Niềm tin vào đổi mới
Bước sang năm thứ 3 triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới ở bậc tiểu học, những kết quả tích cực đã được ghi nhận từ giáo viên, học sinh.
Đây là điểm tựa vững chắc để tin tưởng, hy vọng vào kết quả của đổi mới giáo dục.
Tín hiệu tích cực
“Triển khai Chương trình GDPT 2018 trong những năm tiếp theo đã có được điều kiện, tiền đề thuận lợi. Nhưng nếu chỉ “dựa” vào những tiền đề đó thì chưa đủ để đổi mới thành công, bền vững. Bên cạnh phát huy tiềm năng kinh nghiệm, ngành Giáo dục địa phương cần không ngừng bổ sung nội lực, cơ sở vật chất và nâng cao trình độ đội ngũ…”, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Trải qua 2 lần thay sách dưới vai trò giảng dạy và quản lý, cô Nguyễn Thị Tuyết Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) đánh giá tích cực về chương trình, sách giáo khoa mới. Cụ thể, về nội dung, kiến thức, bài dạy trong sách giáo khoa lớp 1, 2, 3 được “thiết kế” gần thực tế. Chương trình, sách giáo khoa mới không làm khó giáo viên dù năm đầu còn những bỡ ngỡ. Bước sang năm thứ 2 và 3, giáo viên đã có thay đổi tích cực từ phương pháp giảng dạy, soạn giáo án đến tổ chức thực hiện…
Đối với học sinh, kiến thức trong Chương trình, sách giáo khoa mới gần gũi, thiết thực, đảm bảo phát triển năng lực. Học sinh đã chủ động hơn, biết tự tìm tòi kiến thức, vận động theo bài giảng, không còn tình trạng cô dạy gì trò học nấy…
Từ trải nghiệm quản lý, cô Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) cũng khẳng định Chương trình, sách giáo khoa mới có tính mở nên giáo viên thực hiện dễ dàng. Sách giáo khoa mới ngoài ưu điểm về nội dung, hình thức còn có thêm học liệu điện tử giúp giáo viên có thêm kênh nghiên cứu, khai thác chất liệu bài giảng.
Đặc biệt, theo cô Thanh, sách giáo khoa điện tử thực sự hữu ích khi giáo viên có thể phối hợp với phụ huynh cùng hỗ trợ, hướng dẫn học sinh khi học tập trên lớp, tại nhà.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Yên Bái) lại đánh giá cao Chương trình, sách giáo khoa mới bởi tính linh hoạt, phù hợp với địa phương, nhà trường và người học. Nhà trường, giáo viên được trao quyền chủ động nên luôn sáng tạo, đổi mới để đảm bảo chuẩn đầu ra chứ không bị bó hẹp theo khung quy định…
Trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, các đơn vị cũng được chủ động dựa trên điều kiện sẵn có và yêu cầu về chuẩn đầu ra, số tiết cần đạt. Vì vậy với những môn thiếu giáo viên, phải triển khai dạy học liên trường, việc sắp xếp tháo gỡ sẽ linh hoạt hơn.
Cũng theo bà Hằng, dạy học theo định hướng phát triển năng lực còn tạo điều kiện để các em phát huy tối đa năng lực bản thân. Điều này đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp để tối ưu hóa năng lực học sinh; giáo viên chuyển vai trò từ người truyền thụ kiến thức sang tổ chức hướng dẫn, giúp học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức...
Từng là điều phối viên chính, Ban Phát triển Chương trình GDPT 2018, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng đưa ra nhận xét: Ở bậc tiểu học, giáo viên có sự thích ứng tốt với sách giáo khoa mới dù giữa sách mới và cũ có nhiều điểm khác.
“Phản hồi từ địa phương, giáo viên khi dạy theo Chương trình, sách giáo khoa mới hơn 2 năm qua đều cho rằng kỹ năng đọc, viết, nói, nghe của học sinh tốt hơn so với sách cũ. Điều đó thể hiện không chỉ với học sinh ở các thành phố lớn, nơi có điều kiện mà với cả trẻ dân tộc, vùng cao, điều kiện dạy học còn hạn chế…”, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng cho biết.
Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cũng nhận thấy nhiều điểm tích cực sau 3 năm thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới bậc tiểu học. Trong đó, điểm tích cực nhất là chuyển dạy học theo chú trọng phát triển kiến thức, kỹ năng sang phát triển năng lực, phẩm chất. Điều này phù hợp với nhu cầu của con người trong xã hội tương lai.
Điểm tích cực thứ 2, theo thầy Mạnh, khi triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới bậc tiểu học là đội ngũ giáo viên đã tăng tính chủ động. Dạy học theo chương trình cũ, kế hoạch cố định thì nay dạy học linh hoạt, từ đó tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính sáng tạo.
Điểm tích cực thứ 3 không khó để nhận ra là Chương trình và sách giáo khoa mới giúp nhà trường, tổ chuyên môn chủ động trong thiết kế dạy học. Ngoài ra Chương trình, sách giáo khoa mới tạo môi trường linh hoạt hơn để cùng cuốn hút, lôi kéo phụ huynh tham gia các hoạt động giáo dục học sinh.
Tăng cường nguồn lực - phát huy hiệu quả
Cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng thứ 2 đứng sau con người khi triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới. Chính vì vậy, trước những khó khăn, các địa phương, nhà trường đều bày tỏ mong muốn tăng cường nguồn lực.
Thầy Đào Chí Mạnh trao đổi: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhà trường được trang cấp nhưng vẫn chậm hơn so với chương trình. “Triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới liên quan, tác động trực tiếp tới con người trong tương lai. Do đó các địa phương cần có bước đi, sự chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, vật lực. Điều đó mới tạo tâm thế tốt, việc triển khai mới đạt hiệu quả, chất lượng theo mục tiêu đề ra…”, thầy Mạnh khẳng định.
Dưới góc độ quản lý chuyên môn, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng cũng khẳng định, để triển khai hiệu quả chương trình mới, linh hoạt trong tổ chức dạy học thì phòng lớp học cần có diện tích đủ rộng, sĩ số học sinh đúng quy định. Tuy nhiên, phòng học tại tỉnh Yên Bái hiện nay phần lớn chật hẹp, gây khó khăn khi tổ chức dạy học… Mong muốn của các nhà trường, giáo viên là chuẩn hóa phòng lớp học.
Mặt khác, theo bà Hằng để đáp ứng chương trình mới, cần có thiết bị dạy học điện tử đi kèm nhằm khai thác học liệu điện tử và ứng dụng vào dạy học. Tuy nhiên, cung ứng thiết bị dạy học không chỉ ở Yên Bái mà nhiều địa phương khác vẫn chậm. Vì vậy, mong muốn “cháy bỏng” vẫn là các điều kiện vật chất, thiết bị dạy học được mua sắm, bổ sung phù hợp tiến độ, thời gian triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới.
Đánh giá cao ưu điểm của Chương trình, sách giáo khoa mới, song thầy Phùng Thế Tùng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) cũng còn những băn khoăn. Bởi các trường vùng khó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã khó nay càng thêm khó dẫn tới chất lượng giáo dục chưa đạt mục tiêu, mong muốn.
Để triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới đúng lộ trình, hiệu quả, thầy Tùng mong muốn việc cung ứng đồ dùng, thiết bị dạy học đến các trường cần đầy đủ và kịp thời. Càng hạn chế được “dạy chay, học chay” chất lượng, hiệu quả dạy học mới tăng lên và đảm bảo yêu cầu.
Để đổi mới “cán” đích
Giáo dục tiểu học trải qua hơn nửa chặng đường triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới. Việc đúc rút kinh nghiệm là vô cùng quan trọng để triển khai hiệu quả, chất lượng trong năm tiếp theo.
Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Phúc) cho hay, bản thân luôn trăn trở làm sao để giúp mỗi thầy cô thích nghi với chương trình mới khi khâu bồi dưỡng, tập huấn hiện nay vẫn còn những hạn chế.
“Nếu giáo viên chưa thấm, hiểu sâu Chương trình, sách giáo khoa mới thì khó có thể truyền tải đến học trò kiến thức tốt nhất. Điều đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động hàng ngày của giáo viên và nhà trường trong việc đổi mới giáo dục. Chương trình dù được thiết kế hay đến mấy nhưng nếu người thực hiện (giáo viên) chưa hiểu chắc nắm sâu thì khó để triển khai thành công…”, thầy Mạnh khẳng định.
Từ thực tế trên, thầy Mạnh đề xuất các địa phương, nhà trường cần quan tâm tới hiệu quả trong tập huấn bồi dưỡng giáo viên. “Khâu này đang đi hơi nhanh, đặc biệt trong thời điểm Covid-19. Để giáo viên ngấm chương trình, nhất thiết phải chú ý tới thời gian, tiến độ để nhận thức đủ, hành động thay đổi…”, thầy Mạnh nói.
Mặt khác, khâu tuyên truyền đến phụ huynh và giáo viên về Chương trình, sách giáo khoa cần thực hiện tốt và hiệu quả hơn bởi thực tế vẫn còn không ít phụ huynh “tôn vinh” giáo dục theo hướng phát triển kỹ năng và điểm số. Do đó giáo viên còn áp lực khi có cha mẹ muốn và yêu cầu phải giao bài về nhà, con trẻ đi học phải có điểm số cao. Trong khi điểm số chưa chắc là điều cần và tốt cho sự phát triển đúng hướng của người học.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng lại cho rằng để thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới những năm tiếp theo hiệu quả và cán đích thành công rất cần hướng dẫn tổ chức, tập huấn thật tốt, từ đó giúp giáo viên thành thạo, ngấm chương trình; biết khai thác điểm mới, đặc biệt là tài nguyên điện tử đi kèm sách giáo khoa vào dạy học hiệu quả.
Triển khai Chương trình GDPT mới ở năm thứ 3 bậc tiểu học khá thuận lợi bởi các trường đã rút ra được nhiều kinh nghiệm từ triển khai lớp 1, 2. Đưa ra quan điểm trên, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng đồng thời lưu ý, các nhà trường, giáo viên tự tin nhưng không nên chủ quan bởi mỗi lớp học đều có kiến thức mới, không giống nhau, có những đòi hỏi riêng. Việc triển khai lớp 1, 2, 3 thành công chỉ là tiền để hữu ích chứ không mang tính quyết định cho việc thực hiện lớp 4, 5 những năm tiếp theo về đích đúng hướng nếu không quan tâm tới một số vấn đề quan trọng như:
Cần giúp giáo viên hiểu được tinh thần của sách giáo khoa mới. Bởi khi hiểu nhà giáo mới triển khai hiệu quả. Nếu không việc dạy học có thể sẽ nặng nề hơn so với yêu cầu của sách. Giáo viên mất thời gian trong các khâu liên quan dạy học, cháy giáo án… và thậm chí tạo sự căng thẳng cho cả học sinh lẫn phụ huynh.
Mặt khác, yếu tố thành công vẫn phụ thuộc nhiều vào việc lựa chọn, sắp xếp, bố trí, bồi dưỡng tập huấn đội ngũ từ khâu chuẩn bị tới triển khai. Nếu bản thân giáo viên không được tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ, đảm bảo chuyên môn thì việc triển khai vẫn có thể thất bại.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng đồng thời chỉ ra, triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới những năm tiếp theo không thể thiếu hay coi nhẹ việc tự tìm hiểu, nghiên cứu và bồi dưỡng của đội ngũ giáo viên. Thậm chí cần coi đây là hoạt động quan trọng, then chốt để làm nên hiệu quả, thành công từ bước đầu. Nếu giáo viên chỉ tiếp cận nhận những nội dung tập huấn của nhà xuất bản, Bộ, sở vẫn chưa đủ để có thể đổi mới giáo dục hiệu quả. Để “ngấm” và hiểu sâu sắc, trọn vẹn nhất về Chương trình, sách giáo khoa mới bắt buộc mỗi nhà giáo phải tự đọc, tự học và không ngừng bồi dưỡng chuyên môn…
Cô Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) khẳng định: Cán bộ quản lý các trường tiểu học đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chương trình mới nên phải hiểu sâu về chương trình, cách thực hiện, từ đó lan tỏa tới giáo viên. Trong quá trình triển khai, ban giám hiệu phải đồng hành với giáo viên; dành thời gian dự giờ, thăm lớp, trao đổi, chia sẻ và cùng tháo gỡ khó khăn…
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/niem-tin-vao-doi-moi-post623083.html