Ninh Bình: Tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng
UBND tỉnh Ninh Bình vừa có văn bản yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng.
Cụ thể, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động xem xét, đánh giá, nhận diện những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, các ngành, các lĩnh vực để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề về vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cho vay đối với các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng, nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị mình, đặc biệt trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất, thủ tục xác nhận, công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo, xử lý tài sản đảm bảo… từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong việc mở rộng tín dụng và cho vay, thu nợ được nhanh chóng.
Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng theo gói hỗ trợ tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội.
Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Ninh Bình: Tổng hợp, báo cáo, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn về vấn đề tiếp cận vốn tín dụng để kịp thời có biện pháp tháo gỡ; chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong tỉnh đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ;
Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (15.000 tỷ đồng); Chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ (120.000 tỷ đồng); Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (40.000 tỷ đồng) với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Bình trong việc trao đổi thông tin và nắm bắt các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng để kịp thời giải quyết tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý; Kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Về phía Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh: Kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn liên quan đến việc tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp đề xuất ý kiến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đến các cơ quan có thẩm quyền.