Niềm vui trước thềm năm học mới

BHG - “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài trong ngành Giáo dục; lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp…” - đây là một trong những nội dung cơ bản, quan trọng nêu tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” do Thường trực Ban Bí thư Lương Cường ký ngày 12.8.

Những năm qua, GDĐT nước ta đạt được nhiều kết quả quan trọng; cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; giáo dục phổ thông chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học; chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức; các phong trào thi đua học tập, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm thực hiện. Giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh về số lượng và chú trọng nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động… Phương pháp dạy, học và công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được đổi mới theo hướng hiện đại, ngày càng thực chất, hiệu quả. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước bảo đảm số lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo.

Học sinh Trường Tiểu học Minh Khai trong giờ học. Ảnh: PV

Học sinh Trường Tiểu học Minh Khai trong giờ học. Ảnh: PV

Trên địa bàn tỉnh ta, sự nghiệp GDĐT đã có nhiều đổi mới. Toàn tỉnh hiện có 814 cơ sở giáo dục, 12 trung tâm đào tạo, bồi dưỡng Ngoại ngữ, Tin học; 11 trung tâm giáo dục kỹ năng sống và 4 trung tâm tư vấn dịch vụ du học; 1.192 điểm trường với trên 269.900 học sinh; 17.925 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Các cấp, ngành đã nỗ lực triển khai đồng bộ Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023 - 2030” với quan điểm dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật, đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, lấy học sinh làm trung tâm, phát huy năng lực, phẩm chất người học. Qua đó, chất lượng giáo dục chuyển biến tích cực. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 66,04%; tỷ lệ huy động học sinh 6 - 14 tuổi đến trường đạt 99%; tỷ lệ duy trì sỹ số hằng ngày trung bình các cấp học đạt 98%. Công tác đánh giá chất lượng học sinh đi vào thực chất. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 97,53%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 55,83%. Các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, đưa văn hóa truyền thống vào trường học, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xã hội hóa giáo dục được triển khai rộng khắp, hiệu quả. Phong trào xây dựng trường học “xanh - an toàn - thân thiện”, “ngôi trường hạnh phúc”, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số triển khai mạnh mẽ. Đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng học tập, rèn luyện phẩm chất chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạt chuẩn trình độ theo quy định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GDĐT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, như 54,4% trường học có nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn; điểm trung bình các môn thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố; cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục còn thiếu, chưa đạt chuẩn... Nhiều trường còn thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng lưu trú học sinh, hệ thống nước sạch, công trình vệ sinh hợp vệ sinh.

Các cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Lủng (Mèo Vạc) dọn vệ sinh trong khuôn viên trường chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: QUỲNH HƯƠNG

Các cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Lủng (Mèo Vạc) dọn vệ sinh trong khuôn viên trường chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: QUỲNH HƯƠNG

Những khó khăn trên đang từng bước được tỉnh khắc phục và năm học mới 2024 - 2025 thực sự có thêm niềm vui, động lực khi Kết luận số 91 của Bộ Chính trị mới ban hành nhấn mạnh: Phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định; nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn. Đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo một cách đồng bộ, gắn với quản lý chuyên môn và chất lượng. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng…

Kết luận cũng yêu cầu tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển GDĐT; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho GDĐT tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Bộ Chính trị yêu cầu kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách nhà nước cho GDĐT phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực giáo dục; ưu tiên đầu tư cho GDĐT vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GDĐT sớm trình kế hoạch triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, trong đó có nội dung “lương nhà giáo được ưu tiên cao nhất”. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cam kết, Bộ GDĐT sẽ tham mưu ngay và trình Chính phủ ban hành chương trình hành động triển khai Kết luận số 91 của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, ban hành kế hoạch hành động của ngành Giáo dục nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ một cách bài bản, khoa học, phù hợp tinh thần thực tiễn, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả.

Những ngày này, ngành Giáo dục tỉnh ta đang hoàn tất công tác chuẩn bị đón năm học mới; cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục; kiện toàn, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục gắn với bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tổ chức tuyển dụng, hợp đồng đủ số lượng giáo viên các cấp học theo chỉ tiêu giao; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bảo đảm chất lượng các hoạt động GDĐT, đáp ứng yêu cầu đổi mới; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học mới; đảm bảo đầy đủ chế độ chính sách cho giáo viên, học sinh và việc thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị thực sự là niềm vui, động lực đối với ngành Giáo dục trước thềm năm học mới.

THIÊN THANH

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202408/niem-vui-truoc-them-nam-hoc-moi-902033c/