Niềm vui của người Hà Nhì về Thủ đô sửa nhà
Đi một chặng đường dài từ thôn Lao Chải, xã Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) về Thủ đô Hà Nội, nhóm thợ người Hà Nhì mang theo niềm tự hào của dân tộc mình để sửa lại ngôi nhà trình tường trước đây đã tặng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Giữa những ngày nắng nhất của tháng 6, họ vẫn miệt mài đan tranh, lợp mái, vá tường... sửa lại ngôi nhà.
Ngôi nhà của đồng bào Hà Nhì xuất hiện trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từ năm 2004 và đã trải qua hai lần tu sửa. Mỗi lần tu sửa, bảo tàng đều mời chính những người con ở Y Tý-chủ cũ của ngôi nhà. Trong lần sửa nhà này, có 5 người tham gia. Có người cao tuổi nhiều kinh nghiệm và cả thanh niên trai tráng. Trong đoàn có anh Tráng Xá Mừ thạo tiếng phổ thông, còn lại mọi người chỉ biết tiếng của đồng bào Hà Nhì. Thế nhưng mỗi khi có đoàn khách đi qua hỏi chuyện thì những con người ấy đều rất vui vẻ tiếp chuyện, cố gắng giải thích bằng hành động để mọi người có thể hiểu được.
Chị An Thu Trà, Phó trưởng phòng Trưng bày truyền thông và công chúng của bảo tàng, chia sẻ: “Bảo tàng mời 5 người, trong đó có người đã từng xuống dựng nhà, sửa nhà lần trước và điều đặc biệt hơn là có con trai của chính chủ nhân ngôi nhà này. Trong quá trình tham gia tu sửa ngôi nhà, các anh rất chú trọng thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Bảo tàng đề cao chủ thể văn hóa để họ trực tiếp bảo tồn và truyền tải văn hóa dân gian đến mọi người. Ở đây, những người Hà Nhì như là được trở về chính ngôi nhà của mình vậy”.
Nhà trình tường là kiến trúc phổ biến ở miền núi phía Bắc nước ta, nhưng người Hà Nhì thì xây dựng đặc biệt ở chỗ mỗi nhà được làm theo dạng hình vuông với bốn mái tạo nên hình chóp, trên mái lợp cỏ tranh, hoặc gần đây hiện đại hơn đã lợp bằng ngói, hoặc tấm lợp phibrô xi măng. Để làm được một ngôi nhà, mất từ 4 đến 5 tháng với sự tham gia của hàng chục người.
Anh Tráng Xá Mừ (37 tuổi) hào hứng kể: “Khi được bảo tàng mời về Thủ đô sửa nhà, tôi đã mời những người cần cù nhất của xã. Bố tôi chính là người đã dựng cái nhà này, đây là lần thứ hai tôi về Hà Nội sửa nhà. Tôi thấy rất vui vì có nhiều du khách tham quan, tìm hiểu di sản văn hóa của đồng bào chúng tôi".
Cũng theo chị An Thu Trà, việc sửa nhà dự kiến trong 2 tuần sẽ sửa xong phần mái, vá tường và tiến hành trồng lại vườn rau để khách tới bảo tàng có thể chiêm ngưỡng không gian văn hóa, kiến trúc nhà của người Hà Nhì. Thông qua việc sửa nhà, người dân địa phương có cơ hội bảo tồn ngôi nhà của mình; đồng thời chia sẻ những câu chuyện liên quan đến phong tục, tập quán, kỹ thuật sửa nhà, làm nhà đồng bào tới đông đảo công chúng. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc ít người.