Ninh Bình: Triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp của Ninh Bình tháng 3 ước đạt 7.573,4 tỷ đồng, tăng 1,3%. Ninh Bình đang triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp.

Sản xuất công nghiệp chỉ tăng nhẹ

Theo số liệu của Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình, tình hình sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quý I năm 2024 đang dần phục hồi, từng bước ổn định và đạt mức tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ.

Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng 3 của tỉnh Ninh Bình ước đạt 7.573,4 tỷ đồng, tăng 1,3%; lũy kế 3 tháng đầu năm 2024 đạt 22.173,6 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh Ninh Bình có mức tăng cao so với cùng kỳ như: Quần áo các loại tăng 11,6%; phân ure tăng gấp 2,3 lần; phân lân nung chảy tăng 59,8%; kính nổi tăng 6,5%; thép cán các loại tăng 18,9%; linh kiện điện tử tăng 16,3%; kính máy ảnh 0,4 triệu cái, tăng 45,2%…

Giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng 3 của tỉnh Ninh Bình tăng 1,3%.

Giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng 3 của tỉnh Ninh Bình tăng 1,3%.

Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình cũng thẳng thắn chỉ ra những sản phẩm chủ lực có mức sản xuất giảm như: Modul camera 50,8 triệu cái, giảm 12%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 9,2 nghìn chiếc, giảm 26,4%; xe ô tô chở hàng hóa 1,4 nghìn chiếc, giảm 39,2%; ghế ngồi dùng cho xe có động cơ 47 nghìn chiếc, giảm 22,6%; cần gạt nước ô tô 1,5 triệu cái, giảm 9,6%...

Đánh giá về những khó khăn trong sản xuất công nghiệp của tỉnh Ninh Bình, ông Lê Văn Hoan, Trưởng phòng Công nghiệp - Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình cho biết: Do ảnh hưởng của tình hình thế giới, nhất là xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina kéo dài, căng thẳng trên Biển Đỏ, xung đột leo thang tại dải Gaza; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm... đã tác động tới tình hình kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng. Do đó, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thị trường các mặt hàng tiêu dùng giảm mạnh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là gia công, nguồn khách hàng phụ thuộc hoàn toàn vào công ty mẹ ở nước ngoài, không thể chủ động sản xuất các đơn hàng ngoài hợp đồng cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tình hình phát triển công nghiệp của tỉnh Ninh Bình; tình trạng lao động tại một số doanh nghiệp may mặc, giày da có mức thu nhập thấp, thường xuyên chuyển việc gây ra tình trạng biến động về lao động cũng là nguyên nhân dẫn đến sản xuất công nghiệp của tỉnh có tăng trưởng nhưng chưa cao.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn, ông Dương Đức Đằng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình cho rằng: Ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, nhận diện những khó khăn, thách thức, xác định động lực tăng trưởng mới để xây dựng kịch bản tăng trưởng theo từng quý, làm cơ sở theo dõi, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội kịp thời thích ứng với tình hình, xu thế mới.

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 111.816 tỷ đồng, tăng 8,7% so với ước thực hiện năm 2023

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 111.816 tỷ đồng, tăng 8,7% so với ước thực hiện năm 2023

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/1/2024 của Chính phủ nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đáp ứng ngoại tệ cho sản xuất, kinh doanh, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô.

Trên cơ sở đó, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp; phối hợp với các sở, ngành liên quan nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Qua đó, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là những doanh nghiệp chủ lực, có đóng góp lớn vào giá trị sản xuất của ngành công nghiệp và tăng thu ngân sách địa phương.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình Dương Đức Đằng cho hay: Năm 2024, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 111.816 tỷ đồng, tăng 8,7% so với ước thực hiện năm 2023. Để đạt được kết quả này, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án “Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường dựa trên năng lực kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, đồng bộ hóa giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị”. Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai các biện pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án: Đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Khánh Hải I, Khánh Hải II, Cụm công nghiệp Trung Sơn…

Nhiều sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. (Ảnh: DP)

Nhiều sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. (Ảnh: DP)

Sở sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, làm việc với các nhà đầu tư để rà soát, nắm bắt tiến độ thực hiện, các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thực hiện các công trình dự án mới. Tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tập trung cao trong thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế; thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xi măng... duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình tiến độ, các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án thứ cấp trong các cụm công nghiệp. Chủ động làm việc với các nhà đầu tư thứ cấp và nhà đầu tư hạ tầng để làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, đề xuất cụ thể phương án giải quyết và báo cáo UBND tỉnh biện pháp xử lý kịp thời.

Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tập trung vào các ngành, lĩnh vực công nghiệp then chốt theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh như dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử và sản phẩm phụ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, chế biến nông sản thực phẩm.

Hoàng Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ninh-binh-trien-khai-cac-giai-phap-nham-thuc-day-san-xuat-cong-nghiep-313741.html