Nín thở trước 'cơn sốt' vàng

Giá vàng đã lơ lửng gần mức cao nhất mọi thời đại là 2.072 USD/ounce kể từ cuối tháng 3 vừa qua. Nhiều nhà đầu cơ đang 'nín thở' chờ kỷ lục mới được thiết lập.

Vàng - chỉ số cảnh báo nỗi lo tài chính

Cơn sốt mua vàng của giới thượng lưu toàn cầu đang được phản ánh bởi các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi. Năm ngoái, các ngân hàng trung ương đã mua 1.079 tấn vàng thỏi - mức cao nhất kể từ khi các hồ sơ bắt đầu được ghi nhận vào năm 1950.

Động lực chính cho sự hồi sinh của vàng là mối lo ngại về độ tin cậy của các tài sản thanh khoản khác.

Vàng từ lâu đã là kênh trú ẩn an toàn trong thời kỳ hỗn loạn, và điều đó tỏ ra vẫn đúng cho đến lúc này, khi đại dịch, chiến tranh ở Ukraine, lo ngại lạm phát, nợ toàn cầu gia tăng, lãi suất cao và khủng hoảng ngân hàng… đã khiến các nhà đầu tư phải đánh giá lại các tài sản trú ẩn an toàn.

Giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục trong thời gian vừa qua. Ảnh: Reuters

Giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục trong thời gian vừa qua. Ảnh: Reuters

Kể từ tháng 11/2022, vàng đã tăng 1/5 để giao dịch ngay dưới 2.000 USD/ounce, sau các vụ phá sản của 3 ngân hàng Mỹ và sự kiện UBS tiếp quản Credit Suisse.

Financial Times dẫn lời Ross Norman, giám đốc điều hành của Metals Daily, một nhà cung cấp dữ liệu kim loại quý, bình luận: "Vàng tăng vọt cho thấy mức độ sợ hãi cao trên thị trường tài chính. Chuông cảnh báo thực sự đang reo".

Như câu chuyện của David Franks, một chủ nhà hàng tại Vương quốc Anh và cũng là một nhà đầu cơ vàng thời hiện đại, nắm giữ hơn 2 triệu bảng Anh dưới dạng thỏi, tiền xu và cổ phiếu khai thác nhưng đã tránh đầu tư vào thị trường chứng khoán.

"Đến cái lúc mà thế giới phải lo lắng trước việc nước Mỹ cũng có thể mắc nợ, không còn khả năng chi trả, tôi không thấy lựa chọn (đầu tư) nào khác ngoài vàng" - Franks nói, cho biết ông đặc biệt cảnh giác sau khi chứng kiến quy mô in tiền của các Chính phủ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nhằm khôi phục nền kinh tế.

Đây được cho cũng là nỗi lo sợ chung của những nhà đầu tư có xu hướng suy nghĩ về khủng hoảng và thảm họa, càng trở nên sâu sắc hơn vì cuộc chiến trần nợ của Mỹ trong nhiều tuần qua.

Mark Bristow, lãnh đạo Barrick Gold - nhà sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới - cũng đồng quan điểm với Franks. Ông lập luận rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới đã hết các lựa chọn, "thần lạm phát đã ra khỏi bình" và các quốc gia mới nổi phải đối mặt với nguy cơ vòng xoáy nợ đô la Mỹ.

"Thực tế phũ phàng là khi bạn có nhiều khoản nợ lớn hơn GDP, chỉ có 2 cách để thoát khỏi nó: Thực hiện một cuộc điều chỉnh tài chính lớn hoặc tăng trưởng theo cách của bạn" - Bristow nói với Financial Times.

Tác động từ làn sóng phi đồng USD hóa

Ngoài động lực từ các nhà đầu tư cá nhân, sự gia tăng của vàng một phần được thúc đẩy bởi làn sóng phi đồng USD đang diễn ra mạnh mẽ. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đã có một nỗ lực rõ ràng nhằm đa dạng hóa các loại tiền dự trữ: tỷ lệ dự trữ ngoại hối toàn cầu của đồng USD đã giảm từ hơn 70% năm 2000 xuống dưới 60% hiện nay.

Khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh đã đóng băng 300 tỷ USD ngoại hối bằng đô la Mỹ, euro và đồng bảng Anh của Chính phủ Moscow.

Điều đó đã báo động nhiều quốc gia đang dự trữ đồng USD, thúc đẩy các ngân hàng trung ương của họ chạy đua để đa dạng hóa việc nắm giữ và mua thêm vàng.

"Vàng ngày càng trở nên địa chính trị" - Sebastien de Montessus, giám đốc điều hành của Endeavour Mining, một nhà sản xuất vàng niêm yết ở London, bình luận.

Đối với Nga, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã gia tăng sự phụ thuộc của nước này vào vàng - loại kim loại mà nước này cũng khai thác trong nước.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2008, Tổng thống Vladimir Putin đã ca ngợi dự trữ vàng và ngoại tệ mạnh của Nga là "tấm đệm an toàn" để Điện Kremlin sớm xoa dịu nỗi đau kinh tế cho hàng triệu người dân Nga thời điểm đó.

3 năm sau, nhà lãnh đạo Nga đi thăm kho lưu trữ tại ngân hàng trung ương ở trung tâm thủ đô Moscow, ghi dấu với bức hình nổi tiếng là cảnh ông đang cầm ngắm một thỏi vàng nặng hơn 10kg.

Vào thời điểm đó, Ngân hàng trung ương Nga được cho đang trong giai đoạn đầu âm thầm tăng tỷ trọng kim loại quý này trong dự trữ quốc tế. Ngày nay, vàng chiếm khoảng 25% trong số 600 tỷ USD dự trữ của Nga - tăng gần gấp 6 lần về khối lượng kể từ năm 2007.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới với khoảng 3,2 nghìn tỷ USD, cũng đã báo cáo việc bổ sung vàng trong 6 tháng liên tiếp, mặc dù nhiều người trong ngành vàng nghi ngờ mức mua vào có thể cao hơn số liệu được báo cáo chính thức.

Oliver Ramsbottom, chuyên gia tại McKinsey, nói rằng điều này có thể giúp Trung Quốc thách thức đồng tiền bá chủ của Mỹ. "Việc mua vàng kéo dài của Trung Quốc có thể được hiểu là một phần của chính sách dài hạn, nhằm nới lỏng kiểm soát vốn, do đó làm tăng thách thức của đồng nhân dân tệ đối với đồng USD".

Theo Financial Times, các nền kinh tế đang gặp khó khăn, thường mắc nợ nhiều bằng đô la Mỹ, cũng đang chuyển sang vàng. Trước khi vỡ nợ vào tháng 12, Ghana - nhà sản xuất vàng lớn thứ 6 thế giới, đã đề xuất thanh toán tiền nhập khẩu dầu bằng vàng thỏi.

Nhưng hoạt động này được cho là khác với giao dịch đổi vàng lấy muối thời trung cổ giữa các nền kinh tế Địa Trung Hải và Tây Phi. Một quốc gia khai thác vàng khác là Zimbabwe cũng đang tung ra các phương thức thanh toán kỹ thuật số được hỗ trợ bằng vàng, trong nỗ lực cứu đồng tiền đang bị lạm phát của mình.

Dự báo về "cơn sốt" vàng

Sự hồi sinh của vàng khiến các quan chức ngân hàng trung ương, các nhà quản lý quỹ và các nhà đầu tư bán lẻ tự hỏi liệu thế giới có đang trên bờ vực của một thời kỳ "mạ vàng mới" hay không.

Một số nhà dự báo cho rằng vàng có thể leo lên mức cao kỷ lục thực tế gần 3.300 USD/ounce (tính theo đồng USD hiện tại) từng được thiết lập vào năm 1980 khi lạm phát phi mã, do dầu mỏ và tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông vượt qua chu kỳ tăng giá kéo dài 9 năm sau khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon tách rời USD và vàng.

Trong ngắn hạn, yếu tố chính quyết định giá vàng là lộ trình cân bằng giữa việc duy trì nền kinh tế lành mạnh và kiểm soát lạm phát của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Đây sẽ là điểm mấu chốt cho việc liệu các nhà quản lý tài sản có đổ xô mua vàng cùng nhà đầu tư nhỏ lẻ hay các ngân hàng trung ương hay không.

Tại cuộc họp chính sách gần nhất hồi tháng trước, giới chức Fed phát tín hiệu rằng sẽ không loại trừ khả năng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Động thái này khiến giá vàng giảm xuống khoảng 1.970 USD. Việc mức tăng 4,9% từ tháng 4 hạ nhiệt cùng mục tiêu đưa lạm phát xuống 2% được dự kiến sẽ khiến tâm lý hứng khởi với vàng sụt giảm.

Thỏa thuận về trần nợ của Mỹ đã được thông quá trong phút chót, được tin cũng có thể gây áp lực thêm lên giá vàng.

Về lâu dài, nhu cầu với kim loại quý này có thể giảm do tình hình tài chính của ngành khai thác vàng, đặc biệt là lĩnh vực này đang chịu áp lực lớn từ sứ mệnh giảm lượng khí thải của toàn cầu.

Nhiều nhà nghiên cứu đang kêu gọi hạn chế hoạt động khai thác vàng vì tác động xấu đến môi trường. Vàng cũng là một trong số những nguyên tố ít phản ứng nhất, không có vai trò trực tiếp trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Chỉ 8% số vàng được sử dụng trong các ứng dụng như công nghệ, y học và công nghiệp, phần còn lại là dành cho trang sức và đầu tư.

Hương Thảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nin-tho-truoc-con-sot-vang.html