Niềm tin vào đồng USD lung lay
Giá vàng liên tục lập đỉnh trong bối cảnh bất ổn thương mại gia tăng, thúc đẩy dòng tiền đầu tư tìm đến kênh trú ẩn an toàn truyền thống.

J.P. Morgan kỳ vọng giá vàng sẽ lên tới 4.000 USD/ounce trong quý II/2026. Ảnh: Reuters.
Theo ông Vivek Dhar, Giám đốc Nghiên cứu Hàng hóa Năng lượng và Khai khoáng tại Ngân hàng Thịnh vượng chung Australia, sự thay đổi lớn trong chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tạo ra một tình thế đặc biệt, đưa vàng trở thành lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn.
"Có một sự thay đổi trong nhu cầu trú ẩn an toàn. Đó là việc đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ bị bán tháo. Sức hấp dẫn của các tài sản trú ẩn này đã suy giảm", ông Dhar nhấn mạnh.
Giá vàng thế giới đã chạm mốc cao kỷ lục mới, đạt 3.500 USD/ounce. Nhiều nhà phân tích dự báo đà tăng này sẽ còn tiếp tục.
J.P. Morgan kỳ vọng giá vàng trung bình đạt 3.675 USD/ounce vào quý IV/2025 và thậm chí lên tới 4.000 USD/ounce trong quý II/2026.
Niềm tin vào USD lung lay
Ở chiều ngược lại, trái phiếu kho bạc Mỹ chứng kiến làn sóng bán tháo trong những tuần gần đây, đẩy lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2023. Đồng thời, theo dữ liệu từ LSEG, chỉ số USD (DXY) cũng trượt dốc, giảm 8% từ đầu năm đến nay.
Đáng chú ý, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm chỉ tăng khoảng 2 điểm cơ bản từ đầu năm. Nhưng sau khi ông Trump công bố chính sách thuế quan mới, lợi suất này đã tăng vọt hơn 30 điểm cơ bản chỉ trong một tuần.
Tương tự, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cũng ghi nhận mức tăng tương đương. Ở chiều ngược lại, giá vàng giao ngay đã tăng 25% từ đầu năm.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn đã hạ nhiệt so với đỉnh điểm hồi đầu tháng, và đồng USD cũng có dấu hiệu phục hồi nhẹ sau khi ông Trump dịu giọng về khả năng sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell. Dù vậy, vị thế của các tài sản Mỹ trong mắt giới đầu tư đã bị lung lay.
“Đồng USD chưa sụp đổ. Nhưng có thể khẳng định rằng niềm tin vào Mỹ, nền kinh tế và các tài sản chủ chốt của nước này, bao gồm đồng USD và trái phiếu kho bạc, đã suy yếu”, CNBC dẫn lời chiến lược gia thị trường John Reade của Hội đồng Vàng Thế giới.
Sự suy yếu của cả đồng USD lẫn trái phiếu kho bạc, vốn thường được coi là những "bến đỗ" an toàn hàng đầu, đã mở đường cho vàng. Kim loại quý ngày càng khẳng định vai trò trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị gia tăng.
Vì sao nhà đầu tư đổ xô tìm đến kim loại quý?
Một yếu tố then chốt được các chuyên gia chỉ ra là vai trò đặc biệt của vàng trong việc phòng ngừa rủi ro lạm phát.
Ông Michael Ryan, giảng viên Đại học Waikato, nhận định rằng khả năng bảo toàn giá trị khi đồng tiền suy yếu khiến vàng trở nên hấp dẫn trong bối cảnh hiện tại.
Theo ông Ryan, chính sách thuế quan của Mỹ có thể đẩy lạm phát gia tăng, từ đó gây áp lực lên trái phiếu kho bạc và làm tăng lãi suất trong tương lai.
"Tuy nhiên, vàng thường được xem là một biện pháp phòng ngừa lạm phát, điều này có thể lý giải lý do dòng tiền đổ vào kim loại quý”, ông nói thêm.
Không giống như tiền tệ hay trái phiếu chính phủ, vàng không mang rủi ro tín dụng, không bị chi phối bởi quỹ đạo kinh tế hay chính trị của riêng một quốc gia nào. Tính độc lập này càng làm tăng sức hấp dẫn của vàng trong bối cảnh niềm tin vào các tài sản truyền thống lung lay.
Một yếu tố khác khiến giá vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ không còn biến động cùng chiều, là niềm tin vào sức mạnh kinh tế và vị thế của Mỹ đang suy yếu.
"Thị trường dường như không mấy lạc quan về cuộc chiến thuế quan, thậm chí coi đó là một bước đi chính sách sai lầm. Sự độc lập của vàng đối với các chính sách tiền tệ và tài khóa càng làm nổi bật vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý", CNBC nhận định.
Động lực đa dạng hóa dự trữ
Trong bối cảnh đồng USD bị bán tháo, thúc đẩy xu hướng phi USD hóa, các ngân hàng trung ương tại những thị trường mới nổi đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc gia tăng tỷ trọng của vàng trong dự trữ ngoại hối.
Theo ông Eli Lee từ Ngân hàng Singapore, các ngân hàng trung ương ở những nền kinh tế mới nổi, vốn có tỷ lệ nắm giữ vàng thấp hơn đáng kể so với các thị trường phát triển, đang tích cực mua vào kim loại quý.
Động lực chính nằm ở nhu cầu đa dạng hóa dự trữ ngoại hối và giảm phụ thuộc vào đồng USD.
Việc đồng USD suy yếu đã làm dấy lên những nghi ngại về vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu, và vàng đang trở thành một ứng cử viên thay thế tiềm năng.
Dù vậy, ông Vivek Dhar tại CBA chỉ ra, làn sóng chuyển dịch khỏi đồng USD sẽ không quá lớn. Chi phí vận chuyển và lưu trữ cao, khả năng sinh lời thấp, là những yếu tố làm giảm sức hấp dẫn của vàng trong vai trò đồng tiền dự trữ.
Thêm vào đó, ông Todd Brighton - Giám đốc danh mục đầu tư tại Franklin Income Investors - nhận định, vai trò trú ẩn an toàn của trái phiếu kho bạc Mỹ có thể giảm nhẹ. Nhưng về cơ bản, vẫn khó có thể thay thế loại tài sản này vì đây là "thị trường có tính thanh khoản cao nhất thế giới".
Ngay cả khi thế giới đang hướng tới một trật tự đa cực hơn, việc thay thế hoàn toàn loại "tài sản trú ẩn" này sẽ không diễn ra trong tương lai gần.
Nguồn Znews: https://znews.vn/niem-tin-vao-dong-usd-lung-lay-post1549045.html