Ninh Thuận phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước
Sau khi Chính phủ chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, nhiều Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Ninh Thuận đã ban hành hàng loạt cơ chế chính sách để thu hút đầu tư.
Ngày 15/11/2019, tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Mô hình phát triển tỉnh Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, các tiêu chí đánh giá và giải pháp thực hiện”. Hội thảo được tổ chức nhằm xác định các tiêu chí của một trung tâm năng lượng quốc gia cũng như những giải pháp thực hiện.
Ninh Thuận nhiều lợi thế xây dựng trung tâm năng lượng quốc gia
Với đặt thù khí hậu nắng hạn kéo dài quanh năm, tỉnh Ninh Thuận được xem là một trong những địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng để đầu tư phát triển năng lượng sạch của cả nước. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Ninh Thuận có 30 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.817 MW, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng và 11 dự án điện gió tổng công suất hơn 630 MW, tổng vốn đầu tư hơn 22.100 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực và cấp quyết định chủ trương đầu tư. Tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận chủ trương đầu tư, khảo sát lập hồ sơ bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh gồm 56 dự án với tổng công suất hơn 3.600 MW.
Hiện nay, Ninh Thuận đã có 18 dự án điện mặt trời với tổng công suất đưa vào khai thác 1.180 MW được vận hành, trong đó có 3 dự án điện gió với công suất 117 MW. Dự kiến đến cuối năm 2019, tỉnh Ninh Thuận có thêm 4 dự án điện mặt trời, công suất 140 MW và đến năm 2020 có 12 dự án với tổng công suất 614 MW tiếp tục đưa vào vận hành thương mại, góp phần quan trọng giải quyết an ninh năng lượng quốc gia.
Tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và thế giới đã trình bày các tham luận về mô hình phát triển, thể chế chính sách phát triển điện gió và điện mặt trời tại các khu vực quần đảo Hawaii (Hoa Kỳ), Italy, Australia và những gợi ý có thể áp dụng để phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của Việt Nam. GS.TS Eleonora Riva Sanseverino - Đại học Palermo, Italy đã đi sâu phân tích các mô hình phát triển hệ thống năng lượng, những thách thức với quy hoạch dài hạn, xu hướng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam và một số nước trên thế giới. Ông cũng đã so sánh biểu giá điện hỗ trợ ở Italy và Việt Nam cũng như chỉ ra những ảnh hưởng của việc đấu nối số lượng lớn các nguồn điện mặt trời, điện gió lên hệ thống truyền tải, các kịch bản đấu nối nguồn điện để các bên liên quan tham khảo.
TS. Đoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) đã đưa ra các tiêu chí đánh giá và quy trình thực hiện 5 bước chính gồm: Xác định tầm nhìn chiến lược xây dựng vùng năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận; xác định các khu vực có tiềm năng kỹ thuật; đánh giá tiềm năng kinh tế và lợi ích thương mại; xây dựng các phương án truyền tải công suất; lựa chọn các phương án truyền tải phù hợp với các tiêu chí kỹ thuật, kinh tế, môi trường và xã hội.
Nhiều khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ
Theo phân tích của các nhà khoa học, để Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, địa phương này cùng với các Bộ, ngành Trung ương liên quan cần tháo gỡ những khó khăn về hệ thống truyền tải và hệ thống pin, tích trữ năng lượng. Theo kinh nghiệm của các quốc gia có ngành công nghiệp điện tái tạo phát triển như: Australia, Italy, Mỹ, cùng với đầu tư nguồn phát điện từ năng lượng tái tạo, cần phải đầu tư hệ thống tích năng, dự trữ bởi năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời, chỉ phát huy hiệu quả khi có nắng.
Thực tế, bên cạnh những lợi thế và kết quả đạt được, hiện tỉnh Ninh Thuận vẫn còn nhiều khó khăn trong việc giải tỏa công suất của các nhà máy năng lượng tái tạo đã đầu tư và sắp đầu tư. Theo báo cáo của các chủ đầu tư, hiện có 10/18 dự án trên đang phải giảm phát điện đến 60% công suất để bảo đảm ổn định hệ thống truyền tải; việc không giải tỏa hết công suất đang gây thiệt hàng hàng trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thái Sơn - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực - Bộ Công Thương - nói rõ về vấn đề giải phóng công suất các nhà máy năng lượng tái tạo, cụ thể: Các nhà đầu tư và dư luận đang rất quan tâm tới phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt về huy động nguồn vốn xã hội hóa xây dựng hệ thống truyền tải lưới điện. Để giải quyết được bài toán giải phóng công suất các dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió hiện nay, chúng ta cần sớm xây dựng cơ chế, Luật, chính sách cụ thể nhằm thu hút các nhà đầu tư.
Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều đồng thuận với các nội dung: tỉnh Ninh Thuận cần sớm có chính sách thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ vào lĩnh vực nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng tái tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lượng tái tạo theo chuẩn quốc tế; nghiên cứu xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo; cơ chế kết nối các địa phương về năng lượng tái tạo; cơ chế tài chính; đào tạo nhân lực; chuyển giao công nghệ để sớm xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - nhấn mạnh: tỉnh Ninh Thuận lĩnh hội ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, chủ đầu tư, xem đó là cơ sở để tham khảo, hoàn thiện đề án và có những đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương để sớm tháo gỡ khó khăn; tập trung khai thác tối đa tiềm năng và giải tỏa hết công suất các dự án năng lượng tái tạo đầu tư tại Ninh Thuận.