Ninh Bình: Dự báo sức mua hàng hóa trong dịp Tết 2024 sẽ tăng khoảng 10%
Để chuẩn bị cho mùa mua sắm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ninh Bình đã có nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân.
Theo dự báo của Sở Công thương tỉnh Ninh Bình, sức mua hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024 sẽ tăng khoảng 10% so với Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Nhu cầu tập trung chủ yếu vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến như giò, chả, nem...; thực phẩm công nghệ như bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước ngọt, đường, sữa, dầu ăn…; hàng may mặc, giầy dép, nhiên liệu; hàng điện tử, đồ dùng gia đình và một số mặt hàng nông sản như rau, củ, quả các loại...
Nhu cầu hàng hóa thiết yếu và hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ người dân của tỉnh Ninh Bình trong một tháng Tết 2024 tương đương hơn 2.618 tỷ đồng. Bao gồm: 25.000 tấn xăng dầu (cho sản xuất và tiêu dùng), 1.000 tấn gas, 9.765 tấn lương thực, 2.900 tấn thịt các loại, 15,4 triệu quả trứng gia cầm, 813 tấn thực phẩm chế biến, 200 tấn bánh, kẹo, mứt, cà phê...
Trong đó, đối với nhóm hàng thực phẩm, hiện nay xu hướng Nhân dân chỉ mua tích trữ để tiêu dùng với số lượng vừa đủ trong khoảng vài ngày Tết. Đặc biệt, ngoài hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ trên địa bàn tỉnh, nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân sẽ tăng thêm đối với hàng thực phẩm chế biến sẵn của các cơ sở sản xuất có uy tín và trong các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn.
Sức mua sẽ tập trung cao những ngày giáp Tết Nguyên đán (từ 27 đến 30 tháng Chạp) và những ngày sau Tết (từ mùng ba đến rằm tháng Giêng).
Do đó, để bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân vào dịp cuối năm, Sở Công Thương Ninh Bình đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương và doanh nghiệp đầu mối để triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Trong đó, yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa; chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định.
Bên cạnh đó, Sở Công thương tỉnh Ninh Bình cũng tập trung thực hiện Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2023, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp, kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mại, giảm giá, kích cầu tiêu dùng, triển khai các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; trong đó đặc biệt chú trọng cung ứng hàng hóa cho các vùng và đối tượng gặp khó khăn với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.
Cùng với đó, Sở Công Thương đang triển khai Đề án hỗ trợ bình ổn giá thị trường hàng hóa tỉnh Ninh Bình dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhằm hạn chế những diễn biến bất thường của thị trường, như khan hiếm hàng hóa, sốt giá cục bộ trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của Nhân dân, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.