Niềm vui 'bóng chiều'

Chiều về, khi những đám mây lững thững trôi trên bầu trời rưng rức đỏ, trong lòng tôi tự nhiên cảm thấy chộn rộn

Tôi nhớ nội. Đúng một tuần rồi, từ hôm cả nhà quây quần dịp cúng cụ, tôi đã không về thăm nội, mà có xa xôi gì cho cam.

Tôi nhớ nội. Đúng một tuần rồi, từ hôm cả nhà quây quần dịp cúng cụ, tôi đã không về thăm nội, mà có xa xôi gì cho cam.

Nội tôi, gần chín mươi. Ở cái tuổi cổ lai hi đó lại lủi thủi một mình, con cháu nào không lo cho được. Mà đề nghị nội đến sống cùng con cháu thì nội còn dùng dằng. Có lẽ, nội sợ mình đi rồi còn các cụ tôi, bà tôi ở đây, ai sẽ là người khói nhang sớm tối; cũng có lẽ, nội chưa muốn phiền lụy đến cháu con.

Lòng nhấp nhổm mong thời gian trôi thật nhanh nên vừa tan giờ làm, tôi liền chạy xe ngay xuống nội. Cánh cổng im ỉm khép hờ, tôi tắt máy dắt xe vào trong sân, mắt dáo dác tìm hình dáng thân thuộc của nội. Trên nhà, trong sân, ngoài vườn đều không thấy nội đâu.

Bấy giờ trong lòng tôi bỗng dấy lên một niềm lo lắng nhưng lại tự trấn an chắc nội đi bộ ra ngoài để tập thể dục hay sang hàng xóm chơi cho đỡ buồn hay nội ốm mà nằm luôn trong nhà.

Tôi không dám nghĩ tiếp, vội dựng xe định chạy nhanh vào nhà thì thấy nội chậm rãi bước ra từ trong bếp, khuôn mặt nội ửng hồng. Tôi thở phào như vừa tháo được sợi dây thừng đang siết chặt lấy mình, nhanh nhảu hỏi: “Ông đang làm gì vậy? Cháu tưởng ông không có ở nhà cơ”. Nét mặt nội bỗng trở nên vui tươi khi thấy cháu gái về thăm. Nội cất giọng nhỏ nhẹ: “Ông đang nấu siêu nước và hâm lại thức ăn buổi trưa vẫn còn. Cháu ở đây ăn cơm với ông nhé”.

Biết làm sao đây? Hai đứa con tôi đi học chưa về, cũng còn phải cơm nước cho bọn trẻ mà nói rằng bận không ở lại ăn tối cùng nội được thì không đành. Nhìn khuôn miệng móm mém cười của nội khi chờ đợi câu “vâng” từ đứa cháu gái mà lòng tôi tự nhiên se sắt. Suốt một tuần rồi tôi chưa về thăm nội, suốt một tuần có lẽ nội rất mong cháu trông con. Cơn gió chiều vô tình thổi tới làm cay xè con mắt. Tôi tự nhiên lúng túng, cảm thấy mình như một kẻ có lỗi, mãi mới có thể nói ra là không ở lại ăn tối cùng nội được.

Nội thoáng buồn gật đầu. “Ừ, thôi đành vậy, cuối tuần mấy mẹ con xuống đây ăn cơm cùng ông”. Tôi “vâng” mà tự nhiên thấy cay xè sống mũi, lặng nhìn bóng nội lủi thủi đi vào bếp chất thêm cành củi khô. Nội thổi lửa rồi dụi mắt liên hồi.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Tôi tranh thủ quét giùm nội cái sân, chuyện trò với nội một lúc rồi quày quả ra về. Nhìn bóng nội thẫn thờ khép cổng mà trong tôi dâng lên một nỗi buồn miên man không sao kể xiết.

Đường về nhà đã được bê tông hóa cả rồi, lại vừa qua một trận mưa không còn có bụi, mà sao đôi mắt tôi vẫn cảm thấy xót cay. Hình ảnh nội buồn buồn khi hai ông cháu ngồi nói chuyện cứ quấn lấy tôi. Nội kể từ hôm cúng cụ xong đến nay đúng một tuần rồi các cô không ai về cả. Nội nhắc đến cô cả. Lâu rồi, cô không về, chắc cô phải trông mấy đứa cháu cho anh chị đi làm. Cô hai, cô ba cũng vậy.

Nội cứ mong ngóng từng ngày, từng ngày một, chỉ mong sao nhanh đến thứ 7, Chủ nhật xem có các con, các cháu nào được nghỉ để về quây quần bên nội. Kể cả cô út, cũng không xuống, hay là cô bị ốm, cả bố cháu nữa từ hôm ấy cũng không về. Chắc bố cháu dưới đầm nhiều việc. Tôi ngồi bần thần, không dám nói với nội là bố tôi đang nằm viện – cũng là những bệnh của tuổi già, sợ nội lại lo lắng thêm.

Rồi nội lại nhắc đến cả thằng chắt đích tôn, đã lâu rồi nó không xuống chơi với nội. Nội lôi trong hộc tủ ra lon nước ngọt, gói bánh rồi bảo: “Cái này thằng chắt thích lắm, ông cất trong tủ từ đầu tuần để dành cho nó mà đợi hoài không thấy”.

Trời mỗi lúc một tối màu, Mặt trời đã đi ngủ từ lâu, đường về nhà hôm nay tự nhiên sao xa xôi quá đỗi. Trong tôi cứ hiện lên dáng hình nội đứng vịn vào cánh cổng, đôi mắt ngóng nhìn xa xăm, đôi mắt ngóng con cháu về thăm.

Trong cuộc đời, có biết bao người già như nội? Chẳng phải hiếm hoi cháu con, ngày trẻ cũng cặm cụi nuôi cả đàn con năm, bảy người nhưng về già lại lủi thủi một bóng. Cũng bởi những mưu sinh cuộc đời đã cuốn đi những người con, người cháu. Họ mải mê với bận rộn công việc mà quên đi nơi ngôi nhà từng đón tiếng khóc chào đời của họ có bóng hình cha, mẹ già tựa cửa, lặng thầm ngóng trông con trở về.

Có khi họ tranh thủ được buổi cuối tuần, hay khi rảnh rỗi ghé qua một cách vội vã, mua biếu ông bà, mẹ cha đồng quà, tấm bánh, gửi chút tiền tiêu vặt rồi lại tất tả rời đi. Quỹ thời gian của họ còn phải sẻ chia ra cho nhiều điều khác nữa. Họ không biết hay cố tình không biết, cha mẹ già không mong quà bánh, cũng chẳng thích kim tiền, cái cha mẹ, ông bà mong là được nhìn ngắm cháu con khỏe mạnh, được quây quần bên bữa cơm đoàn tụ.

Người già leo lắt như ngọn đèn trước gió rất cần sự quan tâm, quây quần của con cháu để được sưởi ấm, bớt cô quạnh. Những đồng tiền lạnh tanh đưa vội đâu có thể gọi niềm vui về với bóng chiều?

Trần Thị Lan (Giáo viên Trường Mầm non xã Minh Hòa, thị xã Kinh Môn, Hải Dương)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/niem-vui-bong-chieu-post646920.html