Ninh Bình: Phát triển du lịch gắn với xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ

Những năm qua, tỉnh Ninh Bình bám sát Quy hoạch vùng, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt chú trọng đến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan, gìn giữ, bảo tồn các công trình kiến trúc truyền thống để xây dựng địa phương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ.

Quần thể danh thắng Tràng An là niềm tự hào của người dân Ninh Bình.

Quần thể danh thắng Tràng An là niềm tự hào của người dân Ninh Bình.

Ninh Bình là vùng đất cổ với truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, nơi có gần 2.000 di tích lịch sử, danh thắng, trong đó có trên 81 di tích quốc gia, có 3 di tích quốc gia đặc biệt. Đây là địa phương duy nhất ở Việt Nam và cũng là số ít trong khu vực sở hữu danh hiệu di sản “kép”: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO chính thức công nhận vào năm 2014.

Nhận thức rõ tiềm năng, thế mạnh về du lịch, tỉnh Ninh Bình luôn kiên trì, kiên định mục tiêu, định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch, với hình ảnh, giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất Cố đô, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An. Đầu năm 2002, Ninh Bình đã thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, ban hành các nghị quyết, chương trình phát triển du lịch đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, trong đó xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch gắn với xây dựng, quảng bá thương hiệu du lịch Ninh Bình.

Đến năm 2021, trên cơ sở tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Sở Du lịch tham mưu ban hành Nghị quyết và Đề án phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kế hoạch xúc tiến marketing du lịch giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch truyền thông quảng bá thương hiệu điểm đến du lịch giai đoạn 2023-2030 với bộ nhận diện thương hiệu mới Ninh Bình “Tuyệt sắc miền Cố đô”.

Thực hiện mục tiêu: “Đến năm 2035, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương…”, Ninh Bình đang tập trung nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa hiện đại mang đậm bản sắc vùng đất Cố đô Hoa Lư nghìn năm lịch sử; nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉnh trang cảnh quan. Tạo dựng thêm những giá trị mới để nối kết tính bản địa và tính hiện đại, của đô thị quá khứ với đô thị tương lai trên nền tảng bảo tồn hiệu quả, hài hòa, bền vững các giá trị di sản. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với thương hiệu điểm đến đô thị di sản. Trong đó xác định lấy du lịch sinh thái, du lịch xanh gắn với văn hóa, lịch sử, di sản là một trong những điểm nhấn quan trọng để xây dựng các sản phẩm đặc thù.

Nhiều sản phẩm du lịch gắn với Di sản Tràng An, Cố đô Hoa Lư đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế, trở thành những sản phẩm đặc trưng, trụ cột của tỉnh, góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch sinh thái Thung Nham, Hang Múa…

Diện mạo khang trang, hiện đại của thành phố Hoa Lư ngày nay.

Diện mạo khang trang, hiện đại của thành phố Hoa Lư ngày nay.

Trao đổi với Báo điện tử Xây dựng, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: Hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ du lịch của tỉnh Ninh Bình đã có bước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông đến các trọng điểm du lịch trên địa bàn khá đồng bộ và phát triển. Cộng với nhiều điều kiện thuận lợi về tài nguyên và hạ tầng, thương hiệu du lịch Ninh Bình trong những năm qua được xây dựng và phát triển vững chắc.

Để có được kết quả đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình quyết tâm chỉ đạo phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình hành động… cho phát triển du lịch. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định đầu tư phát triển hạ tầng du lịch là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 đề ra mục tiêu, định hướng và 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp phát triển du lịch.

Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy thu hút đầu tư. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đang từng bước được hoàn thiện. Cùng với việc quan tâm đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, tích cực đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch đã tạo dựng nền tảng, cơ hội cho du lịch phát triển mạnh mẽ.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục bám sát Quy hoạch vùng, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế… Đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, gìn giữ, bảo tồn các công trình kiến trúc truyền thống.

Các địa phương cần xác lập các khu định cư truyền thống, khuyến khích giữ nguyên và định hình cơ cấu hộ gia đình phù hợp trong vùng lõi di sản và vùng đệm của khu di sản. Mở rộng và tái phát triển mạng lưới giao thông hiện hữu, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên. Thiết lập sổ tay hướng dẫn và khuyến khích, bảo trợ xây dựng cải tạo và xây mới nhà ở theo các mẫu thức kiến trúc truyền thống của địa phương, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh… Đồng thời hướng dẫn bảo tồn, tu tạo, phục dựng hoặc xây mới các công trình kiến trúc nhà ở, công cộng, tôn giáo tín ngưỡng… có giá trị văn hóa. Xây dựng các cơ sở vật chất mới cho các hoạt động văn hóa đương đại kết hợp lễ hội văn hóa truyền thống, trên cơ sở vận dụng các mẫu thức kiến trúc truyền thống (nhà văn hóa thể thao, nhà cộng đồng…).

Quản lý chặt chẽ kiến trúc, cảnh quan các khu di sản và các khu vực đô thị, nông thôn, là cơ hội để khai thác hiệu quả hơn các giá trị riêng biệt của một đô thị di sản nơi có sự đan quyện giữa các giá trị văn hóa, lịch sử với cảnh quan tự nhiên, giữa các giá trị sinh thái với nhân văn, giữa cuộc sống, sinh kế của người dân với phát triển du lịch. Nếu thực hiện tốt các nội dung về bảo tồn di sản với quản lý quy hoạch kiến trúc, cảnh quan khu nông thôn và đô thị sẽ tạo nên sự kết nối hài hòa, điểm nhấn của một Đô thị di sản thiên niên kỷ, góp phần khắc ghi những hình ảnh đẹp, ấn tượng, riêng có về điểm đến du lịch Ninh Bình trong ấn tượng và cảm nhận của du khách.

Tỉnh yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng địa phương và doanh nghiệp để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, tiếp tục xây dựng thương hiệu với chủ đề “Ninh Bình - Tuyệt sắc miền Cố đô”, đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực, góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ.

Mai Thu - Anh Tú

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ninh-binh-phat-trien-du-lich-gan-voi-xay-dung-do-thi-di-san-thien-nien-ky-394324.html