Niềm vui của giáo viên khi được thăng hạng
Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng giáo viên các trường mầm non, phổ thông công lập trong tỉnh đã được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN).
4.000 giáo viên đủ điều kiện
Từ ngày 17-20.12, Hội đồng xét thăng hạng CDNN giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 của tỉnh đã thẩm định, chấm điểm cho khoảng 4.000 hồ sơ của viên chức đăng ký dự xét thăng hạng CDNN. Hiện nay, Thư ký Hội đồng đang tổng hợp kết quả để báo cáo Hội đồng xét thăng hạng CDNN, đồng thời tiếp nhận đơn phúc khảo theo quy định.
Nhiều nhà quản lý giáo dục và giáo viên đều cho rằng điều kiện mà Hội đồng đưa ra để xét thăng hạng CDNN cho viên chức giáo viên đợt này không có gì phức tạp. Cụ thể, mỗi giáo viên tham gia xét thăng hạng chỉ cần làm đơn xin xét thăng hạng; sơ yếu lý lịch; bản đánh giá nhận xét viên chức của thủ trưởng cơ quan; bản sao các văn bằng chứng chỉ có công chứng; các minh chứng về thực hiện nhiệm vụ, tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ hoặc bản xác nhận của nhà trường về năng lực của giáo viên; bản sao chứng nhận các danh hiệu thi đua các cấp; bản sao các quyết định tuyển dụng viên chức, hết thời gian tập sự, chuyển loại, xếp lương vào ngạch giáo viên tương đương với hạng CDNN hiện giữ... Hội đồng còn ưu tiên những giáo viên nam từ 55 tuổi trở lên, nữ từ 50 tuổi trở lên được miễn xét trình độ ngoại ngữ, tin học.
Trên cơ sở hướng dẫn của Hội đồng xét thăng hạng CDNN giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 của tỉnh, các trường đều đã chủ động rà soát, lập danh sách cử giáo viên dự xét thăng hạng theo đúng thời gian hướng dẫn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đã nhiều năm qua Hải Dương mới tổ chức xét thăng hạng CDNN cho giáo viên các trường mầm non, phổ thông công lập. Hàng nghìn viên chức giáo viên đã chủ động học tập nâng cao trình độ, hoàn thiện các văn bằng chứng chỉ, bồi dưỡng hạng CDNN từ lâu nhưng sau nhiều năm chờ đợi mới đến ngày được xét. Việc được xét thăng hạng giúp họ cởi bỏ áp lực tâm lý, thêm yêu nghề và yên tâm công tác. Với các giáo viên, thu nhập chính của họ chủ yếu trông chờ vào đồng lương. Sau thăng hạng CDNN, lương của giáo viên sẽ cải thiện đáng kể, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, được tham gia xét thăng hạng CDNN đợt này, họ rất phấn khởi.
Cô Phạm Thị Bích, giáo viên Trường Tiểu học Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) năm nay đã 50 tuổi nhưng mới lần đầu được tham dự xét CDNN từ hạng IV lên hạng III (từ trung cấp lên cao đẳng). Năm 1998, cô Bích tốt nghiệp trung cấp sư phạm, đến năm 2006 mới trúng tuyển viên chức. Năm 2014, cô tốt nghiệp đại học sư phạm, hoàn thiện nhiều văn bằng, chứng chỉ và đã tham gia bồi dưỡng CDNN hạng III, hạng II. Trong quá trình công tác, cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến, có năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. "Tôi đủ điều kiện rồi nhưng đợi mãi mới đến ngày được xét thăng hạng. Mấy năm nữa là nghỉ hưu nếu lần này không được tham gia thì thiệt thòi lắm", cô Bích chia sẻ.
Được biết, sắp tới Hội đồng xét thăng hạng CDNN giáo viên mầm non, phổ thông công lập của tỉnh sẽ báo cáo kết quả và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận kết quả xét thăng hạng CDNN giáo viên mầm non, phổ thông công lập từ hạng IV lên hạng III năm 2020. Sau 5 ngày kể từ ngày UBND ra quyết định, Sở Nội vụ sẽ xếp lương đối với những giáo viên trúng tuyển.
Mong được xét đúng tiêu chuẩn
So với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, việc xét thăng hạng CDNN cho viên chức giáo viên của tỉnh diễn ra còn chậm. Đợt này, tỉnh chỉ tổ chức xét thăng hạng CDNN từ hạng IV lên hạng III. Nhiều giáo viên mặc dù đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét lên hạng II nhưng vẫn phải chờ lần sau. Lý giải về điều này, lãnh đạo Phòng Tổ chức (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết việc tổ chức xét thăng hạng CDNN cho viên chức giáo dục được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ. Chủ trương của tỉnh đợt này chỉ xét từ hạngIV lên hạng III. Việc xét từ hạng III lên hạng II cũng phụ thuộc vào điều kiện của từng tỉnh, thành phố. Ở tỉnh ta, việc này sẽ được tổ chức sau.
Một nhà quản lý giáo dục ở huyện Ninh Giang cho biết TP Hải Phòng giao cho mỗi quận, huyện thành lập một Hội đồng xét thăng hạng CDNN giáo viên. Giáo viên đủ tiêu chuẩn xét thăng hạng mức độ nào thì được xét đúng hạng đó, không cần làm theo đợt tập trung. Năm ngoái, một giáo viên ở Ninh Giang sốt ruột vì nhiều năm không được thăng hạng đã xin chuyển trường sang huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Sau khi được thăng hạng đúng chuẩn CDNN, người này lại chuyển về Ninh Giang công tác. "So sánh là khập khiễng vì điều kiện mỗi tỉnh, thành phố khác nhau. Nhưng cách làm của TP Hải Phòng cũng đáng được nghiên cứu. Nhiều giáo viên đã luống tuổi nên họ mong muốn được thăng hạng sớm để không bị thiệt thòi khi về nghỉ hưu", nhà quản lý giáo dục này nhấn mạnh.