'Nín thở' đợi tin… giá điện

Sau gần 4 năm giữ ổn định, giá điện dự báo sẽ được điều chỉnh tăng trong năm 2023. Tuy nhiên, giá bán lẻ điện tăng bao nhiêu để cân bằng lợi ích giữa các bên dường như vẫn đang là bài toán khó?

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, từ ngày 3/2, khung giá bán lẻ điện bình quân thay đổi với mức tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh và tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, giá tối thiểu tăng 220 đồng/kWh, giá tối đa tăng 538 đồng/kWh.

Nhiều cơ sở dự báo giá điện sẽ tăng

Được biết, khung giá bán lẻ điện bình quân là mức sàn và trần để Chính phủ quy định giá bán lẻ điện bình quân. Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng năm nay.

Nhiều cơ sở dự báo giá điện sẽ tăng trong năm nay.

Nhiều cơ sở dự báo giá điện sẽ tăng trong năm nay.

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đánh giá, đây là cơ sở để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện. Nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên và trong khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm.

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản “thúc” EVN khẩn trương xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 và xây dựng lộ trình, mức độ điều chỉnh phù hợp trong trường hợp cần điều chỉnh tăng giá điện.

Việc xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 được yêu cầu thực hiện trên cơ sở EVN phải hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022, báo cáo tài chính của công ty mẹ tập đoàn và các đơn vị thành viên. Đồng thời, EVN phải làm việc với các đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín để kiểm toán các báo cáo trên theo đúng quy đinh.

Đáng chú ý, một báo cáo mới nhất của EVN ước tính năm 2022, công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia lỗ sản xuất kinh doanh khoảng hơn 28.876 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ lớn năm qua chính là thông số đầu vào tăng mạnh (giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới) và chi phí mua điện tăng thêm khi các nhà máy điện tham gia thị trường điện.

Điều chỉnh giá điện bao nhiêu cần được tính toán và chịu trách nhiệm

Cùng với đó, EVN cũng đã tính toán tình hình tài chính cho năm 2023 sẽ u ám hơn nếu giá điện giữ như hiện nay. Theo đó, công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia dự kiến lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.941 tỷ đồng.

Trước thực tế trên, GS. Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực Việt Nam, nêu quan điểm với VnBusiness: trong bối cảnh giá nhiên liệu than, dầu hiệu nay tăng lên rất cao, đồng thời EVN cho biết đang lỗ lớn trong thời gian vừa qua nên thời điểm này, việc điều chỉnh tăng giá điện là hợp lý.

Về mức tăng bao nhiêu là phù hợp, ông Long cho rằng để ra con số cụ thể thì cần tính toán, làm sao vừa để ngành điện không thua lỗ mà vẫn đảm bảo sức chịu đựng của khách hàng sử dụng điện.

Để tính toán mức tăng bao nhiêu thì phù hợp, ông Long cho biết cần tính toán chi phí sản xuất ra 1 kWh điện hiện là bao nhiêu, so với mức giá trung bình trước đây là bao nhiêu. Đồng thời về con số thua lỗ của ngành điện cần được kiểm toán cùng các đơn vị đại diện cho quyền lợi của người tiêu dùng kiểm tra, xem xét mức tăng thế nào là hợp lý…

“Cơ quan chức năng có trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước con số tăng mà họ đưa ra”, ông Long nhấn mạnh.

Nhìn nhận tăng giá điện là xu thế chung, tuy nhiên, TS. Võ Nhật Vinh, Chuyên viên Nghiên cứu và Phát triển tại Khu công nghệ Sophia Antipolis (Pháp) cũng cho rằng, chúng ta không thể nhập nhằng giữa chuyện ngành điện lỗ nhiều nên phải tăng giá cao. Con số lỗ mà EVN đưa ra cần phải được định lượng, kiểm chứng bởi các đơn vị độc lập, để người dân yên tâm.

Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, việc đưa ra một tỷ lệ tăng ở thời điểm này là rất khó dự đoán. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc tăng giá điện quá cao sẽ ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp, nền kinh tế khó chống đỡ. Việc tính toán số liệu là một phần, phần quan trọng hơn là cân đối vĩ mô thế nào để không bị ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng, lạm phát. Nếu giá điện tăng, đẩy chi phí của doanh nghiệp tăng, khó càng thêm khó.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nin-tho-doi-tin-gia-dien-1090672.html