Niềm vui mới trên quê hương mới

Năm 2007 cùng với toàn tỉnh bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ di dân tái định cư dự án Thủy điện Sơn La. Huyện Thuận Châu đã tiếp nhận và di chuyển 1475 hộ, trên 7.600 nhân khẩu. Sau nhiều năm rời 'nơi chôn nhau cắt rốn' cuộc sống của các hộ dân tái định cư trên quê hương mới đang khởi sắc từng ngày.

Một góc bản tái định cư Mường Chiên, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu.

Một góc bản tái định cư Mường Chiên, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu.

Đã 15 năm trôi qua, nhưng những ký ức về cuộc đại di dân vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc vẫn còn nguyên vẹn trong mỗi người dân tái định cư. Ông Lò Văn Tịch vẫn nhớ như in ngày tháo dỡ nhà cửa, thu dọn đồ đạc, chuyển đến nơi ở mới. Đến nơi ở mới được đầu tư cơ sở hạ tầng, được cấp đất sản xuất, được nhân dân bản địa giúp đỡ giờ đây cuộc sống gia đình ông cũng như đại bộ phận người dân trong bản đã ổn định, thu nhập bình quân đạt từ 25 – 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của bản chỉ còn 5%.

Ông Lò Văn Tịch, bản Mường Chiên, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La nói: “ Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất khi đến nơi ở mới này là người dân sở tại đón tiếp chúng tôi rất nhiệt tình, mọi sinh hoạt, nếp sống chúng tôi hòa nhập được rất nhanh. Thời điểm này bà con rất an tâm rồi bởi vì xác định rõ về đây cơ sở mới này là so với cơ sở cũ là nó khác hẳn, về giao thông, chợ búa nói chung là bà con rất tâm đắc ổn định rồi, cuộc sống so với quê cũ khác hẳn rồi về thu nhập, buôn bán, chăn nuôi khác hẳn quê cũ”.

Cũng giống như ông Tịch gia đình ông Hoàng Văn Thắng di dân về bản Quỳnh Thuận xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu. Khi mới về nơi ở mới gia đình đã được sự tạo điều kiện, hỗ trợ của chính quyền địa phương cấp đất sản xuất, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, năm 2018 gia đình ông đã tiến hành trồng cây thanh long ruột đỏ, cam, bưởi trên diện tích 1ha. Nhờ chăm sóc tốt mỗi năm gia đình ông thu về trên 200 triệu đồng 1 năm, về đầu ra các sản phẩm đều có thị trường tiêu thụ ổn định, riêng sản phẩm thanh long ruột đỏ ông đã đăng ký để tiến hành xuất khẩu.

Đồng bào tái định cư làm giàu từ mô hình trồng cây ăn quả.

Đồng bào tái định cư làm giàu từ mô hình trồng cây ăn quả.

Ông Hoàng Văn Thắng, bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, Sơn La vui mừng nói:“Cây thanh long này rất là nhiều quả, kinh tế đạt cao, cây thanh long cho nhiều vụ một năm nếu chăm sóc tốt cho 6 vụ, gia đình về nhà bàn nhau, lên kế hoạch trồng cây thanh long, từ năm 2018 đến bây giờ thu hoạch được 3 năm rồi, cành nó rất là mập bây giờ nó tốt chắc chă cho năng xuất cao, bây giờ so với nơi ở cũ ra nơi ở mới hiêu quả kinh tế cao hơn”.

Để đảm bảo ổn định đời sống cho người dân vùng Tái định cư huyện Thuận Châu đã phê duyệt các dự án bồi thường, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn.... Tuyên truyền vận động người dân sở tại và các điểm, khu tái định cư giúp đỡ nhau trong cuộc sống, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, cùng đồng lòng, quyết tâm xây dựng quê hương mới ngày càng phát triển.

Ông Phạm Văn Lâm, Phó Giám đốc Ban QLĐTXD huyện Thuận Châu, Sơn La cho biết: “Về phương án và chính sách của huyện trên địa bàn để đảm bảo cuộc sống của người dân tái định cư, Thường trực UBND huyện chỉ đạo các phòng ban chuyên môn rà soát cuộc sống, nơi ở và phát triển kinh tế của bà con tái định cư từ đó đề ra chính sách phù hợp, để phát triển nông nghiệp trồng cây có năng suất cao, nuôi trồng thủy sản đề xuất các phương án triển khai để đảm bảo cuộc sống ngày càng tốt hơn”

Đến các bản tái định cư ở Thuận Châu hôm nay cuộc sống của người dân sau chặng đường 15 năm trên quê hương thứ hai đã đổi thay nhiều so với nơi ở cũ. Đó cũng là sự bù đắp xứng đáng cho những hy sinh của họ, để có được dòng điện thắp sáng cho mọi miền Tổ quốc hôm nay.

Ngọc Quỳnh

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/niem-vui-moi-tren-que-huong-moi-119394.html