NIM co hẹp, lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng
Mặc dù biên lãi ròng (NIM) tiếp tục đi xuống trong nửa đầu năm, song lợi nhuận quý II/2025 của nhiều nhà băng vẫn tăng trưởng tốt.

Nửa đầu năm 2025, MB ước đạt lợi nhuận 15.400 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ
Lợi nhuận tích cực
Kienlongbank vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025. Theo đó, trong kỳ, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của Ngân hàng đạt 1.191 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ, song chi phí hoạt động lại giảm tới 41,2%. Nhờ vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 53,7% so với cùng kỳ, đạt 895 tỷ đồng.
Xét về cơ cấu, thu nhập lãi thuần đạt 884 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ, do mức tăng của chi phí lãi và các chi phí tương tự (tăng 25,3%) trội hơn so với mức tăng của thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự (tăng 10,5%). Ngược lại, hoạt động ngoài lãi lại ghi nhận kết quả tích cực khi đem về 307 tỷ đồng, tăng tới 84,2% so với cùng kỳ; trong đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác và chứng khoán đầu tư đều ghi nhận mức tăng trưởng ba con số, lần lượt thu về 125 tỷ đồng (tăng 158,4% so với cùng kỳ) và 13 tỷ đồng (tăng 260,9%). Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 23,1%, đạt 149 tỷ đồng. Ngoài ra, mảng kinh doanh ngoại hối đem về 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 6 tỷ đồng.
Kết quả, Kienlongbank báo lãi trước thuế 565 tỷ đồng trong quý II, ghi nhận mức tăng 67,2% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 921 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. Với kết quả trên, Kienlongbank đã thực hiện được gần 67% kế hoạch lợi nhuận cả năm (lãi trước thuế 1.379 tỷ đồng).
Tại MB, theo Tổng giám đốc Phạm Như Ánh, lợi nhuận nửa đầu năm ước đạt 15.400 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ, hoàn thành 50,8% kế hoạch cả năm.
Theo thông tin từ NCB, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II/2025 tăng trưởng dương so với cùng kỳ, ước đạt hơn 311 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, NCB ước lãi sau thuế hơn 462 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 6 tỷ đồng của cùng kỳ.
TPBank ước tính lãi trước thuế trên 4.100 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng hơn 12% so với cùng kỳ.
NamA Bank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025, với lợi nhuận trước thuế đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 14% so cùng kỳ. Kết quả trên góp phần giúp ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của nhà băng này duy trì mức gần 20%, ROA (tỷ suất lợi nhuận trên tài sản) đạt 1,5%.
Thông tin sơ bộ từ VietinBank cho biết, lợi nhuận quý II và 6 tháng đầu năm 2025 của Ngân hàng tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ 2024. Tính đến cuối tháng 6/2025, dư nợ tín dụng của VietinBank tăng trưởng khoảng 10%, nguồn vốn huy động tăng hơn 9% so với cuối năm 2024.
Trước đó, Ngân hàng báo lãi trước thuế hợp nhất 6.823 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ 2024; tổng tài sản đến cuối quý I/2025 đạt gần 2,47 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm; cho vay khách hàng đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,6% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,55%...
Kết quả kinh doanh quý II/2025 cũng như nửa đầu năm của các nhà băng vẫn tích cực trong bối cảnh NIM của ngành vẫn trong xu hướng đi xuống. Dữ liệu thống kê cập nhật nhất về NIM của 27 ngân hàng niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán từ Wichart cho thấy, tính đến cuối quý I/2025, NIM của nhóm này mức hơn 3%, giảm so với mức 3,11% trong quý IV/2024 và thấp nhất kể từ quý IV/2020. NIM của ngành đã giảm liên tục trong hai năm qua.
Nhờ tín dụng tăng trưởng tốt
Năm nay, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, tương ứng bơm thêm khoảng 2,5 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế. Trong nửa đầu năm, tín dụng ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính tới ngày 30/6/2025, tín dụng toàn hệ thống tăng gần 10%, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2024. Nhờ vậy, dù NIM co hẹp, nhiều nhà băng vẫn báo lãi tăng trưởng tốt.
Đơn cử, tại MB, tính đến cuối tháng 6/2025, tín dụng tăng 12,5% so với cuối năm 2024. Còn tại Kienlongbank, tính đến hết ngày 30/6/2025, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 69.547 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cuối năm 2024; tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,96%. Hay tại NCB, cho vay khách hàng tại ngày 30/6/2025 đạt gần 86.835 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, đạt 90,4% kế hoạch cả năm.
Dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng vào cuối quý II/2025, tăng 7,6% so với đầu năm và cao hơn cùng kỳ năm 2024.
Nguyên nhân lợi nhuận 6 tháng đầu năm của TPBank tích cực cũng nhờ tăng trưởng tín dụng của nhà băng này đạt gần 11,7% trong kỳ, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bán lẻ, bất động sản có kiểm soát và tài chính tiêu dùng - những mảng mang lại biên lãi ròng cao.
Tại Nam A Bank, mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số trong 6 tháng đầu năm chủ yếu đến từ mảng tín dụng, với mức dư nợ tín dụng đạt gần 193.000 tỷ đồng vào cuối quý II, tăng trưởng 14,7% so với đầu năm.
Tại Vietcombank, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng, tính đến ngày 30/6/2025, tín dụng toàn hệ thống đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2024. Nếu không bao gồm hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ hỗ trợ VCB Neo, mức tăng đạt 7,5%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1%.
Nhận định được Công ty Chứng khoán SSI đưa ra, trong nửa cuối năm, nền kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất định, nhất là liên quan xung đột địa chính trị và chính sách thuế đối ứng của Mỹ, động lực tăng trưởng tín dụng trong nước có thể đến nhiều hơn từ các dự án bất động sản và hạ tầng.
Giới phân tích cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay không khó để đạt được, tác động tích cực đến nguồn thu từ lãi của các nhà băng. Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu kỳ vọng được đẩy nhanh sau khi Nghị quyết 42 của Quốc hội được “luật hóa” tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV) và các ngân hàng có cơ hội giảm dự phòng rủi ro, gia tăng lợi nhuận dù NIM giảm. NIM bình quân toàn ngành ngân hàng được dự báo quanh mức 3,5 - 3,6% vào cuối năm 2025. Những ngân hàng có tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cải thiện, chiến lược cho vay phù hợp sẽ tận dụng tốt hơn điều kiện thuận lợi của thị trường.
Các ngân hàng cũng kỳ vọng, dù chiến lược cạnh tranh lãi suất khiến biên lợi nhuận dần thu hẹp, song tín dụng tiếp tục tăng trưởng tốt sẽ là động lực thúc đẩy lợi nhuận tăng trưởng trong nửa cuối năm.
Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng năm nay được nhiều chuyên gia dự báo có thể vượt mục tiêu 16%. Lạm phát được kiểm soát ổn định là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8%. Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ cân nhắc việc nới room tín dụng cho các ngân hàng để có thêm dư địa cho vay.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM
Một trong những nguyên nhân chính khiến NIM suy giảm là do lãi suất huy động dường như đi ngang, trong khi áp lực từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Xu hướng này vẫn tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Cùng với việc chi phí hoạt động giảm nhờ công nghệ và làn sóng cắt giảm nhân sự để tối ưu chi phí, các ngân hàng có thể tạo ra dư địa lợi nhuận mà không nhất thiết phải gia tăng chênh lệch về phía NIM.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nim-co-hep-loi-nhuan-ngan-hang-van-tang-post373373.html