Ninh Bình: Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp bền vững

Chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Tại Ninh Bình, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, coi đó không chỉ là cơ hội mà còn là yêu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống người dân và đảm bảo sự phát triển bền vững của địa phương.

Đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững. Ảnh minh họa: TS

Đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững. Ảnh minh họa: TS

Ninh Bình có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng như: lúa gạo, rau màu, thủy sản và các sản phẩm chăn nuôi. Những năm gần đây, người dân địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, thông qua việc sử dụng máy móc hiện đại, hệ thống tưới tiêu tự động..., tiêu biểu như mô hình nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGap...

Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp còn đẩy mạnh quản lý, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số. Phổ biến là hoạt động bán nông sản trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tik Tok. Theo đánh giá của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bán hàng đã mang lại nhiều ưu điểm hơn so phương thức bán truyền thống, như: mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm chi phí đi lại, chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên bán hàng…

Nhờ sự chủ động chuyển mình, thay đổi tư duy, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và công nghệ số mà nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ở Ninh Bình đã tạo việc làm cho một lực lượng lớn lao động tại địa phương, góp phần thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng một nền nông nghiệp thông minh.

Bên cạnh đó, các mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách. Việc quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên các nền tảng số cũng góp phần nâng cao giá trị thương hiệu và thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Qua đó, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh./.

Theo thống kê của cơ quan chức năng địa phương, trong năm 2024, tổng số sản phẩm của tỉnh Ninh Bình đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn là 1.085 sản phẩm; có 22.877 sản phẩm đã giao dịch thành công qua sàn thương mại điện tử với doanh thu phát sinh đạt 3,62 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 244 doanh nghiệp công nghệ số (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin); tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt khoảng 99%; doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 50%.

DIỆU THIỆN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ninh-binh-day-manh-chuyen-doi-so-de-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-39898.html