Ninh Bình tăng cường công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử, văn hóa

Xác định việc sử dụng hiệu quả tiền công đức, tài trợ tại di tích sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, do đó, công tác quản lý hoạt động này đã được chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện tốt.

Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh đền Bình Hòa (xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh). Ảnh: Lý Nhân

Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh đền Bình Hòa (xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh). Ảnh: Lý Nhân

Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa được triển khai thực hiện toàn diện, từ công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa đến các hoạt động chuyên ngành như: kiểm kê nhận diện di sản, nghiên cứu khoa học; bảo vệ, tu bổ tôn tạo chống xuống cấp di tích, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Do đó, các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống tốt đẹp của vùng đất, con người Ninh Bình được bảo tồn, kế thừa, phát huy.

Hàng năm, tại thôn Bình Hòa (xã Khánh Hồng, Yên Khánh) đều diễn ra lễ hội đền mẫu Bình Hòa, thu hút đông đảo người dân và du khách về dự hội. Ngôi đền thờ các vị tướng thời Trưng Trắc, Trưng Nhị luôn được người dân địa phương chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Ông Phạm Đình Liệu, Phó trưởng Ban khánh tiết đền Bình Hòa cho biết: Hàng năm, lễ hội truyền thống đền mẫu Bình Hòa diễn ra trong 2 ngày với các hoạt động phần lễ và phần hội. Việc tổ chức lễ hội luôn chấp hành đúng các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Các hộ tham gia kinh doanh, buôn bán trong dịp lễ hội đều ký cam kết việc chấp hành bán hàng hóa, thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, không chèo kéo, nâng giá…Mặc dù trong các hoạt động phần hội được tổ chức sôi nổi, thu hút rất đông người dân các làng, các xã bên về dự nhưng Ban khánh tiết đền luôn thực hiện tốt việc không để nạn cờ bạc, lừa đảo xuất hiện trong không gian lễ hội, tạo điều kiện để người dân, du khách về dự hội vui tươi, lành mạnh, an toàn.

Dẫn chúng tôi vào thăm di tích lịch sử đền Bình Hòa và giới thiệu những thông tin về ngôi đền, ông Phạm Đình Liệu cũng chia sẻ thêm: Việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại di tích được Ban khánh tiết thực hiện theo đúng quy định, có mở sổ ghi chép công khai, minh bạch. Tuy nhiên, vì là ngôi đền nhỏ của làng nên lượng du khách về tham quan, chiêm bái không nhiều. Trong công tác quản lý, Ban khánh tiết đền luôn chú trọng hướng dẫn du khách thực hiện đúng các quy định về đặt tiền lễ, công đức…

Trao đổi với đồng chí Đào Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hồng được biết: Trên địa bàn xã Khánh Hồng có 3 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 3 ngôi chùa, 4 đền thờ mẫu, hàng năm trên địa bàn xã diễn ra 6 lễ hội làng. Với hệ thống di tích lịch sử được sở hữu, địa phương đã quan tâm đến cong tác bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, tích cực giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử quê hương, đất nước. Đồng thời, qua đó cũng góp phần thúc đẩy du lịch địa phương, để các di tích trở thành điểm đến của nhiều du khách.

Trong công tác quản lý, xã Khánh Hồng luôn quan tâm đến công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích nhằm đảm bảo mọi khoản ủng hộ, đóng góp đều được công khai, minh bạch. Do đó, Ban quản lý di tích của xã đã chỉ đạo các Ban khánh tiết các di tích, người quản lý, đại diện chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong việc mở sổ ghi chép, lập tài khoản… về các khoản người dân, du khách đóng góp, ủng hộ, tài trợ.

Ban khánh tiết đền Thánh Nguyễn (xã Gia Phương, Gia Tiến, huyện Gia Viễn) tiếp nhận tiền công đức từ người dân, du khách. Ảnh: Minh Quang

Là địa phương sở hữu nhiều di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia như: đền Thánh Nguyễn-Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia; di tích lịch sử quốc gia núi Kiếm Lĩnh; di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh miếu Bồ Đề…, xã Gia Tiến (Gia Viễn) có nhiều cơ hội để phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế-xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tiến, Trưởng ban khánh tiết đền thờ Thánh Nguyễn cho biết: Địa phương đã thực hiện tốt việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích. Ngoài việc quản lý của Ban quản lý di tích, Ban khánh tiết đã thực hiện tốt việc quản lý thu-chi, lập sổ ghi chép, theo dõi, lập tài khoản ngân hàng để tiếp nhận tiền công đức, tài trợ, việc chi tiêu có hóa đơn chứng từ đầy đủ. Hàng năm, Ban khánh tiết đều có báo cáo đầy đủ với Ban quản lý di tích cũng như các đoàn kiểm tra của cấp trên. Do đó, nhiều năm qua, nguồn kinh phí từ tiền công đức, tài trợ… đã được sử dụng vào việc quản lý, tu bổ, tôn tạo và bảo vệ di tích theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 1.821 di tích, bao gồm 3 di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Non Nước, Danh lam thắng cảnh Tràng An-Tam Cốc-Bích Động); 99 di tích xếp hạng quốc gia; 335 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 1.384 di tích đưa vào danh mục kiểm kê của địa phương.

Thực hiện Văn bản số 11752/BTC-HCSN ngày 30/10/2023 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử, văn hóa, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 890/QĐ-UBND ngày 15/12/2023 về việc kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

UBND tỉnh đã giao UBND các huyện, thành phố thực hiện kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Riêng đối với di tích đặc biệt Cố đô Hoa Lư (do Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư-đơn vị sự nghiệp công thuộc thuộc Sở Văn hóa và Thể thao quản lý), giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra.

Kết quả kiểm tra cho thấy, trên địa bàn có 1.138/1.821 di tích có phát sinh số thu, chi tiền công đức; 757 di tích không phát sinh số thu, chi tiền công đức. Trong đó, năm 2023, tổng số thu của 1.138 di tích là 110.792 triệu đồng, không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật (trừ vàng, bạc, kim khí quý, đá quý), công trình xây dựng và tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo.

Từ nguồn thu, các di tích đã chi cho hoạt động quản lý là 13.848 triệu đồng; chi hoạt động lễ hội là 12.323 triệu đồng; chi tu bổ, tôn tạo di tích là 62.256 triệu đồng; chi hoạt động từ thiện, nhân đạo là 3.822 triệu đồng; các khoản chi khác (tuyên truyền, quảng bá về lễ hội, di tích; bảo đảm an ninh trật tự, y tế, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; cải tạo, nâng cấp các công trình phụ trợ gồm nhà vệ sinh, đường nội bộ, đường điện, cấp thoát nước, bãi đỗ xe…) là 13.629 triệu đồng.

Tại các di tích cơ bản đã bố trí hòm công đức và bàn ghi tiền công đức, hòm công đức được đặt ở vị trí phù hợp. Việc tiếp nhận tiền công đức được thực hiện qua các hình thức như ghi phiếu, ghi sổ, hòm công đức. Các cơ sở đã tiến hành ghi chép, tổ chức kiểm kê, giám sát trong quá trình kiểm kê, mở sổ sách để ghi chép số tiền công đức thu được.

Công tác theo dõi, quản lý, giám sát và điều hành đã được quan tâm và sát sao hơn, định kỳ đã tổ chức kiểm đếm, công tác giám sát tiếp nhận, kiểm đếm tiền trong hòm công đức, quá trình kiểm đếm có sự chứng kiến của các bên có liên quan.

Bên cạnh đó, việc mở sổ theo dõi các khoản thu, chi tiền công đức còn nhỏ lẻ, không được thường xuyên và liên tục. Hầu hết các di tích chưa thực hiện mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng để tiếp nhận, theo dõi riêng những khoản tiền thu-chi từ nguồn thu công đức, chỉ một số di tích đã thực hiện mở tài khoản để theo dõi, tiếp nhận như: Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử , văn hóa Cố đô Hoa Lư; Phủ Vân-thành phố Ninh Bình.

Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội tại Ninh Bình đang từng bước thực hiện theo quy định; việc ghi chép sổ sách và tiếp nhận công đức đang dần được giám sát thường xuyên; việc kiểm đếm, thu-chi tiền công đức góp phần đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch và đúng quy định, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Bùi Diệu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-tang-cuong-cong-tac-quan-ly-tien-cong-duc-tai-tro/d20240520155319935.htm