Niềm tin trên tàu không số

Đoàn tàu không số (Lữ đoàn 125 Hải quân) đã ký thác vào lịch sử dân tộc ta và lịch sử quân sự thế giới một Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Một con tàu không số (Ảnh tư liệu của Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển)

Một con tàu không số (Ảnh tư liệu của Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển)

Biểu tượng đặc sắc ấy được kết thành từ sự lãnh đạo của Đảng, của quân đội, sự giúp đỡ của nhân dân và niềm tin cách mạng của đội ngũ cán bộ, thủy thủ trên những con tàu mang trong mình trọng trách lịch sử to lớn.

Nhiệm vụ tuyệt mật

Trong phong ba bão táp thiên nhiên, giữa vô kể gian nguy trước kẻ thù, các thủy thủ đã thà hy sinh, quyết không để địch khống chế tàu. Có thể phải nhiều chuyến đi để có một chuyến thành công nhưng vẫn hăng hái thực hiện. Điều ấy bắt đầu từ lòng tin rồi trở thành niềm tin cách mạng, nuôi dưỡng ý chí và lòng dũng cảm của các cán bộ, chiến sĩ, để từ đấy nảy sinh mưu trí, sáng tạo chiến thắng kẻ thù. Chuyện về chuyến đi của tàu 56 là một ví dụ.

... Tết Mậu Thân 1968, Lữ đoàn 125 thực hiện kế hoạch tuyệt mật điều 4 tàu chở vũ khí, xuất phát cùng thời điểm trong đêm tối, đi 4 hướng khác nhau, khẩn trương đáp ứng yêu cầu tổng tiến công ở miền Nam. Tàu 165 đi Cà Mau. Tàu 235 vào Khánh Hòa. Tàu 43 vào Quảng Ngãi. Tàu 56 chở 37 tấn vũ khí vào bến Lộ Giao thuộc tỉnh Bình Định.

Con tàu 56 do Thuyền trưởng Nguyễn Văn Ba, Chính trị viên Đỗ Như Sạn, cùng hai thuyền phó Lê Xuân Ngọc và Nguyễn Văn Sơn chỉ huy. Các thủy thủ gồm: Nguyễn Văn Hoa, thủy thủ trưởng; Trần Hậu Vệ, phụ trách hỏa lực; Phạm Phong Đề, hàng hải; Lâm Ngọc Thả, cơ điện; Nguyễn Quốc, báo vụ; Bùi Văn Hội, cơ yếu; Trần Văn Việt, y tá; cùng các chiến sĩ Nguyễn Thoa, Hồ Văn Kiêng, Trần Bá Mai, Phan Nhạn, Nguyễn Hữu Thịnh và Nguyễn Văn Nghiệp. Mọi người mặc trang phục ngư dân đánh cá.

Dũng cảm, mưu trí

Tàu xuất phát từ vùng biển Đồ Sơn (Hải Phòng) vào ngày 26.2.1968. Đến đêm 29.2.1968, trên vùng biển quốc tế, tàu 56 bị 3 tuần dương hạm và máy bay địch theo dõi, bao vây. Đối phương chủ trương uy hiếp, để nếu biết chắc chắn đó là tàu quân sự của ta thì bắt sống. Chúng bắn đạn lửa như mưa và rọi đèn pha vào tàu ta, đồng thời phát tín hiệu quốc tế: “Các anh từ đâu đến, quốc tịch gì? Dừng lại để chúng tôi kiểm tra”. Cứ thế, chúng uy hiếp và đe dọa. Tày 56 bình tĩnh ứng xử đúng luật và khôn ngoan. Những trái tim nồng nàn tình yêu đất nước, sôi sục căm thù giặc cùng với những cái đầu lạnh dạn dày kinh nghiệm đã kiềm chế quân thù, không cho chúng có cớ tấn công…

Sang ngày thứ 3, trong khi kẻ địch vẫn bám tàu 56, Chính trị viên Đỗ Như Sạn qua sóng vô tuyến điện, biết 3 tàu kia cũng gặp địch và đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng rồi hủy tàu. Anh hội ý cấp ủy, động viên anh em kiên trì. Đồng thời chỉ thị cho thủy thủ tra kíp nổ vào các khối bộc phá gắn sẵn ở hầm hàng, buồng lái, hầm máy, hầm mũi; triển khai bom chìm (loại bom tự động nổ ở một độ sâu tương ứng)… Việc hủy tàu được ấn định như sau: phút thứ 25 kể từ khi hoàn thành việc tra kíp nổ, tàu 56 sẽ lao vào một tàu địch ở gần nhất. 25 phút chờ đợi một kết cục bi tráng tuyệt đối. Thời gian trôi trong sự quyết liệt, im ắng đến tột đỉnh. Những con mắt trừng trừng.

Trần Hậu Vệ ở phía sau bệ lái, liếc sang Thủy thủ trưởng Nguyễn Văn Hoa - là người anh quê Bến Tre, quân giải phóng vượt biển ra Bắc, nhập bộ đội Hải quân, đã lập gia đình. Con người ấy luôn luôn có một ý nghĩ trong đầu: “Không được để địch bắt sống tàu. Địch bắt sống được tàu, nghĩa là chiến tranh sẽ kéo dài và tàn khốc thêm, càng có nhiều đồng chí, đồng bào phải hy sinh. Nếu bị lộ, tình huống chót, sẽ là hủy tàu và tự sát”. Trần Hậu Vệ gạt hoài niệm “học xong lớp 10, vào đại học, thành kỹ sư, bác sĩ” sang một bên, anh nghĩ về cha mẹ, chị gái, anh rể và 4 đứa em, chú út mới học lớp 2. Tất cả nỗi nhớ thương đọng lại trong câu chuyện về Mẹ. Mẹ đau dạ dày, khẳng khiu như cây phi lao mọc trên triền đá ven biển, gò lưng chắn gió. Anh nhớ những ngày học cấp III dưới huyện, có hôm đi bộ về tới nhà đã khuya, mẹ vẫn ngồi chờ anh về ăn cơm đựng trong liễn sành ủ chăn... Giờ đây, anh thầm nói với mẹ: "Nếu con phải hy sinh, thì đó là cái chết không bao giờ vô nghĩa. Mẹ hãy tin ở chúng con!".

Thuyền trưởng Ba, người đàn ông có bộ râu đẹp như tài tử điện ảnh, quê Trà Vinh, dạn dày trận mạc nhìn đăm đăm về phía tàu địch, ánh mắt rực cháy căm thù. Mấy lần anh đề nghị chi ủy quyết định lao tàu ta vào bọn chúng… Song, Chính trị viên Đỗ Như Sạn đã kịp thời chia sẻ tâm trạng cùng anh. Rồi hai người vừa động viên anh em, vừa chỉ đạo: "Nhiệm vụ chính của chúng ta là đưa hàng tới đích. Chúng ta phải khôn khéo giữ đúng đối sách, giữ thế hợp pháp trên vùng biển quốc tế. Chúng ta đã xác định nghĩa vụ và trách nhiệm trong tình huống cuối cùng. Song không phải lúc nào bọn địch cũng biết rõ về chúng ta. Không phải ở chỗ nào kẻ địch cũng có thể tấn công chúng ta. Vả lại, không phải viên đạn nào chúng bắn ra cũng có thể găm vào chúng ta. Bộ Tư lệnh và Lữ đoàn đang quan tâm từng bước đi của chúng ta. Đồng bào, đồng chí nơi tiền phương đang mong đợi chúng ta. Hãy kiên trì và quả cảm!".

Những lời nói ấy đã củng cố lòng tin và tăng thêm sức mạnh cho các thủy thủ. Thế rồi, tình huống mới đã xảy ra. Khi kim đồng hồ hẹn giờ hủy tàu chỉ sang phút thứ 20 thì cũng là lúc đạn địch thưa dần, vẻ trễ nải, biểu hiện đối phương đã bị quân ta khuất phục. Có thể chúng đã nghĩ rằng, chiếc tàu mà chúng uy hiếp suốt 3 ngày nay, không phải tàu quân sự “Bắc Việt” mà là tàu đánh cá của ngư dân… Phán đoán đúng tình hình, chi ủy quyết định cho rút hết kíp nổ, dừng phương án hủy tàu.

Một đêm đấu trí đã qua. Bình minh, nhìn ba tuần dương hạm địch lừng lững, rõ mồn một bọn Mỹ ngồi uể oải, gật gù ngủ trên boong. Các chiến sĩ tàu 56 kéo cờ Nhật Bản lên cao, căng lưới treo cá gỗ lấp lánh màu ánh bạc, cho tàu chạy ra hướng mặt trời mọc giữa phơi phới niềm tin ở tương lai. Cuối cùng nó đã đến đích. 37 tấn vũ khí trên tàu được quân dân Bình Định chuyển thành những đòn sấm sét quật vào đầu quân xâm lược ngay giữa mùa Xuân Mậu Thân lịch sử…

PHẠM XƯỞNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/niem-tin-tren-tau-khong-so-184092