Niềm vui và nỗi lo về quà Tết

Chuyện quà cáp ở ta bây giờ đôi khi bị méo mó, lạm dụng khiến cho việc biếu tặng mất đi ý nghĩa nhân văn và tặng quà nhiều khi trở thành nỗi lo không hề nhỏ mỗi khi Tết đến xuân về.

Còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng đã thấy sắc xuân rạng rỡ khắp nơi nơi. Cái Tết cổ truyền với người Việt Nam thật đặc biệt. Cho dù vật đổi sao dời, văn minh công nghệ tây tàu đã vào tận ngõ ngách của cuộc sống nhưng cứ nghe đến chuyện sắm Tết là thấy rôm rả, nghĩ đến tụ tập đoàn viên gia đình là thấy hào hứng và cái câu nói quen thuộc “về quê ăn Tết” sao mà thấy ấm lòng thiết tha đến thế, nhất là với những người con phải xa xứ mưu sinh.

Tặng quà nhiều khi trở thành nỗi lo không hề nhỏ

Vui lắm chứ nhưng cũng đủ thứ lo toan, nhất là chuyện Tết này biếu ai, biếu cái gì? Người Việt ta vốn nặng tình, chu đáo và điều này được thể hiện qua việc tặng, biếu quà nhân dịp lễ, Tết.

Đó thực sự là nét đẹp trong ứng xử của người Việt. Đồng quà, tấm bánh cho người già, con trẻ, chuyện thăm hỏi động viên, tặng quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn của những người lãnh đạo dù nhỏ, dù to cũng thấm đẫm yêu thương tình người, như câu hát về Bác kính yêu: “Bác thương các cụ già xuân về đem biếu lụa/ Bác thương đàn cháu nhỏ Trung thu về cho quà”.

Cả những món quà thể hiện sự biết ơn, lòng trân trọng với thầy cô, với những người đã có công dìu dắt hay từng dang tay giúp đỡ mình trong lúc khốn khó trong cuộc đời. Người trao người nhận đều hỉ hả vui mừng.

Mà ở Tây cũng thế đấy chứ, tôi nhớ dịp Noel, bước sang năm mới khi học ở nước ngoài, cũng thấy người ta lì xì cho mấy bác bưu tá, cho những người lính cứu hỏa, cứu hộ hay những người lao công của tòa nhà, những người cả năm đã vất vả phục vụ mình…

Văn hóa thể hiện cái riêng của mỗi dân tộc nhưng tình nghĩa con người thì đâu đâu cũng có nét giống nhau.

Nhưng, cuộc đời luôn có những cái “nhưng” cũng giống tấm huy chương nào cũng có hai mặt. Chuyện quà cáp ở ta bây giờ đôi khi bị méo mó, lạm dụng khiến cho việc biếu tặng mất đi ý nghĩa nhân văn và tặng quà nhiều khi trở thành nỗi lo không hề nhỏ mỗi khi Tết đến xuân về.

Tặng quà lễ tết nhiều khi trở thành nghi thức bắt buộc, là dịp cấp trên “điểm danh” cấp dưới hay cấp dưới thể hiện “mong muốn” với cấp trên, là lúc để doanh nhân tìm đến nhà quản lý!

Đâu còn được “người đưa thực tâm, người nhận không đòi hỏi” như cụ Nguyễn Huy Trứ nói về chuyện quà tặng nơi quan trường trong cuốn Từ thụ yếu quy. Quà tặng bây giờ không còn chỉ là đồng quà tấm bánh hay đặc sản quê hương mà nhiều khi là cả đống tiền hay những món đồ xa xỉ.

Tết lễ, sinh nhật, thậm chí là hiếu hỉ ma chay trở thành cái cớ để người ta “đầu tư cho các mối quan hệ” hay thậm chí là đưa hối lộ cho quan chức, điều thường xảy ra trong các vụ án lớn nhỏ đã được xét xử trong thời gian vừa qua.

Những túi tiền đầy ắp, những chiếc đồng hồ tiền tỷ đã được trao nhận không phải là trường hợp hiếm gặp và điều đáng buồn là mấy ông quan chức vẫn còn khai trước tòa rằng đã nhận vì “tưởng” đấy là quà tặng, đấy là sự cảm ơn!

Ai đưa, ai nhận, đưa cái gì và nhận như thế nào?

Quy định về chuyện quà tết thì nhiều lắm và dịp Tết nào cũng có văn bản nhắc nhở quán triệt nhưng hình như tình hình chưa giảm bớt được bao nhiêu.

Ngoài việc khuyên răn cấm đoán người nhận thì cũng cần tuyên truyền, thậm chí là xử lý cả người đưa. Đó cũng là cách để người ta có lý do không phải tặng quà nếu thực sự họ không muốn.

Có lẽ nguyên tắc “trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau” trong chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cũng hoàn toàn đúng trong chuyện này. Trước hết là những người lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, từ ngành, cơ quan đến đơn vị, bộ phận cần gương mẫu và có sự nhắc nhở, quán triệt anh em trong những lần gặp gỡ.

Thậm chí khuyến khích cấp trên tặng quà, động viên cấp dưới, lãnh đạo dành thời gian thăm hỏi tặng quà cho những người lao động vẫn mải miết với công việc nơi công trường rét mướt ngay trong lúc mọi người vui xuân ấm áp bên gia đình. Đó là tình cảm, là trách nhiệm, là tình yêu thương đồng bào, đồng chí.

Cái gì đi từ trái tim thì sẽ đến được với trái tim. Những món quà dù lớn dù nhỏ, dù ít dù nhiều cũng sẽ trở thành một sự động viên, khích lệ lớn lao không chỉ bởi ý nghĩa vật chất của nó mà còn bởi nó thể hiện sự trân trọng, quan tâm, biết ơn, là chuyện hiếu nghĩa, là truyền thống tốt đẹp “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc.

Tuyên truyền, phổ biến giáo dục thường xuyên sẽ mang đến nhận thức đúng đắn và hành xử tốt đẹp, dù nó không có tác dụng ngay và luôn giống như chuyện phạt vi phạm giao thông mấy ngày qua. Cũng như nhiều kiến thức, kỹ năng khác trong cuộc sống, chuyện quà tặng phải được quan tâm giáo dục cho mọi đối tượng, từ nơi công đường đến ngoài xã hội, trong nhà trường cũng như trong từng gia đình, để tôn vinh những giá trị văn hóa, để từng bước “cái đẹp dẹp cái xấu”.

Tặng quà là truyền thống tốt đẹp của dân tộc nhưng nó phụ thuộc vào chuyện ai đưa, ai nhận, đưa cái gì và nhận như thế nào. Hãy đến với nhau, trao cho nhau và đón nhận những tình cảm tốt đẹp để thêm yêu đời, yêu cuộc sống, thay vì phải mang nặng nỗi lo mỗi khi Tết đến xuân về.

TS Đinh Văn Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/niem-vui-va-noi-lo-ve-qua-tet-2363360.html