Ninh Thuận: Phát triển du lịch nông nghiệp từ những giá trị khác biệt

Điều kiện khí hậu ít mưa, nhiều nắng đã tạo cho tỉnh Ninh Thuận có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Tận dụng lợi thế này, tỉnh đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nông nghiệp.

Một vườn trồng nho tại Làng Nho Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Một vườn trồng nho tại Làng Nho Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Ninh Thuận có điều kiện tự nhiên và khí hậu khô nóng, ít mưa, rất thích hợp để phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi đặc thù so với các địa phương khác trong cả nước.

Với lợi thế này, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch tham quan trang trại trải nghiệm, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Tiềm năng du lịch nông nghiệp

Tham quan vườn nho là một trong những hoạt động du lịch nông nghiệp nổi tiếng nhất ở Ninh Thuận hiện nay. Toàn tỉnh có trên 1.000ha nho, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 26.000-28.000 tấn nho tươi.

Nho Ninh Thuận có nhiều loại được trồng trên diện tích rộng, tạo nên những cánh đồng nho bạt ngàn, xanh mướt, đẹp tựa như các nông trại ở châu Âu.

Du khách đến đây có thể tham quan, chụp ảnh, tìm hiểu quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, thưởng thức nho tươi và các sản phẩm chế biến từ quả nho ngay tại vườn.

Anh Nguyễn Đình Trí (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) cho biết ban đầu anh dùng 2,5 sào (2.500m2) để làm nhà màng, trồng nho Ngón tay đen NH04-102, nho hồng NH01-152, nho Mẫu đơn NH01-212. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, khu trồng nho của anh cho ra những chùm to, chín đẹp, được một số người quen chụp ảnh check-in, tạo nên "cơn sốt" trên mạng xã hội, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm. Từ đó, anh đặt tên khu trồng nho của mình là trang trại Trí Hà, tổ chức bài bản hoạt động sản xuất nho theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp du lịch.

Chị Huỳnh Thị Kim Thúy, du khách đến từ thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cùng nhóm bạn tham quan trang trại nho Trí Hà hào hứng cho biết, chị rất thích khung cảnh trong vườn nho đỏ trĩu quả, không gian thoáng mát, trong lành, nhất là được tự tay cắt những chùm nho chín và chụp hình cùng bạn bè. Đặc biệt, chủ vườn không thu phí tham quan và rất nhiệt tình tiếp đón.

Anh Nguyễn Đình Trí chia sẻ với mong muốn tạo cho du khách ngày càng nhiều trải nghiệm hấp dẫn khi đến với vùng đất Ninh Thuận, trang trại của anh đã thực hiện việc cắt cành, tỉa trái để có giàn nho chín đẹp, chùm to, quả ngon, ngọt đậm đà, căn thời gian thu hoạch đúng vào dịp cận Tết Nguyên đán 2024.

"Vụ nho năm nay, gia đình sẽ thu hoạch khoảng 3 tấn nho các loại. Từ tháng trước, thương lái đã đến tận vườn đặt cọc để phục vụ thị trường Tết. Dù nho được giá nhưng gia đình không thu hoạch hết mà giữ lại một phần diện tích để đón khách vào tham quan,” anh Trí cho biết.

Điều kiện khí hậu ít mưa, nhiều nắng đã tạo cho tỉnh Ninh Thuận có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Tận dụng lợi thế này, tỉnh đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nông nghiệp.

Điều kiện khí hậu ít mưa, nhiều nắng đã tạo cho tỉnh Ninh Thuận có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Tận dụng lợi thế này, tỉnh đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nông nghiệp.

Đến nay, nhiều mô hình đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của địa phương như: Tour tham quan làng nho Thái An (huyện Ninh Hải); các trang trại táo, nho (huyện Ninh Phước); vườn trái cây sinh thái Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn); cánh đồng cừu (huyện Ninh Hải, Bác Ái); mô hình khu du lịch văn hóa sinh thái hồ sen gắn với tìm hiểu văn hóa đồng bào Chăm (huyện Ninh Phước), mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại xã Phước Bình gắn với tìm hiểu văn hóa đồng bào Raglai (huyện Bác Ái)...

Bên cạnh việc phát triển các tour, tuyến, điểm tham quan, Ninh Thuận cũng đặc biệt chú trọng hoạt động quảng bá những sản phẩm đặc thù của địa phương tới du khách.

Vừa qua, tỉnh đã tổ chức Lễ hội ẩm thực chào đón năm mới 2024 giúp người dân, du khách được trải nghiệm, thưởng thức trên 100 món ăn hấp dẫn và đặc sắc, các chương trình biểu diễn về nghệ thuật nấu ăn của các đầu bếp nổi tiếng.

Ninh Thuận kết hợp quảng bá hình ảnh các vùng nguyên liệu đặc trưng như nho, táo, hải sản, dê, cừu, măng tây, các sản phẩm OCOP; cho những đàn cừu được trang trí bắt mắt, tham gia diễu phố, tạo được dấu ấn riêng về hình ảnh vật nuôi đặc thù của địa phương.

Nâng cao hiệu quả phát triển du lịch nông nghiệp

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên, giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn mang lại không chỉ đơn thuần là tăng thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế-xã hội cho địa phương, mà còn góp phần phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa của nông thôn. Việc đưa các sản phẩm nông nghiệp tham gia chuỗi phát triển du lịch được xem là hướng đi hiệu quả nhằm tạo điểm nhấn, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi đến tìm hiểu, khám phá vùng đất xinh đẹp này.

 Du khách khám phá hệ sinh thái rừng tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: TTXVN phát)

Du khách khám phá hệ sinh thái rừng tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong Đề án Phát triển du lịch Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã xác định du lịch nông nghiệp công nghệ cao là một trong bốn sản phẩm đặc thù, bên cạnh các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa (đặc biệt văn hóa Chăm); du lịch sinh thái gắn với Vườn Quốc gia Núi Chúa.

Để tạo ra sự đa dạng về sản phẩm, Ninh Thuận đang đẩy mạnh gắn kết du lịch với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù thông qua Chương trình OCOP; khuyến khích, hỗ trợ mô hình khởi nghiệp về du lịch nông nghiệp, ưu tiên phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo thành các điểm du lịch trải nghiệm mới thu hút du khách.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, để đưa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ phát triển du lịch, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm thông qua các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho 12 sản phẩm đặc thù.

Cùng với đó, tỉnh triển khai dán “Tem điện tử thông minh” truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm đặc thù tại các khu du lịch, tạo thuận tiện cho du khách có nhu cầu tham quan, mua sắm.

Năm 2024, để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, ngành Du lịch tỉnh Ninh Thuận tiếp tục mở các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống phục vụ du khách; đồng thời, hướng dẫn cách quảng bá sản phẩm, kiến thức an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, tạo ấn tượng tốt cho du khách. Cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với các địa phương thường xuyên giám sát các cơ sở, hộ dân tham gia hoạt động du lịch để có những hỗ trợ, tư vấn thích hợp.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá, kết nối tour, tuyến du lịch với các điểm đến trong tỉnh; phấn đấu trong năm 2024, toàn tỉnh đón khoảng 3 triệu lượt khách, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch khoảng 2.400 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, phát triển các sản phẩm du lịch mới, Ninh Thuận chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn chất lượng, có tính trải nghiệm khác biệt, mang đặc trưng riêng, góp phần đưa du lịch trở thành điểm đến độc đáo, mới lạ và sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ninh-thuan-phat-trien-du-lich-nong-nghiep-tu-nhung-gia-tri-khac-biet-post920125.vnp