Ninh Bình: Chung tay xây dựng ngành du lịch trở thành đòn bẩy phát triển bền vững

Ninh Bình là điểm đến hấp dẫn với nhiều cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa đặc sắc. Nơi đây còn là một trong những hình mẫu về phát triển du lịch bền vững với sự chung tay, đồng hành của cả chính quyền và người dân.

Trong những năm gần đây, chính quyền và người dân Ninh Bình đã chung tay xây dựng ngành du lịch trở thành đòn bẩy kinh tế quan trọng, đồng thời bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu. Xác định việc phát triển du lịch không chỉ đơn thuần là câu chuyện kinh tế mà còn là bài toán bảo tồn và kết nối, chính quyền Ninh Bình chủ trương lấy người dân làm trung tâm trong mọi chiến lược, tạo nền tảng bền vững để kết nối giá trị truyền thống với hiện đại. Cách tiếp cận này giúp cải thiện đời sống cộng đồng, truyền cảm hứng để mỗi người dân trở thành một "đại sứ du lịch", góp phần quảng bá hình ảnh quê hương.

Tỉnh này đã tổ chức hàng loạt lớp tập huấn miễn phí dành cho người dân, từ kỹ năng tổ chức du lịch cộng đồng đến bảo vệ môi trường bền vững. Theo ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai các chương trình hỗ trợ, từ đào tạo nguồn nhân lực đến đầu tư phát triển cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch để người dân có thể tham gia trực tiếp vào ngành du lịch, từ đó nâng cao đời sống và thu nhập. Tính đến năm 2024, toàn tỉnh đã có hơn 900 cơ sở lưu trú với hơn 10.000 phòng nghỉ, trong đó trên 40 cơ sở đạt tiêu chuẩn 1-5 sao.

Ninh Bình chủ trương lấy người dân làm trung tâm, nền tảng bền vững để kết nối giá trị truyền thống với hiện đại. (Ảnh minh họa)

Ninh Bình chủ trương lấy người dân làm trung tâm, nền tảng bền vững để kết nối giá trị truyền thống với hiện đại. (Ảnh minh họa)

Nhận thức rõ vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, địa phương này đã triển khai nhiều chính sách đột phá. Một trong những chính sách nổi bật là hỗ trợ phát triển mô hình homestay. Cụ thể, các hộ dân đầu tư xây dựng mới nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng mỗi công trình. Đối với các công trình nâng cấp hoặc cải tạo, mức hỗ trợ là 50 triệu đồng mỗi công trình.

Để đủ điều kiện nhận hỗ trợ, các tổ chức, hộ gia đình hoặc cá nhân cần đáp ứng các yêu cầu về kinh doanh du lịch theo quy định của pháp luật, đồng thời tuân thủ các quy định liên quan đến xây dựng, đầu tư và kinh doanh. Điều này đã tạo điều kiện cho nhiều gia đình tại địa phương khởi nghiệp và phát triển trong ngành du lịch.

Các chính sách không chỉ thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng, dịch vụ mà còn hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ cộng đồng. Nhờ những chính sách kịp thời, lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng trưởng ổn định. Trong 11 tháng đầu năm 2024, tỉnh này đã đón gần 8,14 triệu lượt khách, trong đó hơn 1 triệu lượt là khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch đạt hàng ngàn tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống người dân với thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Ninh Bình đã ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch thế giới khi được vinh danh trong "Top 10 kỳ quan thế giới dành cho những người không thích đám đông" và "Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất thế giới". Đây là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc nâng tầm thương hiệu du lịch.

Bên cạnh những thành công, Ninh Bình cũng đối mặt với không ít thách thức trong việc cân bằng giữa bảo tồn di sản, quản lý môi trường và phát triển hạ tầng. Điều này đòi hỏi sự quyết liệt trong thực hiện các chính sách hỗ trợ để vừa thúc đẩy du lịch phát triển, vừa gìn giữ những giá trị văn hóa, thiên nhiên độc đáo của vùng đất.

Để giải quyết những vấn đề trên, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình khẳng định: "Ninh Bình sẽ tiếp tục chú trọng bảo tồn giá trị di sản, kết hợp hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Đồng thời, chúng tôi đặt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp khoảng 8% GRDP của tỉnh vào năm 2030."

Trong thời gian tới, tỉnh này sẽ triển khai các dự án lớn như khu nghỉ dưỡng Kênh Gà - Vân Trình, mở rộng tuyến du lịch Tràng An và phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại nhiều huyện. Các sản phẩm du lịch mới, độc đáo sẽ được đầu tư để thu hút thêm nhiều du khách, tạo sức cạnh tranh cho ngành.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ninh-binh-chung-tay-xay-dung-nganh-du-lich-tro-thanh-don-bay-phat-trien-ben-vung-95619.html