Niềm vui lao động

Ở tuổi được nghỉ ngơi, an dưỡng nhưng nhiều người cao tuổi vẫn hăng say lao động. Từ đó cho thấy được niềm vui, ý nghĩa cuộc sống trong từng công việc mà những người cao tuổi đã gắn bó.

Chịu khó, quyết tâm làm kinh tế bằng sức lao động của mình, 27 năm lập nghiệp trên vùng đất mới ấp Thuận Hòa 2, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, ông Cao Văn Na (SN 1944) xây dựng thành công mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp trồng trọt, thu về mỗi năm hơn 1,5 tỷ đồng. Ông Na chia sẻ: “Năm 1990, tôi cùng gia đình từ TP. Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) lên Đồng Phú lập nghiệp. Ban đầu gia đình tôi dồn hết vốn mua 1,5 ha đất tại ấp Thuận Hòa 2 để trồng cao su, tiêu cùng các loại cây ngắn ngày nhằm lấy ngắn nuôi dài, dành một phần vốn mua 1 máy cày phục vụ nhu cầu làm rẫy của người dân quanh vùng. Sau 2 năm, thấy cỏ tự nhiên nhiều, mùa mưa tươi tốt, gia đình mua thêm 3 con bò, sau phát triển lên 10 con thì bán. Tất cả tích lũy mua thêm được 3,5 ha đất trồng tầm vông, măng cụt”.

Người cao tuổi tìm thấy niềm vui trong mỗi công việc của mình. Trong ảnh: Ông Cao Văn Na ở ấp Thuận Hòa 2, xã Thuận Lợi cho dê ăn

Ngoài trồng đa cây, xen cây, ông Na tận dụng cành lá trụ sống cây keo nuôi dê bách thảo. Hiện đàn dê phát triển từ 6 con lên 60 con. Hằng năm, ông xuất bán 30 con dê thịt và dê giống. Ngoài ra, số lượng dê nhiều cung cấp lượng phân bón đáng kể cho cây trồng, giúp gia đình hạn chế sử dụng phân hóa học. Mặc dù tuổi cao nhưng hằng ngày ông Na đều dậy từ rất sớm để chăm lo vườn rẫy. Đối với ông, còn sức khỏe để làm việc là điều may mắn, hạnh phúc.

Ông Phạm Văn Tứ (70 tuổi), ấp Thuận Phú 2, xã Thuận Phú gắn bó với nghề bơm vá, rửa xe đã hơn 15 năm. Ông Tứ cởi mở khi nói về công việc mà như ông nói “Khi nào hết hơi, hết sức thì không làm nữa”. Ông Tứ vốn là cán bộ nghỉ hưu, cách đây 15 năm, vợ chồng ông mở tiệm rửa xe, bơm vá xe ngay trước cửa nhà. Không qua đào tạo bài bản mà chỉ học lỏm từ người khác, ông Tứ có thể sửa được những hỏng hóc đơn giản. Mặc dù cao tuổi nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, bàn tay khỏe khoắn làm các thao tác rất chính xác. Ông Tứ vừa kéo vòi xịt xe vừa cười nói: “Nhiều người thấy ông bà già vá xe, rửa xe nên cũng không an tâm, sợ làm không đảm bảo, nhưng sau này khi quen rồi thì nhiều người ghé ủng hộ lắm”. Công việc bận rộn tuy có mệt nhưng mang lại cho ông bà nhiều niềm vui. Bởi đó là nơi để ông bà gặp gỡ nhiều người, trò chuyện tâm sự, đặc biệt là qua công việc để rèn luyện sức khỏe nên dù tuổi cao nhưng ông bà vẫn rất hoạt bát, nhanh nhẹn. Ông Tứ chia sẻ, giờ già rồi, con đã trưởng thành, ông bà cũng có lương hưu đủ sống, nhưng không bỏ tiệm này được, không làm sợ nhớ nghề, thôi thì còn khỏe còn lao động.

70 tuổi, bà Nguyễn Thị Thu (ấp Cầu Rạt, xã Tân Phước) đã có hơn 15 năm gắn bó với gánh hàng rong bán bánh canh buổi sáng. Bà Thu chia sẻ: “Từ nghề bán bánh canh mà tôi nuôi được 6 người con của em gái khôn lớn, vì em gái tôi mất khi sinh đứa thứ 6. Giờ các cháu đã trưởng thành, có việc làm, có thể lo cho tôi, nhưng mình còn sức khỏe thì cứ lao động, không để các cháu phải lo lắng nhiều”. Hằng ngày, 3 giờ 30 phút sáng, bà Thu thức dậy để nhào bột chuẩn bị cho nồi bánh. Bà nói không nhào từ hôm trước vì sợ bột chua. 6 giờ sáng, bà gánh hàng ra góc ngồi quen thuộc để bán. Khách hàng chủ yếu là những người trong xóm, người bệnh và người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Quân dân y 16. Thường đến 8 giờ sáng, bà đã bán hết nồi bánh canh, thu nhập khoảng 200 ngàn đồng. Những buổi sớm, dù nắng hay mưa, nhiều người đã quen thuộc với hình ảnh cụ bà bàn tay thoăn thoắt múc bánh canh cho khách, đôi mắt ánh lên niềm vui.

Với lối sống chân chất, mộc mạc, lấy công việc làm niềm vui đã mang lại cho nhiều người cao tuổi cuộc sống vui vẻ. Bằng sự lạc quan, quan niệm sống giản đơn mà các cụ đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống khi mỗi ngày trôi qua.

Cẩm Nhung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/130524/niem-vui-lao-dong