Tràn dịch màng phổi: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

Tràn dịch màng phổi là sự tích tụ bất thường của chất lỏng trong khoang màng phổi. Bình thường lượng dịch trong khoang màng phổi chỉ có khoảng 10 – 20ml. Tràn dịch màng phổi xảy ra khi lượng dịch trong màng phổi nhiều hơn mức bình thường.

1. Tràn dịch màng phổi là gì?

NỘI DUNG

1. Tràn dịch màng phổi là gì?

2. Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi

3. Biểu hiện lâm sàng tràn dịch màng phổi

4. Tràn dịch màng phổi có lây không?

5. Chẩn đoán và điều trị tràn dịch màng phổi

6. Phòng ngừa bệnh tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi là hiện tượng xuất hiện dịch trong khoang màng phổi (khoang trống giữa thành ngực và phổi) nhiều hơn mức sinh lý bình thường gây nên những biến đổi trên cơ thể người bệnh.

Tràn dịch màng phổi là chứng bệnh thường gặp. Tùy mức độ và nguyên nhân lành tính hay ác tính mà có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí tử vong.

Bệnh viện Phổi Nghệ An thực hiện kỹ thuật nội soi sinh thiết màng phổi bằng ống nội soi mềm.

Bệnh viện Phổi Nghệ An thực hiện kỹ thuật nội soi sinh thiết màng phổi bằng ống nội soi mềm.

2. Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi là biểu hiện của nhiều loại bệnh khác nhau gây nên và được phân thành 2 loại chủ yếu:

- Tràn dịch màng phổi dịch thấm (thường do suy tim, suy thận, suy dinh dưỡng…).

- Tràn dịch màng phổi dịch tiết (do lao, ung thư, nhiễm khuẩn…).

Một số nguyên nhân hay gặp

- Lao màng phổi: Thường gặp ở người trẻ tuổi khỏe mạnh, có thể có cả lao phổi (ho lao) kèm theo.

- Ung thư phổi: có thể gây tràn dịch do tế bào ung thư xâm lấn vào màng phổi, hoặc do bít tắc lưu thông của dịch màng phổi. Đôi khi là do tế bào ung thư từ nơi khác di căn vào màng phổi.

- Suy tim: xuất hiện ở người bệnh đã có bệnh lý tim mạch trước đây. Tim bị suy không thể bơm tống máu hết, gây ứ máu lại trong phổi, làm cho dịch thoát khỏi mạch máu vào khoang màng phổi.

- Viêm phổi: Phổi bị nhiễm trùng lan ra màng phổi hoặc vị trí phổi tổn thương gần sát màng phổi, gây kích thích màng phổi tăng tiết dịch. Bệnh nhân cần được điều trị đúng, kịp thời, tránh tạo thành ổ mủ, dày dính màng phổi, hạn chế hô hấp thông khí.

- Suy thận mạn, xơ gan cổ trướng…

- Ký sinh trùng.

- Do các bệnh hệ thống (Lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp…).

Tràn dịch màng phổi cũng có thể xảy ra khi các tế bào ung thư di căn đến màng phổi, gây tắc nghẽn ở mạch phổi, hoặc tích tụ do kết quả của một số phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như xạ trị hoặc hóa trị.

3. Biểu hiện lâm sàng tràn dịch màng phổi

Điều trị cho bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi.

Điều trị cho bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi.

Tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: nguyên nhân, mức độ tràn dịch màng phổi,... mà người bệnh có thể có các biểu hiện lâm sàng của tràn dịch màng phổi rất khác nhau.

- Đau ngực: Đau của bệnh lý này khác với tình trạng đau thông thường, đa số người bệnh thấy đau ngực kiểu màng phổi, đau tăng lên khi hít sâu, khi ho.

Ngoài ra, tùy thuộc vào vị trí bị tổn thương mà bệnh nhân có thể cảm thấy đau ở vị trí khác nhau. Có thể đau tại màng phổi vùng giữa ngực nhưng nếu tổn thương màng phổi vùng ngoài cơ hoành có thể đau ở bụng, tổn thương màng phổi vùng giữa cơ hoành hoặc trung thất lại gây đau ở cổ...

- Ho: Khi tràn dịch màng phổi, phổi bị ép lại, người bệnh sẽ có cảm giác khó thở, bệnh nhân còn có thể có biểu hiện ho, thường chỉ là ho khan, nhưng khi có bệnh trong phổi thì ho có thể có đờm. Ho làm đau ngực tăng thêm triệu chứng toàn thân có thể là sốt. Tuy nhiên, tình trạng khó thở nhiều hay ít tùy người bệnh có bệnh lý nào kèm theo hay không.

- Tức ngực: Khi tràn dịch màng phổi kéo dài, người bệnh mất cảm giác đau dần, khi đó có thể chỉ còn tức nặng bên ngực bị bệnh. Do vậy, nhiều trường hợp đau do tràn dịch màng phổi bị chẩn đoán nhầm là đau dây thần kinh liên sườn.

- Sốt: Có thể gặp trong các trường hợp có nhiễm trùng, nhiễm độc.

4. Tràn dịch màng phổi có lây không?

Tràn dịch màng phổi có lây hay không, phải căn cứ vào tác nhân gây nên bệnh. Cụ thể:

Tràn dịch màng phổi xuất phát từ ung thư phổi

Thông thường, những người bị ung thư phổi ở giai đoạn 3 và 4 mới xảy ra hiện tượng tràn dịch màng phổi. Có nhiều nguyên nhân gây ung thư phổi và bệnh không có khả năng lây lan.

Tràn dịch màng phổi xuất phát từ lao phổi

Lao phổi là bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng khi nói chuyện, ho, hắt hơi, dùng chung bát đĩa,… Vì thế, những người bị tràn dịch màng phổi do lao phổi có khả năng lây nhiễm rất cao. Người bệnh cần tự cách ly điều trị bệnh triệt để để tránh lây lan sang người thân, bạn bè.

5. Chẩn đoán và điều trị tràn dịch màng phổi

Chụp X-quang ngực thẳng sẽ phát hiện được dịch màng phổi khi lượng dịch > 150ml tùy thuộc vào mức độ tràn dịch màng phổi.

Chụp X-quang ngực thẳng sẽ phát hiện được dịch màng phổi khi lượng dịch > 150ml tùy thuộc vào mức độ tràn dịch màng phổi.

Ngoài việc khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định thêm các phương pháp chẩn đoán khác để xác định, các phương pháp thường thấy là chụp X-quang, siêu âm.

- Chụp X-quang ngực thẳng sẽ phát hiện được dịch màng phổi khi lượng dịch > 150ml tùy thuộc vào mức độ tràn dịch màng phổi.

- Siêu âm màng phổi giúp chẩn đoán tình trạng dịch (ít, vừa, nhiều), tình trạng tổn thương nhu mô đi kèm. Đồng thời xác định vị trí cho chọc dò màng phổi.

- Ngoài ra, có thể chỉ định chụp cắt lớp vi tính lồng ngực trong trường hợp số lượng ít và khu trú, đồng thời phát hiện các tổn thương đi kèm khó phát hiện khi chẩn đoán bằng các phương pháp khác.

Để xác định nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi cần chọc thăm dò dịch màng phổi, xét nghiệm dịch màng phổi, sinh thiết màng phổi... các xét nghiệm khác phụ thuộc vào bệnh nguyên nghi ngờ.

Điều trị tràn dịch màng phổi là điều trị theo căn nguyên gây tràn dịch màng phổi. Lựa chọn kháng sinh là cần thiết, nếu nguyên nhân là do bệnh lao thì cần điều trị theo phác đồ chống lao của Bộ Y tế...

Nếu dịch quá nhiều làm người bệnh khó thở, bác sĩ sẽ can thiệp rút dịch để giúp phổi dễ giãn nở hơn.

6. Phòng ngừa bệnh tràn dịch màng phổi

Để phòng ngừa bệnh tràn dịch màng phổi ta cần cải thiện môi trường sống, môi trường làm việc.

Ăn chín, uống sôi, không ăn các thực phẩm sống (gỏi cá, tiết canh, nem chua, ăn sống).
Cách ly hoặc dùng thuốc dự phòng khi tiếp xúc với người bị lao.
Vệ sinh miệng họng hàng ngày, điều trị triệt để viêm nhiễm đường hô hấp trên phòng tránh viêm nhiễm ở phổi.
Không hút thuốc lá.

Người đàn ông đau thắt lưng, đi khám phát hiện ung thư di căn |SKĐS

BS CKII Lương Văn Phùng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tran-dich-mang-phoi-nguyen-nhan-bieu-hien-cach-dieu-tri-va-phong-benh-169240618084627392.htm