Ninh Bình quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Từ trung tuần tháng 4/2025 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang có diễn biến rất phức tạp, nhất là tại các huyện Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô. Các biện pháp phòng, chống đang được ngành chức năng và các địa phương của tỉnh tăng cường thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan trên diện rộng.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Luật ở thôn Giá Thượng, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình thực hiện công tác tiêu độc khử trùng chuồng trại phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Luật ở thôn Giá Thượng, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình thực hiện công tác tiêu độc khử trùng chuồng trại phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Với địa bàn rộng và quy mô chăn nuôi lớn, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn là địa phương thường xuyên xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Hiện đàn lợn trên địa bàn xã có khoảng 45.000 con, trong đó có 5.817 con của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ ngày 7/4, trên địa bàn đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi và là địa phương đầu tiên của huyện xuất hiện dịch. Đến nay, trên địa bàn xã đã có dịch qua 45 ngày, tiêu hủy trên 880 con với trọng lượng hơn 36.007kg.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Gia Hòa Nguyễn Trọng Phú, ngay sau khi phát hiện dịch, xã đã rà soát tổng đàn lợn, thông báo yêu cầu các hộ không thực hiện tái đàn và không bán chạy, giết mổ để không làm lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, xã đã được huyện cấp hơn 400 lít hóa chất, chủ động mua 6 tấn vôi để cấp cho các hộ chăn nuôi khử trùng tiêu độc và phun thường xuyên tại các hộ chăn nuôi; tổ chức đặt các biển cảnh báo có dịch, các chốt kiểm dịch tạm thời, thành lập các tổ kiểm tra lưu động, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ ổ dịch và việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn ra/vào vùng có dịch; lập hồ sơ hỗ trợ người dân theo cơ chế chính sách hiện hành.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cùng lãnh đạo xã Gia Hòa, cán bộ thú y xã hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và khử trùng tiêu độc môi trường.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cùng lãnh đạo xã Gia Hòa, cán bộ thú y xã hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và khử trùng tiêu độc môi trường.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Luật ở thôn Giá Thượng, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, hằng ngày luôn theo dõi đàn lợn và đã kịp thời phát hiện có một trong số 3 con bỏ ăn và ốm chết. Gia đình đã nhanh chóng khai báo với chính quyền cơ sở.

“Khi phát hiện lợn bệnh, tôi đã thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch trong chuồng và các khu vực chung quanh theo quy định. Tuy nhiên, 3-4 ngày nay lợn nhà tôi lại bỏ ăn và đã chết, tôi đã báo cáo với trưởng thôn và cơ quan thú y xã để đến tiêu hủy và mang đi chôn, chứ tôi không dám mổ thịt và vận chuyển đi đâu”, ông Luật chia sẻ.

Là một trong những xã kiểm soát dịch bệnh sớm của huyện Gia Viễn, thời gian qua xã Gia Trấn đã tích cực làm tốt các biện pháp khoanh vùng, xử lý kịp thời ổ dịch, vệ sinh tiêu độc tốt. Biện pháp tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc tuân thủ quy định trong chăn nuôi được xem là hữu hiệu ở địa bàn này.

Từ ngày 4/5 trên địa bàn xuất hiện ổ dịch đầu tiên ở nhà bà Mai Thị Tho, thôn 4, đến nay xã chỉ xuất hiện hai ổ dịch cùng một thôn và đã tiêu hủy 3 con. Hiện tình hình dịch bệnh tại địa phương tương đối ổn định chưa thấy xuất hiện thêm ổ dịch mới.

Ông Đinh Văn Thao, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Gia Trấn, cho biết, từ kinh nghiệm các năm, xã chủ động triển khai sớm các biện pháp để phòng ngừa dịch bệnh lây lan như: thường xuyên theo dõi, bám sát văn bản chỉ đạo của các cấp để xây dựng kế hoạch cụ thể, rà soát tổng số lượng đàn gia súc, gia cầm để lên kế hoạch tiêm phòng vaccine cho vụ xuân hè năm 2025, đến nay đã tiêm cơ bản 95%; tiêu độc khử trùng; thành lập tổ tuần tra lưu động thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn tại các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn và kiểm tra việc tuân thủ, duy trì điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; tuyên truyền người dân hạn chế nhập, tái đàn;... để kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Ổ dịch tại xã Gia Trấn sau khi được phát hiện, xã đã yêu cầu hộ gia đình vãi vôi, phun tiêu độc khử trùng; đồng thời lập chốt, đặt biển cảnh báo có dịch để người dân nắm được và có các biện pháp phòng dịch.

Ổ dịch tại xã Gia Trấn sau khi được phát hiện, xã đã yêu cầu hộ gia đình vãi vôi, phun tiêu độc khử trùng; đồng thời lập chốt, đặt biển cảnh báo có dịch để người dân nắm được và có các biện pháp phòng dịch.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Gia Viễn, thời gian qua, các cán bộ thú y ở huyện luôn bám sát địa bàn cơ sở, thường xuyên tư vấn cho bà con và hướng dẫn cách phòng trừ tiêu độc; đối với những trường hợp ốm, có dấu hiệu bỏ ăn, nghi ngờ do dịch bệnh, khuyến cáo bà con không nên bán chạy ra ngoài. Đồng thời, vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện nguyên tắc “5 không”: không giấu dịch; không mua bán lợn, sản phẩm từ lợn và không bán chạy lợn mắc bệnh; không chăn thả rông hoặc vận chuyển ra khỏi vùng dịch; không vứt xác bừa bãi ra môi trường. Khi phát hiện lợn có biểu hiện ốm, chết cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Hiện, đàn lợn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có khoảng gần 290.000 con. Nhiều năm qua, việc chăn nuôi lợn đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Trước tình hình diễn biến phức tạp trên địa bàn, tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng kinh phí tới các huyện để thực hiện công tác tiêm vaccine và phòng, chống dịch. Hiện, tỉnh đang tích cực khoanh vùng dập dịch và tổ chức tiêu hủy lợn bị bệnh theo quy định.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình, cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh năm nay là do thời tiết và mầm bệnh còn tồn tại trong địa bàn, nhất là việc vận chuyển buôn bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, tình trạng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn còn nhiều và hiện nay giá lợn đang lên cao, người dân đang tiến hành tái đàn dẫn đến dịch bệnh bùng phát.

Thời gian qua, Chi cục đã tham mưu cho các đơn vị chỉ đạo, các huyện, thành phố, đặc biệt là tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện các biện pháp khử trùng tiêu độc. Đồng thời, Chi cục đã thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên xuống địa bàn trọng điểm có nguy cơ bùng phát dịch bệnh để kiểm tra; tăng cường hướng dẫn đối với các cán bộ chuyên môn, các cơ sở, người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và rà soát, thực hiện buôn bán trên địa bàn; tăng cường khuyến cáo người dân trong thời gian có dịch không thực hiện tái đàn, đặc biệt nghiêm cấm không để xác động vật ra ngoài môi trường gây ô nhiễm và phát tán mầm bệnh.

Hiện nay, để kịp thời ngăn chặn, kiểm soát, khống chế dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi, tỉnh Ninh Bình yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân hè năm 2025, phấn đấu hoàn thành trước ngày 10/6; huy động các nguồn lực, chủ động bố trí ngân sách dự phòng để mua hóa chất, vôi bột; huy động cả hệ thống chính trị khoanh vùng dịch, rà soát, tổ chức tiêu hủy, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh thêm ổ dịch và phấn đấu kết thúc tất cả các ổ dịch trước ngày 20/6.

Đặc biệt, khoanh vùng trọng điểm chăn nuôi của địa phương, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tuyên truyền chủ trang trại chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh; bố trí lực lượng, có phương án bảo vệ các vùng trọng điểm, không để xảy ra dịch bệnh, bảo vệ tổng đàn, bảo đảm tăng trưởng chăn nuôi để sau khi hết dịch, đủ điều kiện có thể để tái đàn khôi phục và phát triển đàn lợn.

VĂN LÚA-YẾN TRINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ninh-binh-quyet-liet-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi-post881194.html