Niềm vui tăng lương song hành với nỗi lo tăng giá

Từ ngày 1/7/2024, Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Trước thông tin này, nhiều cán bộ, công chức, viên chức rất phấn khởi. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, lương chưa tăng nhưng giá các mặt hàng thiết yếu đã có xu hướng tăng.

Tại một số chợ, cửa hàng trên địa bàn thành phố Lào Cai, giá các mặt hàng thực phẩm rau củ tươi, thịt lợn, thịt gà, gạo… đã tăng nhẹ. Cụ thể, giá các loại rau xanh, củ quả tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg; giá thịt lợn, gà tăng từ 5.000 - 8.000 đồng/kg, hiện giá thịt lợn dao động từ 105.000 đến 150.000 đồng/kg, thịt gà từ 90.000 - 160.000 đồng/kg; gạo tẻ thường từ 170.000 - 200.000 đồng/10kg (tăng khoảng 10.000 đồng/10kg).

Chị Hà Thị Mai, tiểu thương bán rau tại chợ Pom Hán (thành phố Lào Cai) cho biết: Giá rau, củ bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, mùa vụ là chính. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do giá phân bón, xăng, dầu tăng, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất các loại rau nên các tiểu thương cũng rục rịch tăng giá bán rau. Mặc dù giá bán tăng nhưng do chúng tôi phải nhập giá cao, hàng hóa bán chậm nên không có nhiều lợi nhuận.

Là giáo viên mầm non làm việc tại thành phố Lào Cai, chị Lê Thanh Nga (40 tuổi) rất phấn khởi trước thông tin được tăng lương từ 1/7. Với mức lương mới, chị có thêm tiền lo cho các con ăn học, cuộc sống gia đình bớt chật vật, nhưng thực tế thì chị lại phải “đau đầu” bởi lương thực, thực phẩm... tăng giá. Chị Nga tâm sự: Hơn 1 tuần nay, khi đi chợ, tôi thấy giá gạo, thịt, rau có chiều hướng tăng giá. Nếu lương tăng mà hàng hóa cũng tăng thì đâu vẫn hoàn đó.

Cùng tâm trạng, chị Nguyễn Thị Hoa, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) cho biết: Những ngày gần đây, thực phẩm thiết yếu tăng giá nhẹ, mỗi thứ tăng một chút cũng khiến gia đình phải thắt chặt chi tiêu. Ví dụ, trước đây, mỗi bữa ăn chính cho 4 người trong gia đình tôi hết khoảng 100.000 - 120.000 đồng, nay tăng thêm khoảng 50.000 đồng. Hiện giá các mặt hàng chưa tăng cao nhưng cũng không ngoại trừ việc lợi dụng tăng lương để tăng giá hàng hóa, đặc biệt là hàng thiết yếu. Tôi mong Nhà nước có biện pháp bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Việc tăng lương cơ sở là tín hiệu vui, bởi trong thời gian qua, người lao động gặp nhiều khó khăn do giá xăng, dầu tăng, khiến giá vận chuyển tăng, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều chịu ảnh hưởng; giá thức ăn chăn nuôi tăng kéo giá thực phẩm tăng…

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, với mức lương cơ sở mới này, nhân với hệ số 2,34 thì 1 cử nhân, kỹ sư mới ra trường được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước có thêm phụ cấp sẽ có mức lương trên 4 triệu đồng/tháng. Con số này trong điều kiện thực tế vẫn khiến người lao động phải chật vật.

Theo đánh giá của Sở Tài chính, qua theo dõi diễn biến thị trường, hàng thực phẩm tiêu dùng thiết yếu bán tại các siêu thị, cửa hàng có niêm yết giá vẫn ổn định; tại các chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ có tăng nhẹ. Số liệu của Cục Thống kê tỉnh cho thấy, chỉ số tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 1,59% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số CPI tháng 6 tăng 0,34% so với tháng 5 (trong đó khu vực thành thị tăng 0,2%, khu vực nông thôn tăng 0,46%).

Về nguyên nhân, các yếu tố tác động đến chỉ số CPI, với nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng nhẹ so với tháng trước do các cơ sở kinh doanh thay đổi giá theo chương trình kinh doanh. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng, chủ yếu do các mặt hàng đồ trang sức tăng theo ảnh hưởng của giá vàng. Nhóm thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm, thịt chế biến (thịt quay, giò chả, vịt quay...) tăng nhẹ do chi phí chăn nuôi tăng. Các mặt hàng rau tươi, củ, quả tăng nhẹ do một số loại rau tươi cuối vụ thu hoạch, nguồn cung giảm.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/niem-vui-tang-luong-song-hanh-voi-noi-lo-tang-gia-post386047.html