'Niềm tin của nhà đầu tư không dựa trên những cao ốc hào nhoáng'

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy khẳng định, niềm tin của nhà đầu tư không dựa trên những cao ốc hào nhoáng mà được hình thành một cách quyết liệt, bền bỉ thông qua thể chế, pháp luật.

Quốc hội hôm nay thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND).

Cần bổ sung tòa án chuyên biệt thuộc trung tâm tài chính quốc tế

Phát biểu về việc thành lập tòa án chuyên biệt thuộc Trung tâm tài chính quốc tế, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) dẫn kết luận ngày 6/5 của Bộ Chính trị.

"Ấp ủ về việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế, một bệ phóng quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng dài hạn của Việt Nam thì đã có từ lâu và đến nay đang trở thành hiện thực", đại biểu đánh giá. Điều này cho thấy quyết tâm dám nghĩ lớn, dám làm lớn và sẵn sàng hội nhập cùng thế giới.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: Quốc hội

Các chuyên gia quốc tế đều khẳng định sự thành công của một Trung tâm tài chính quốc tế nằm ở yếu tố then chốt là niềm tin của các nhà đầu tư.

"Từ kinh nghiệm thành công trên thế giới thấy rằng niềm tin ấy không dựa trên những cao ốc hào nhoáng mà được hình thành một cách quyết liệt, bền bỉ thông qua thể chế, pháp luật", đại biểu Thủy phân tích.

Trong lĩnh vực Trung tâm tài chính quốc tế thì hệ thống pháp luật tốt chính là lời cam kết vững chắc "mọi hoạt động đầu tư sẽ được bảo vệ, mọi tranh chấp sẽ được phán xử công bằng và không ai có quyền can thiệp".

Theo đại biểu, nếu thiếu hệ thống pháp luật và thiếu cơ chế giải quyết tranh chấp đáng tin cậy thì sẽ không có nhà đầu tư nào dám để lại một USD cho dù có cam kết miễn thuế 100% hoặc cơ sở hạ tầng hiện đại.

Đại biểu dẫn chứng hầu hết các mô hình trung tâm tài chính quốc tế thành công đều hoạt động dựa trên nền tảng của mô hình thông luật Common law. Đây là hệ thống pháp luật dựa trên án lệ rất uyển chuyển, linh hoạt nhưng ổn định, tính minh bạch rất cao.

Điển hình như trung tâm tài chính quốc tế Dubai tại UAE cho phép áp dụng hệ thống thông luật để giải quyết các tranh chấp và trung tâm có quy tắc giải quyết tranh chấp riêng, có tòa án riêng và tách biệt hoàn toàn với hệ thống luật hồi giáo.

Đây là một trong những yếu tố then chốt khiến Dubai trở thành trung tâm tài chính số một ở Trung Đông, thu hút hàng nghìn doanh nghiệp tài chính, ngân hàng đa quốc gia.

Trung tâm tài chính quốc tế tại Kazakhstan được xếp hạng uy tín trên thế giới; trung tâm này cho phép mọi tranh chấp được áp dụng nguyên tắc hệ thống thông luật, có tòa án riêng và tất cả văn bản ban hành trong tòa án đều bằng tiếng Anh, mời thẩm phán người Anh sang làm việc.

Đại biểu cũng cho rằng cần nguồn nhân lực chất lượng rất cao, được đào tạo và thực hành theo đúng chuẩn mực quốc tế để đảm bảo có đủ năng lực giải quyết, ra phán quyết với tất cả tranh chấp giữa các nhà đầu tư.

Từ đây, đại biểu Thủy kiến nghị bổ sung tòa án chuyên biệt thuộc trung tâm tài chính quốc tế vào hệ thống TAND.

Song song với đó là Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có nhiệm vụ hướng dẫn áp dụng các nguyên tắc của hệ thống thông luật, làm cơ sở cho giải quyết tranh chấp tại trung tâm tài chính quốc tế.

Về thẩm quyền của tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế, theo bà Thủy Luật Tổ chức TAND không nên quy định quá cụ thể.

Đào tạo thẩm phán giải quyết các loại tranh chấp trong Trung tâm tài chính quốc tế

Phát biểu giải trình, Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí cho biết, chủ trương của Bộ Chính trị thành lập hai Trung tâm tài chính quốc tế ở TPHCM và ở Đà Nẵng. Trong đó giao Đảng ủy của TAND tối cao nghiên cứu khẩn trương xây dựng đề án thành lập tòa án chuyên biệt.

Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí phát biểu giải trình. Ảnh: Quốc hội

Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí phát biểu giải trình. Ảnh: Quốc hội

Chánh án Lê Minh Trí nêu rõ: "Đây là một yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn. Đã có chủ trương của cấp thẩm quyền về việc thành lập tòa chuyên biệt này.

Đây là vấn đề lớn và rất mới nên Tòa án tối cao xin tiếp thu và sẽ thể hiện trong dự thảo luật theo hướng quy định nguyên tắc trong Luật Tổ chức TAND, có TAND chuyên biệt; giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, quy định, thẩm quyền theo lãnh thổ của các TAND chuyên biệt.

Sau đó tổ chức nghiên cứu, tham khảo, học tập kinh nghiệm của quốc tế thì Tòa án tối cao sẽ khẩn trương báo cáo đề xuất trình Quốc hội xem xét, quyết định".

“Chúng tôi sẽ suy nghĩ và tính toán kế hoạch đào tạo thẩm phán có năng lực, có trình độ đáp ứng yêu cầu giải quyết các loại tranh chấp trong Trung tâm tài chính quốc tế”, ông Lê Minh Trí nói.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/niem-tin-cua-nha-dau-tu-khong-dua-tren-nhung-cao-oc-hao-nhoang-2402624.html