Ninh Thuận huy động nhiều nguồn lực đưa kinh tế biển bứt phá

Để khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển, từ đó phát triển kinh tế biển, Ninh Thuận đã đề ra nhiều giải pháp về phát triển công nghiệp biển, du lịch biển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng…

Ninh Thuận được định hướng trở thành tỉnh mạnh về biển trong khu vực để kinh tế biển trở thành động lực phát triển chính của tỉnh, đồng thời tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện nhanh việc chuyển đổi số vào các ngành kinh tế biển, chú trọng phát triển hạ tầng cảng biển…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền đã có những chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM xung quanh định hướng phát triển kinh tế biển của tỉnh nhà.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền

Khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển

. Phóng viên: Ông có thể nêu một số kết quả nổi bật về phát triển kinh tế biển của Ninh Thuận trong thời gian qua?

+Ông Lê Huyền: Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Đây cũng là một trong 28 tỉnh, TP ven biển của cả nước, với bờ biển dài hơn 105 km, một trong 18 nơi có vùng nước trồi của thế giới và là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước.

Cùng với điều kiện khí hậu đặc thù nắng ấm quanh năm, lợi thế về cảng biển nước sâu, nguồn tài nguyên gió và năng lượng mặt trời thuận lợi đã giúp tỉnh Ninh Thuận thu hút đầu tư phát kinh tế biển và công nghiệp ven biển. Để khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển, từ đó phát triển kinh tế biển, tỉnh đã có những chủ trương, nghị quyết triển khai trong nhiều năm qua.

Ngư dân Ninh Thuận chuẩn bị vươn khơi bám biển. Ảnh: HUỲNH HẢI

Ngư dân Ninh Thuận chuẩn bị vươn khơi bám biển. Ảnh: HUỲNH HẢI

Đáng chú ý, tỉnh tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng vùng biển và ven biển; đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo với các dự án điện gió, điện mặt trời. Tại khu vực ven biển có 47 dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất lên đến 2.800 MW, trong đó đã hòa lưới 40 dự án/2.500 MW tạo ra sản lượng điện năm 2022 gần 7 tỉ kWh, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế biển. Năng lượng tái tạo trở thành lĩnh vực đột phá trong phát triển công nghiệp biển và ven biển của tỉnh nhà.

Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển của Ninh Thuận đạt 18,6%/năm, tỉ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP năm 2022 lên đến 40,71%.

Tỉnh cũng tập trung phát triển công nghiệp chế biến, trong đó có các khu, dự án công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Một số dự án đi vào hoạt động góp phần tăng năng lực sản xuất cho ngành công nghiệp, như nhà máy chế biến tôm xuất khẩu công suất 8.000 tấn/năm; các dự án sản xuất và xuất khẩu muối với sản lượng trung bình 500.000 tấn/năm, cung cấp 50% sản lượng muối cả nước, đưa vào khai thác bến 1A cảng tổng hợp Cà Ná…

Ninh Thuận cũng chú trọng phát triển du lịch với việc khai thác tiềm năng, cảnh quan, đặc biệt là các vị trí lợi thế như Vườn quốc gia Núi Chúa đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới; Khu du lịch Amanoi Ninh Thuận được bình chọn là một trong 33 khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẹp nhất thế giới năm 2014, thu hút 2,4 triệu lượt khách…

Ngư dân Ninh Thuận sau chuyến biển dài ngày với nhiều hải sản. Ảnh: HUỲNH HẢI

Ngư dân Ninh Thuận sau chuyến biển dài ngày với nhiều hải sản. Ảnh: HUỲNH HẢI

. Vậy ngư dân Ninh Thuận đang gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?

+ Khó khăn lớn nhất hiện nay là giá nguyên nhiên liệu, xăng dầu tăng liên tục, các chi phí khác cũng tăng cao làm chi phí hoạt động của tàu cá tăng, nhiều tàu cá hoạt động không hiệu quả, thậm chí một số tàu thua lỗ phải nằm bờ.

Mặt khác, nguồn lợi thủy sản ở các ngư trường truyền thống ngày càng giảm sút, năng suất đánh bắt của tàu cá ngày càng giảm… Nguồn lao động biển ngày càng khan hiếm bởi con em ngư dân đi làm công nhân trong các nhà máy hoặc tìm những công việc khác, điều này khiến việc tìm kiếm lao động biển thành thạo ngày càng khó khăn, nhiều tàu cá phải nằm bờ do thiếu nguồn lao động.

Một vấn đề khác cần nhìn nhận là giá cả thủy sản còn bấp bênh, không ổn định, hiệu quả khai thác ngày càng giảm. Cùng đó có sự chênh lệch giữa việc khai thác và đầu tư cho chế biến nên chưa tạo ra được giá trị cao hơn so với một số địa phương khác.

Ngoài ra, hệ thống cảng cá xuống cấp, luồng lạch bị bồi lắng cũng là những nguyên nhân làm cho nghề cá hoạt động khó khăn, ít hiệu quả hơn trước đây…

Công nhân kho chế biến của Công ty TNHH MTV Chế biến thủy sản Đông Hải đang sơ chế nguyên liệu. Ảnh: QUỐC VŨ

Công nhân kho chế biến của Công ty TNHH MTV Chế biến thủy sản Đông Hải đang sơ chế nguyên liệu. Ảnh: QUỐC VŨ

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng cảng biển tổng hợp

. Chính quyền tỉnh đã hỗ trợ ngư dân ra sao để họ tiếp tục phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo?

+ Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã và đang thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân để phát triển kinh tế biển như chính sách phát triển thủy sản tại Nghị định 67/2014 và Nghị định 17/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 về hỗ trợ đầu tư liên quan đến việc đóng mới tàu, nâng cấp, cải hóa tàu có công suất lớn.

Chúng tôi cũng triển khai các chính sách liên quan đến hỗ trợ nhiên liệu, bảo hiểm… với các tàu đi đánh bắt vùng biển xa gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Địa phương cũng tổ chức các hoạt động đánh bắt trên biển thông qua việc thành lập các đội, hội để tổ chức sản xuất, đánh bắt, thu mua trên biển. Triển khai các hoạt động chế biến các sản phẩm từ đánh bắt trên địa bàn để đảm bảo đầu ra cho ngư dân tốt hơn.

Tỉnh còn có chính sách chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động khai thác ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản; khuyến khích, hỗ trợ khai thác trên các vùng biển xa góp phần phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo.

Ninh Thuận thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ bà con ngư dân, góp phần phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo. Ảnh: HUỲNH HẢI

Ninh Thuận thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ bà con ngư dân, góp phần phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo. Ảnh: HUỲNH HẢI

. Những giải pháp mang tính lâu dài để xây dựng Ninh Thuận là một trong những địa phương mạnh về biển; phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển là gì, thưa ông?

+ Để phát huy tiềm năng, lợi thế, lãnh đạo tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định mục tiêu phát triển Ninh Thuận trở thành tỉnh mạnh về biển trong khu vực; tập trung huy động mọi nguồn lực để kinh tế biển trở thành động lực phát triển; thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển…

Để tiếp tục tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển trong thời gian tới, chúng tôi cũng đề ra một số giải pháp then chốt. Trước hết là khai thác, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển kinh tế biển, nhất là hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu vực ven biển. Trong đó, ưu tiên một số hạ tầng kết nối giữa các vùng với vùng biển như sân bay Thành Sơn - nhất là sau khi Thủ tướng có chủ trương phát triển sân bay này thành sân bay lưỡng dụng.

Cùng đó, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển tổng hợp Cà Ná, các cảng cá; tuyến đường sắt kết nối với nhà ga Cà Ná đến cảng biển; hệ thống giao thông kết nối cảng với đường liên vùng lên các tỉnh Nam Tây Nguyên; đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, cảng cạn và trung tâm logistics hạng II; đồng thời đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng các đô thị, khu cụm công nghiệp, truyền tải điện, du lịch...

Tỉnh tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với cảng biển và logistics; từng bước chuyển sang các ngành công nghiệp ven biển có hàm lượng công nghệ hiện đại, công nghiệp sạch, sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Song song đó là tập trung phát triển du lịch, hình thành các khu đô thị du lịch ven biển; có chiến lược về phát triển nuôi trồng thủy sản biển…

. Xin cảm ơn ông.

Nhận thức của các chủ tàu về gỡ thẻ vàng IUU đã được nâng cao

Chia sẻ về kế hoạch để tháo gỡ thẻ vàng IUU của Ninh Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Huyền cho hay tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện các giải pháp mà Chính phủ đặt ra.

“Chính sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng như biên phòng, nông nghiệp… đã dần nhận được sự đồng tình, ủng hộ của bà con ngư dân” - ông Huyền nhấn mạnh và cho biết đến nay chỉ còn một số vấn đề cần khắc phục như tàu không gắn thiết bị là do tàu chưa hoạt động, đang nằm bờ chờ sửa chữa, việc sơn đánh dấu tàu chưa hoàn thiện…

Cũng theo ông Huyền, nhận thức của chủ tàu cá liên quan đến việc thực hiện tháo gỡ thẻ vàng IUU đã được nâng lên. Điều này được thể hiện thông qua việc gần đây ngư dân tại tỉnh không có vi phạm trong đánh bắt và luôn tuân thủ đúng các quy định.

Dù vậy, trong quá trình thực hiện, tỉnh cũng gặp một số khó khăn như hệ thống cảng cá chưa đảm bảo… Do đó, Ninh Thuận đã có kiến nghị và được Bộ NN&PTNT hỗ trợ 214 tỉ đồng để hoàn thiện hạ tầng cảng cá, đảm bảo thực hiện hoàn thành chống IUU trong thời gian tới.

Nguồn PLO: https://plo.vn/ninh-thuan-huy-dong-nhieu-nguon-luc-dua-kinh-te-bien-but-pha-post737795.html