Ninh Thuận: Nhiều giải pháp thiết thức để đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Thời gian qua, Ninh Thuận tích cực triển khai Tiểu dự án 2, Dự án 9, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) về 'Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi'.

Tập trung tuyên truyền để thay đổi hành vi, nhận thức của đồng bào

Hôn nhân cận huyết thống là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những nam và nữ có cùng dòng máu về trực hệ (là những người có quan hệ huyết thống, trong đó người này sinh ra người kia kế tiếp nhau); giữa những người có họ trong phạm vi ba đời (là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba).

 Câu lạc bộ “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” huyện Bác Ái.

Câu lạc bộ “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” huyện Bác Ái.

Tảo hôn là tình trạng lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định (nam chưa đủ 20 tuổi trở lên và nữ chưa đủ 18 tuổi trở lên). Đây là điều cấm được phát luật của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và 2014.

Trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có tỷ lệ mắc các bệnh di truyền, bệnh tật, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, suy giảm sức khỏe, tử vong sơ sinh cao hơn so với những đứa trẻ bình thường khác. Trong số những trẻ được sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống thì có tới 25% khả năng bị bệnh và 50% mang gen bệnh tan máu bẩm sinh di truyền Thalassemia hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh, người bệnh cần phải điều trị suốt đời, với chi phí rất tốn kém.

Bên cạnh đó, phụ nữ kết hôn cận huyết thống khi sinh con rất dễ tử vong, bệnh tật, không có cơ hội lao động, dẫn đến cuộc sống khó khăn, nguy cơ tan vỡ trong hôn nhân cao. Nhiều trẻ em gái không có cơ hội làm mẹ vì cơ thể yếu ớt, bệnh tật, cơ thể phát triển không toàn diện. Kết hôn cận huyết cũng làm hạn chế cơ hội học tập của phụ nữ.

Đối với tảo hôn, trẻ em gái kết hôn sớm sẽ làm cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em gái dưới độ tuổi 15 mang thai sẽ có nguy cơ chết do mang thai và sinh đẻ cao so với phụ nữ trên 20 tuổi.

Hệ lụy lớn là vậy nhưng trên thực tế, tảo hôn và hôn nhân cận huyến thống là tập tục tồn tại lâu đời ở nhiều vùng miền của nước ta, phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là các dân tộc rất ít người, các dân tộc cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và cho đến nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn diễn biến phức tạp.

Nhằm kéo giảm, tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp để ngăn chặn tình trạng này, trong đó có Ninh Thuận.

Tuyên truyền để thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của đồng bào về tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống là giải pháp được nhiều nơi tại Ninh Thuận lựa chọn. Đơn cử như tại xã Phước Thắng, huyện Bác Ái, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã đẩy mạnh hoạt động của Tổ truyền thông cộng đồng nhằm tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục lạc hậu và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, trong đó có nội dung phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Ngoài ra, đội ngũ Người có uy tín cũng là cầu nối hữu hiệu để truyên truyền cho đồng bào. Như nhìn nhận của Trưởng phòng Dân tộc huyện Bác Ái Pi Năng Chấn, những năm qua, Người có uy tín xã Phước Thắng là điểm sáng góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân về ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Qua đó, đưa số cặp vợ chồng tảo hôn trên địa bàn huyện qua các năm giảm dần. Những việc làm ý nghĩa, thiết thực của Người có uy tín xã rất đáng biểu dương và nhân rộng trong đồng bào DTTS. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng việc đẩy lùi hoàn toàn tảo hôn không phải là câu chuyện một sớm, một chiều, mà đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, Người có uy tín cũng như từ ý thức của mỗi người dân địa phương.

Huyện Bác Ái- nơi có gần 34.000 người, trong đó dân tộc Raglai chiếm gần 90% dân số- cũng đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đó tuyên truyền cũng là giải pháp hàng đầu.

Ông Pi Năng Chấn, Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: Thời gian qua, huyện tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 2, Dự án 9 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống TH, HNCHT đến đông đảo tầng lớp nhân dân.

Điểm sáng đáng ghi nhận thời gian qua, huyện đã duy trì hiệu quả 16 câu lạc bộ (CLB) về phòng, chống TH, HNCHT tại các xã và trường học, qua đó, tác động sâu sắc đến nhận thức của người dân về chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về hôn nhân gia đình.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương còn phát huy vai trò của đảng viên, cán bộ cơ sở, trưởng tộc họ, người có uy tín trong tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hôn nhân và gia đình đến cộng đồng. Họ tích cực vận động người thân, hàng xóm không ủng hộ chuyện kết hôn sớm, trước tuổi; nắm bắt, phát hiện, quản lý các trường hợp TH, HNCHT để vận động, khuyên nhủ gia đình, thanh niên, trong trường hợp cố tình vi phạm thì báo cáo chính quyền xử lý để tạo tính răn răn đe, giáo dục trong cộng đồng; đưa nội dung cấm TH, HNCHT vào hương ước, quy ước trong tộc họ, khu dân cư.

Đặt mục tiêu cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS

Với những giải pháp mạnh mẽ trên cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương tỷ lệ tảo hôn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giảm đáng kể qua từng năm.

Cụ thể: Năm 2016, có 89 trường hợp tảo hôn/1.248 cặp đăng ký kết hôn, chiếm 7,13%; năm 2017 có 69 trường hợp, giảm 3,13 % so với năm 2016; năm 2018 có 44 trường hợp, giảm 1,2% so với năm 2017; năm 2019 có 38 trường hợp, giảm 0,3% so với năm 2018.

Riêng năm 2020 có 29 cặp tảo hôn/1.669 cặp đăng ký kết hôn, giảm 0,77%. Qua đó cho thấy tỷ lệ tảo hôn trong vùng DTTS hằng năm giảm và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, giảm bình quân 1,35%/năm (mục tiêu giảm bình quân 1%/năm); chưa phát hiện trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, ngành Giáo dục và Đào tạo phải chú trọng lồng ghép các hoạt động truyền thông, giáo dục giới tính trong trường học ; Ngành Tư pháp tổ chức lồng ghép tuyên truyền qua các hình thức như: tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, mở hội nghị triển khai, quán triệt, cuộc thi, các phóng sự, bản tin, bài viết, hình ảnh trực quan; các chuyên trang, chuyên mục Hỏi - Đáp pháp luật, pháp luật và cuộc sống, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành lập các Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình; hướng dẫn duy trì việc tổ chức hội nghị triển khai Mô hình “hỗ trợ làng xã xây dựng sửa đổi hương ước, quy ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới”; Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh lồng ghép các hoạt động truyền thông về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào các hoạt động truyền thông về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; chương trình phòng, chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm bình đẳng giới.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định liên quan Luận Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình...

Với quyết tâm của hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, cùng sự đồng thuận của nhân dân, thời gian tới, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS tại Ninh Thuận sẽ tiếp tục được giảm thiểu.

T.H

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ninh-thuan-nhieu-giai-phap-thiet-thuc-de-day-lui-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet-thong-post276925.html