Niềm tin
ĐBP - Câu chuyện một doanh nghiệp 'quỵt' tiền công lao động của người dân xã vùng cao Sín Chải (huyện Tủa Chùa) trong thi công dự án cấp điện nông thôn đã bộc lộ nhiều vấn đề không chỉ đơn thuần là thiệt hại của người dân.
Số tiền bị “quỵt” hơn 420 triệu đồng là khoản tiền lớn đối với người dân tộc thiểu số vùng cao, đời sống còn nhiều khó khăn. 17 lao động nông thôn đang khấp khởi mừng vì có thêm thu nhập cho gia đình, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 không thể đi làm thuê do nhiều công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất ngoại tỉnh và trong tỉnh tạm dừng hoạt động hoặc cắt giảm nhân công. Càng mừng hơn vì công việc ngay tại quê nhà, không phải mất chi phí thuê nhà trọ. Người làm công vui vì có thu nhập còn đông đảo người dân trong thôn thì phấn khởi vì thôn bản quê hương sắp có điện lưới quốc gia.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang! Đơn vị thi công năng lực yếu đã “bẻ kèo”, cao chạy xa bay. Người làm thuê bức xúc vì không được trả công. Dân bản hụt hẫng vì công trình dở dang, ước mong điện sáng của bao thế hệ cũng tắt phụt.
Tự mình đòi nợ không được, người dân kêu cứu! Chính quyền xã đã vào cuộc, chính quyền huyện cũng vào cuộc, đơn vị chủ đầu tư cũng được đề nghị phối hợp giải quyết. Nhưng kết quả chưa đi đến đâu. Nhà thầu vẫn bặt vô âm tín, người dân vẫn bức xúc, dự án vẫn treo.
Đã có ý kiến cho rằng nguyên nhân là do người dân. Rằng, nếu thời điểm chủ đầu tư nghiệm thu tại địa bàn để thanh toán (chấm dứt hợp đồng thi công với nhà thầu năng lực yếu) thì dân, xã phải có ý kiến rằng nhà thầu đang nợ tiền công. Về lý thì như vậy nhưng người dân đâu biết các bên liên quan đi nghiệm thu, thanh toán khi nào? Họ không biết thông tin này. Khi sự việc vỡ lở thì đã muộn!
Chính quyền địa phương, đơn vị chủ đầu tư có trách nhiệm không? Theo cái “nếu” ở trên thì: Nếu chính quyền cơ sở nắm bắt tình hình kịp thời hơn. Nếu các bên liên quan đi nghiệm thu có thông tin với cơ sở, có động thái nắm bắt tình hình liên quan đến công trình. Nếu ngay từ đầu đã xét thấy nhà thầu năng lực yếu. Nếu nhà thầu có lòng tự trọng... Như thế sẽ không có câu chuyện buồn hiện nay!
Người dân bức xúc vì bị nợ tiền công dẫn đến ngăn cản nhà thầu khác tiếp tục thi công dự án là sai. Nhưng có “nhân” mới có “quả”. Đó cũng bởi niềm tin của người dân đã bị tổn thương!
Niềm tin phải được xây dựng trên cơ sở, về lý là sự tuân thủ pháp luật, về tình là lòng tự trọng.
Nhà thầu đã không còn lòng tự trọng, và việc nợ tiền công đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lao động, pháp luật dân sự.
Trước mắt, chính quyền địa phương cần phối hợp cơ quan chức năng giúp người dân đòi quyền lợi chính đáng của mình. Về lâu dài, nếu như cho rằng lý do một phần bắt nguồn từ nhận thức hạn chế của người dân thì cần có giải pháp khắc phục hạn chế đó, không chỉ riêng những lao động nông thôn ở Sín Chải bị nợ tiền công mà đối với tất cả người dân nông thôn, vùng cao, vùng sâu, biên giới.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/190421/niem-tin