Niềm tin đã quay lại nhưng doanh nghiệp vẫn lo ngại nguy cơ hình sự hóa quan hệ kinh tế

Đơn hàng, dòng tiền, tiếp cận vốn, thủ tục hành chính và nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế là 5 khó khăn chính của doanh nghiệp (DN) hiện nay, được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (còn gọi là Ban IV) báo cáo tới Thủ tướng.

Niềm tin đã trở lại

Trong bản báo cáo định kỳ tháng và Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ đã cho biết “niềm tin của DN đã dần quay trở lại”.

Trong báo cáo lần này, Ban IV đã gửi tới người đứng đầu Chính phủ kết quả khảo sát tình hình DN năm 2023 và dự cảm về triển vọng năm 2024 của DN. Cuộc khảo sát vừa được thực hiện trong tháng 12/2023.

Kết quả khảo sát cho thấy, mặc dù thời kỳ khó khăn của DN vẫn đang tiếp diễn nhưng niềm tin đã quay trở lại. Chia sẻ về kết quả cuộc khảo sát này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV cho biết: so với cuộc khảo sát Ban IV thực hiện hồi tháng 4, lần này tỷ lệ DN đánh giá tích cực/rất tích cực tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay gấp 2,7, tỷ lệ đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế vĩ mô 12 tháng tới gấp gần 3 lần; tỷ lệ DN dự kiến mở rộng quy mô mạnh tăng gấp 2 lần.

 Kết quả khảo sát của Ban IV.

Kết quả khảo sát của Ban IV.

Báo cáo với Thủ tướng, Ban IV cho biết: nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã nhận được một tỷ lệ nhất định DN đánh giá hiệu quả. Điều hành của chính quyền địa phương cũng đã nhận được sự đánh giá tích cực hơn.

Nhưng cuộc khảo sát cũng cho thấy “DN kiệt sức là sự thật, sau 2 năm Covid 19 và 2 năm phải đối mặt với những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu”. Đã vậy, DN vẫn tiếp tục gặp phải 5 khó khăn: thiếu đơn hàng, ít dòng tiền, khó tiếp cận vốn, thủ tục hành chính phức tạp và nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế.

Thủ tục hành chính vẫn có nhiều thách thức trong việc tuân thủ cho DN, đặc biệt là thủ tục hoàn thuế hoặc phòng cháy chữa cháy (PCCC). Và với nhiều vụ việc trong thực tế đã được xử lý, nhiều DN tỏ rõ sự lo ngại về nguy cơ hình sự hóa các quan hệ kinh tế, mặc dù Nghị quyết 86/NQ-CP/2022 về Phát triển thị trường đã nhấn mạnh “Các chủ thể tham gia thị trường tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế”.

Báo cáo thêm với Thủ tướng, Ban IV cho biết: Đơn hàng thiếu là khó khăn lớn trong năm 2023. DN cũng cố gắng tìm mọi kênh để tìm nguồn khách hàng mới nhưng lại phải trải qua giai đoạn sản xuất hàng mẫu và cần DN chủ động bỏ chi phí đầu tư. Cuối năm 2023, đơn hàng có vẻ tăng lên nhưng DN đã cạn nguồn vốn, hết tài sản thế chấp để vay thêm, khó khăn lại lặp lại: Không có tiền để sản xuất.

Không được vun đắp kịp thời, sức DN sẽ cạn kiệt

Dù đã lạc quan hơn, nhưng dự cảm về năm 2024, DN thấy “vẫn rất khó khăn”. Tỷ lệ dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể và tạm ngừng kinh doanh trong khảo sát tháng 12 không giảm so với khảo sát tháng 4. 11,8% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho rằng có thể ngừng kinh doanh, chờ giải thể: 12,2% dự kiến tạm ngừng kinh doanh. 28,2% cho biết có thể giảm mạnh quy mô.

Trong số các DN dự kiến còn hoạt động năm 2024, có 58,9% có thể giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 16,6% giảm trên 50%. Có 60,2% DN dự kiến giảm doanh thu, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 17,3%.

Với tình hình DN như thế, theo Ban IV: Nếu không được vun đắp kịp thời, sức lực của DN sẽ cạn kiệt. Năm 2024 là thời điểm cần tiếp tục khoan thư sức dân, sức DN hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của DN cũng như tổng thể nền kinh tế.

Thay mặt các DN, Ban IV đề nghị Chính phủ có nguồn vốn lãi suất thấp, điều kiện vay không quá khó khăn, nhìn vào khả năng trả nợ trong tương lai hoặc đánh giá thương hiệu DN, hay các số liệu về người lao động, hoặc bằng cách chứng minh hiệu quả mô hình kinh doanh, hoặc theo kết quả báo cáo tài chính để giúp các DN nhỏ có vốn sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn

Đề xuất NHNN xây dựng chính sách giải ngân với lãi suất thực vay thấp hơn, điều kiện vay cải thiện hơn, thủ tục nhanh hơn và tập trung hỗ trợ các DN có khả năng phục hồi nhanh (ví dụ: doanh thu giảm ở mức dưới 30%, không nợ thuế, không nợ bảo hiểm, lịch sử DN hoàn thành mọi nghĩa vụ tốt).

Các khoản vay lưu động tăng thêm thời hạn đáo hạn để giảm áp lực về dòng tiền cho các DN (hiện nay các ngân hàng giải ngân vốn lưu động từ: 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng).

 Theo Ban IV, nếu không được vun đắp kịp thời, sức lực của DN sẽ cạn kiệt. Ảnh: MH.

Theo Ban IV, nếu không được vun đắp kịp thời, sức lực của DN sẽ cạn kiệt. Ảnh: MH.

Ban IV cũng đề xuất Chính phủ có chính sách vĩ mô linh hoạt theo từng thời kỳ đặc biệt về chính sách tài chính ngân hàng; tích cực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ vay vốn với các DN vừa và nhỏ (vì chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế).

Các chính sách về dòng tiền của NHNN không nên quá dồn dập gây phản ứng sốc của thị trường. Ví dụ các chính sách điều hành cuối năm 2022 và đầu 2023 gây nhiều hệ lụy quá tệ cho DN.

Ngân hàng cần mở rộng cho vay vốn đối với các công ty khởi nghiệp chưa có tài sản thế chấp với mức lãi suất dưới 10%/ năm để DN có thể sống sót và mở rộng quy mô trong những năm đầu. Điều kiện xét duyệt cho vay chỉ cần DN thành lập được từ 2 năm và hoàn thành nghĩa vụ thuế đầy đủ.

Gói cho vay hỗ trợ DN 2% cần có thủ tục thông thoáng, ít yêu cầu hơn. Đồng thời, nên mở các hội thảo giữa ngân hàng với DN các ngành nghề để xác định và tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận gói vay.

Thời điểm vàng của cải cách

Đáng chú ý, trong báo cáo gửi tới Thủ tướng lần này, Ban VI cho biết DN đã thấy được “hoạt động điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong 1000 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ cũng như trong 6 tháng cuối năm 2023 là hết sức quyết liệt, kịp thời, bám sát những khó khăn của DN và của nền kinh tế”.

Nền kinh tế Việt Nam đã bước đầu vượt qua khó khăn. Niềm tin và nội lực của DN vì thế đã trở lại.

Tuy nhiên, 2024 vẫn là một năm nhiều biến số do bối cảnh toàn cầu còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ tới nội tại quốc gia, trong khi nội lực của DN đã bị bào mòn, mong chờ “sự quyết liệt, kịp thời phải liên tục được duy trì, lan tỏa từ Thủ tướng, Chính phủ đến các Bộ ngành, cấp cơ sở nhằm tiếp tục đồng hành hiệu quả, trợ lực, vun đắp niềm tin để người dân và DN vượt khó”.

Bên cạnh đó, theo Ban IV và các DN: trong bối cảnh thế giới nhiều biến số nhưng vai trò của Việt Nam không ngừng được củng cố trên trường quốc tế. Đây là “thời điểm vàng” của cải cách và giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng như của mô hình phát triển để tạo ra các động lực phát triển mới.

Đã đến lúc chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên hiệu quả, sáng tạo với các xu hướng xanh và số. Và Việt Nam đang có thế và lực để tận dụng cơ hội, phát triển kinh tế dựa trên sáng tạo và công nghệ.

Hà Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/niem-tin-da-quay-lai-nhung-doanh-nghiep-van-lo-ngai-nguy-co-hinh-su-hoa-quan-he-kinh-te-post281087.html