Niềm vui cho các vợ chồng hiếm muộn

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ở các cặp vợ chồng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Việc phát hiện sớm không chỉ giúp điều trị có hiệu quả mà còn giảm chi phí đối với các cặp vợ chồng này.

Kiểm tra, can thiệp kịp thời

Kết hôn được 3 năm và không sử dụng các biện pháp tránh thai song đến nay chị Nguyễn Thu H (26 tuổi), trú tại phường Tân An (thành phố Bắc Giang) vẫn chưa có con. Nghe bạn bè, người thân giới thiệu, hai vợ chồng chị mua thuốc nam về uống song không hiệu quả. Sau khi đi kiểm tra sức khỏe sinh sản, chị được chẩn đoán buồng trứng đa nang dẫn đến vô sinh.

 Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang đón em bé chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang đón em bé chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Hay như chị Hoàng Thị A (SN 1995) ở xã Trung Sơn (thị xã Việt Yên) kết hôn gần 4 năm, hai vợ chồng đều khỏe mạnh và không sử dụng biện pháp tránh thai nhưng cũng chưa được hưởng niềm hạnh phúc làm cha mẹ. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định chị A bị viêm tắc vòi trứng, không thể thụ thai tự nhiên. Nhờ được can thiệp sớm bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, cuối năm 2024, vợ chồng chị có được hạnh phúc trọn vẹn khi đón con gái đầu lòng nặng 3,2 kg chào đời.

Thống kê của Bộ Y tế, ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, chiếm tỷ lệ khoảng 7,7% tổng số cặp vợ chồng; trong đó các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30 chiếm tỷ lệ 50%. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng, chiếm hơn 50% trong tổng số các cặp vợ chồng vô sinh. Tỷ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, nữ giới chiếm 40%, 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân.

Tại Bắc Giang, số người đến khám, điều trị vô sinh tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang cũng tăng hằng năm. Nếu như năm 2022, bệnh viện tiếp nhận, khám, tư vấn và điều trị vô sinh cho hơn 1,1 nghìn lượt bệnh nhân thì đến năm 2023 có hơn 1,5 nghìn trường hợp và tăng lên gần 1,7 nghìn trường hợp trong năm 2024.

Bác sĩ Đào Xuân Hiền, Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) cho biết: “Tình trạng vô sinh, hiếm muộn ở các cặp vợ chồng trẻ có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do vợ, do chồng hoặc do cả hai. Với người vợ, nguyên nhân thường gặp nhất là tắc hai vòi tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, tử cung bất thường, lạc nội mạc tử cung... Với người chồng, có thể do những bất thường về số lượng, chất lượng tinh trùng, trong đó nguyên nhân hay gặp nhất là giãn tĩnh mạch tinh hoàn hoặc không có tinh trùng do tắc ống dẫn tinh, xuất tinh ngược”.

Tăng cơ hội điều trị, hỗ trợ sinh sản

Theo các bác sĩ, đối với phụ nữ dưới 35 tuổi, quan hệ tình dục thường xuyên và không tránh thai mà không có thai sau 12 tháng thì phải đi khám, kiểm tra. Đối với những trường hợp trên 35 tuổi thì sau 6 tháng chưa có thai là phải đi khám. Phát hiện sớm những nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn sẽ có cơ hội điều trị hiệu quả hơn.

Sau hơn 3 năm triển khai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, Khoa Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) thực hiện 116 ca chọc trứng, 97 ca chuyển phôi và đã có 53 người mang thai, đến nay 26 em bé chào đời bằng phương pháp này. Ngoài ra, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang hỗ trợ điều trị các bệnh lý gây vô sinh như: U buồng trứng, u xơ tử cung, polyp buồng tử cung... cho hàng trăm phụ nữ.

Qua thống kê, sau hơn 3 năm chính thức triển khai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, Khoa Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) thực hiện 116 ca chọc trứng, 97 ca chuyển phôi và đã có 53 người mang thai, đến nay 26 em bé chào đời bằng phương pháp này.Ngoài ra, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang hỗ trợ điều trị các bệnh lý gây vô sinh như: U buồng trứng, u xơ tử cung, polyp buồng tử cung... cho hàng trăm phụ nữ, giúp nhiều cặp vợ chồng được hưởng niềm vui làm bố, làm mẹ.

Chị Nguyễn Thị Thanh H, trú tại xã Liên Sơn (Tân Yên) chia sẻ: “Sau hơn 3 năm xây dựng gia đình nhưng không thể mang thai, tôi được chẩn đoán mang gen rối loạn đông máu, được bác sĩ tư vấn thụ tinh trong ống nghiệm. Sau bao ngày tháng kiên trì điều trị, giữa năm 2024, tôi sinh con khỏe mạnh”.

Trước xu hướng vô sinh, hiếm muộn ngày càng gia tăng và trẻ hóa độ tuổi, ngày 10/9/2024, Cục Dân số (Bộ Y tế) có chương trình truyền thông cung cấp kiến thức, kỹ năng dự phòng vô sinh tại cộng đồng cho vị thành niên, thanh niên. Cuối tháng 12/2024, Cục Dân số vừa phối hợp với Chi cục Dân số tỉnh tổ chức hội nghị thí điểm cung cấp kiến thức, kỹ năng dự phòng vô sinh tại cộng đồng cho 45 cán bộ làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn.

Đáp ứng nhu cầu khám, điều trị các bệnh về nam khoa, tháng 9/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khai trương phòng khám chuyên khoa nam học và y học giới tính. Là bệnh viện chuyên khoa, đến nay, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để triển khai các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại như: Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)… Cùng đó, bệnh viện xây dựng các phòng khám hỗ trợ sinh sản riêng, người bệnh không cần đăng ký khám mà có thể lên thẳng phòng khám để các bác sĩ hỗ trợ làm thủ tục.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang cho biết: “Người trẻ không nên chủ quan nghĩ rằng vô sinh, hiếm muộn chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà bỏ qua những dấu hiệu bất thường. Khi phụ nữ xuất hiện các dấu hiệu như: Rối loạn kinh nguyệt, đau bụng dưới, ra dịch bất thường… hoặc có tiền sử chửa ngoài tử cung cần đi khám để xác định bệnh, từ đó có hướng điều trị sớm, phù hợp. Với phụ nữ đã có quan hệ tình dục, không sử dụng biện pháp tránh thai từ 6 tháng trở lên mà vẫn chưa có thai thì nên đến các bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra sức khỏe sinh sản, xác định nguyên nhân và có hướng điều trị sớm” .

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bg2/moi-nhat/niem-vui-cho-cac-vo-chong-hiem-muon-postid413298.bbg