Niềm vui với những cánh diều

'Khi thời tiết thuận lợi, anh em nhong nhong ngoài bãi, ngửa mặt lên trời, tay kéo chặt dây… để những con diều được căng gió, âm thanh vút cao trên bầu trời. Nhìn thấy vậy, nhiều người bảo chúng tôi bị 'trời đày', nhưng chỉ có anh em cùng chung sở thích mới hiểu vì sao chúng tôi mê bộ môn này' - anh Phí Quang Tùng, ngụ ấp 2, xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài hóm hỉnh nói.

Đam mê diều sáo

Cuộc sống ngày nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, internet, người ta dễ dàng tìm cho mình các trò chơi hiện đại khác nhau. Thế nhưng, những trò chơi ấy chưa chắc mang lại những phút giây thư giãn tuyệt vời như khi chơi diều sáo. Lựa chọn cho mình bộ môn này, người chơi không chỉ thỏa mãn đam mê chơi diều mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của dân tộc.

Không chỉ thỏa đam mê, chơi diều còn góp phần bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa của cội nguồn dân tộc, các giá trị như ‘đức, trí, thể, mỹ” cũng được khắc họa rõ nét hơn. “Đức” ở đây là mọi người chơi diều cùng nhau, mang tính cộng đồng; “trí” là cần sự thông minh, khéo léo trong việc làm diều; “thể” đòi hỏi sức khỏe, khả năng vận động khi thả diều và “mỹ” cần đến sự đẹp mắt trong trang trí cánh diều.

Anh Phí Quang Tùng, người chơi diều ở ấp 2, xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài

Nếu như một cánh diều sáo truyền thống được làm từ các vật liệu đơn sơ như tre, mây, giấy thì ngày nay diều sáo được người chơi nâng tầm bằng cách sử dụng các nguyên vật liệu có sẵn trên thị trường. Với anh Phí Quang Tùng, để có con diều ưng ý, ngoài sự sáng tạo của mình, anh cũng tham khảo, lựa chọn mẫu diều trên mạng, sau đó điều chỉnh lại kích thước và một số chi tiết cho phù hợp với nhu cầu. Để tiện hơn, anh đặt mua nhựa hợp chất carbon để cắt, uốn, lắp đặt, tạo hình cho khung diều. Khâu này đòi hỏi người làm diều phải thật cẩn thận, chính xác từng chi tiết nhỏ bởi sai sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hình dáng, khiến diều bay thấp hoặc mất thăng bằng... Hoàn thiện khung diều, anh đặt may vải để lắp diều theo kích thước phù hợp và họa tiết yêu thích. “Việc làm diều bằng nguyên, vật liệu như vậy giúp người chơi thuận lợi khi có thể tháo, lắp dễ dàng, phù hợp với những chuyến đi thả diều ở nơi xa” - anh Tùng cho biết thêm.

Để làm được một bộ sáo diều phải mất cả tuần

Để làm được một bộ sáo diều phải mất cả tuần

Trong kỹ thuật làm sáo diều, người làm phải để ý đến độ rộng và hẹp của miệng sáo vì âm thanh có ngân hay dở phụ thuộc vào yếu tố này

Trong kỹ thuật làm sáo diều, người làm phải để ý đến độ rộng và hẹp của miệng sáo vì âm thanh có ngân hay dở phụ thuộc vào yếu tố này

Ngày nay, nhờ các thiết bị hiện đại, người chơi có thể biết trước được hướng gió, tốc độ gió mà cùng nhau “off” công việc, lên thời gian và đưa lên không trung những “bản hòa âm” tuyệt vời.

Người “viết nhạc” cho cánh diều

Cánh diều lớn hay nhỏ, hình thù như thế nào hay họa tiết ra sao là do sự sáng tạo của người làm diều. Còn tiếng sáo lại thể hiện tiếng lòng của người làm diều, làm sao để khi bay lên, người nghe còn cảm nhận và nhớ được tiếng sáo ấy. Với cánh diều đơn giản, sáo được làm từ vỏ chai bia, vỏ lon sữa. Tuy nhiên, trong thú vui chơi diều sáo ngày nay, để sáo hay âm vang thì cần được làm tinh xảo, cầu kỳ từ tre, nứa, thậm chí các loại gỗ như mít, lim... Các loại sáo được người chơi diều yêu thích và thường sử dụng là sáo hòa đàn, sáo còi tàu, sáo hòa còi, sáo đàn bò, sáo hòa âm...

Những bộ diều sáo được người chơi kiểm tra kỹ lưỡng trước khi “đâm” lên bầu trời

Những bộ diều sáo được người chơi kiểm tra kỹ lưỡng trước khi “đâm” lên bầu trời

Anh Nguyễn Văn Nhất, Chủ nhiệm Câu lạc bộ diều sáo Tiến Hưng (TP. Đồng Xoài) là người chuyên về làm sáo cho các cánh diều. Mặc dù có công việc là tài xế nhưng đam mê đã ăn sâu vào người nên anh vẫn tranh thủ làm sáo khi có thời gian. Anh Nhất cho biết: Cánh diều no gió bay trên khung trung đã rất đẹp rồi nhưng âm thanh “ngân” một cách du dương, trầm bổng trên bầu trời lại là một nét đặc sắc riêng có của diều sáo. Để những “dàn hòa âm” ấy thỏa sức trên bầu trời thì bàn tay khéo tay của người thợ đóng góp một phần không nhỏ. Bộ sáo nhỏ thì chế tác đơn giản nhưng có những bộ sáo nặng từ 3-4kg, có từ 9-11 ống thì đòi hỏi người thợ mất nhiều thời gian, nghiên cứu cũng kỹ hơn, vì chỉ cần sai một điệu lý, điệu nhạc là coi như thất bại.

“Chúng tôi có thể mất cả tuần để làm một bộ sáo, nhưng riêng chiếc sáo cái vẫn tốn nhiều thời gian hơn tất cả, vì đó là chiếc sáo to nhất và đóng vai trò quyết định âm thanh nhất. Ngoài ra, trong kỹ thuật làm sáo, người làm phải để ý đến độ rộng và hẹp của miệng sáo, vì âm thanh có ngân hay hoặc dở cũng phụ thuộc vào yếu tố này” - anh Nhất giải thích thêm.

Với người đam mê diều sáo khu vực Đồng Xoài, những buổi “off” công việc, cùng nhau đưa lên không trung những cánh diều sáo đủ màu sắc, đủ âm thanh là khoảng thời gian thư giãn tuyệt vời nhất trong ngày. Có ít nhất 2 hay 3, thậm chí là 4 đến 5 người để “đâm” một cánh diều sáo lên bầu trời. Không phân biệt độ tuổi, khi những cánh diều no gió bay trên không trung và trình diễn những bản nhạc với nhiều sắc thái trầm bổng như một dàn nhạc điêu luyện thì người xem mới hiểu được những người làm diều sáo đã vất vả, kỳ công đến thế nào.

Nhân rộng trò chơi này, anh Tùng, anh Nhất vẫn thường truyền những kỹ năng làm khung, áo diều, bộ sáo… đến với tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ. Thỉnh thoảng các thành viên cũng bán, trao đổi những cánh diều đẹp, bộ sáo hay với giá trị vật chất khác nhau. Và với mỗi người chơi diều sáo, tiền nong không phải làvấn đề, họ chia sẻ với nhau vì mục đích: để không trung vẫn luôn rộn ràng bởi bản hòa âm tuyệt vời của những cánh diều sáo đủ sắc màu.

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/124317/niem-vui-voi-nhung-canh-dieu