phạm nhân Sùng A Súa đang cùng các phạm nhân trong đội chăm sóc cây cảnh. Ảnh: Nguyễn Vũ

Phạm nhân Sùng A Súa đang cùng các phạm nhân trong đội chăm sóc cây cảnh. Ảnh: Nguyễn Vũ

Chỉ mong vợ đừng bỏ đi

“Mình có tội thì mình phải chịu thôi”, Súa thủng thẳng nói rồi bộc bạch một cách đầy lạc quan: “Đi tù nhưng mà mình lại hết nghiện, ăn ngủ đều đặn và béo khỏe hơn ngày ở nhà”.

“Ngày mới tạm giam, nghe những người cùng buồng bảo án của mình là nặng, phải ở trại một thời gian dài. Thế nào cũng được, mình chỉ thấy thương người ở nhà thôi. Vợ mình còn trẻ lắm, làm sao chịu ở không như thế. Em chỉ lo nó bỏ đi lấy chồng khác thì nương rẫy không ai làm, con cái không ai nuôi”, Súa tâm sự rồi toét miệng cười. Anh ta bảo thời gian ở trại tạm giam, cứ nghĩ phải sống 15 năm trong bốn bức tường như thế thì chết mất. Nhưng khi về trại giam, được đi làm, được học chữ, Súa thấy trại giam không đáng sợ như người ta vẫn nói. Súa bảo ở trong trại không được ăn ngủ tùy thích như ở nhà nhưng được xem tivi, được học và được nói chuyện với nhiều người nên thấy thời gian trôi nhanh.

Nhắc đến chuyện học chữ, Súa nói thấy bạn tù viết thư về cho gia đình, cũng muốn căn dặn con cái, người thân vài điều nhưng con chữ cứ nhảy múa trong đầu, không sao ghép vần được. Đến khi được cho đi học lớp xóa mù chữ, Súa hăng hái luôn và ngày nào cũng chăm chỉ học bài. Sau một thời gian theo học, đến nay Súa đã có thể viết hoàn chỉnh một lá thư gửi về cho gia đình. Súa đã viết được hai lá thư gửi về rồi nhưng chưa nhận được hồi âm của gia đình.

Súa bảo có nhiều điều muốn viết trong thư lắm nhưng chẳng biết mở lời từ đâu nên cứ nghĩ thế nào viết ra thế ấy. Được bạn tù góp ý, Súa lại viết lại, ngắn gọn những điều cần thiết thôi nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ. Súa nói mấy năm rồi không nhận được tin gì về gia đình, không biết ở nhà vợ con sống thế nào, bố mẹ, anh chị em có khỏe không.

“Mình ở trong này lễ Tết còn được cán bộ cho thêm quà của trại, nhìn đồ ăn lại nhớ gia đình”, Súa kể. Tết thì ai cũng nhớ nhà rồi nhưng hàng ngày đi làm về, bóng tối từ những ngọn núi xung quanh đổ về là lúc anh ta nhớ nhà nhất. Súa bảo mấy năm nay chỉ quen đi đường bằng, sợ đến lúc về nhà không đi rừng được nữa vì “cái chân nó lười mất rồi”.

Nói về cuộc sống trong trại giam, Súa kể, ngày mới vào làm ở đội trồng rau sau đó sang đội chăn nuôi còn giờ thì anh ta làm ở đội trực sinh, chuyên quét dọn và chăm sóc cây cảnh. Công việc nào cũng thấy mới mẻ, tò mò vì ở nhà chưa làm bao giờ. Trại giam có nhiều đợt phát động để phạm nhân tham gia nhưng anh ta chỉ có thể tham gia vào đội đá bóng của phân trại thôi. Còn những cuộc thi khác như văn nghệ, viết báo tường, viết thư gửi lời xin lỗi,…thì không thể tham gia được vì ngoài khả năng.

“Đi lao động về thì ăn cơm, ngủ nghỉ. Buồng giam có quạt điện, có tivi, có tủ sách cho phạm nhân xem và đọc nhưng mình chỉ xem tivi thôi. Đọc sách cũng hay nhưng mà đọc xong một quyển cũng lâu nên mình không thích lắm”, Súa kể.

Nam phạm nhân này cho biết, từ ngày vào trại cải tạo đến giờ chưa ốm khi nào, công việc nào được giao cũng luôn hoàn thành và chưa lần nào vi phạm nội qui để bị nhắc nhở. Súa nói sẽ cố gắng làm tốt công việc của mình để sớm được ra trại vì sợ “đi lâu quá lại quên mất đường về nhà, vợ con nó thấy lại cười cho”.

Lời tâm sự có vẻ ngây ngô nhưng đầy thành thật của Súa khiến chúng tôi phải bật cười. Hẳn là thanh niên này đã hiểu được nỗi mất mát lớn của mình và đang cố gắng để không phạm phải sai lầm nào nữa.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/niem-mong-moi-ngay-ve-cua-nguoi-dan-ong-trot-dinh-vao-ma-tuy-197630.html