Ninh Thuận: Tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm công trình thủy lợi

Trước mức độ phức tạp về tình trạng vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và xả nước thải không đạt quy chuẩn vào hệ thống công trình thủy lợi, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo tăng cường công tác ngăn ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm có liên quan.

Theo ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận, hiện nay trên địa bàn tình trạng xây dựng công trình nhà cửa, lán trại, lều quán, cầu, cống, đường giao thông, đổ chất thải, rác thải, ngăn lấp kênh mương, lòng hồ chứa nước; sử dụng xe cơ giới vượt tải trọng đi trên công trình thủy lợi; xả nước thải không phép, không đảm bảo quy định vào công trình thủy lợi; nhiều công trình, dự án đầu tư triển khai không có giấy phép, lấn chiếm, san lấp vào công trình thủy lợi... với mức độ phức tạp, quy mô khác nhau và có chiều hướng ngày một gia tăng. Các hành vi trên đã lấn chiếm, gây hư hỏng, ảnh hưởng đến việc vận hành, an toàn công trình và làm ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi.

Nhằm tăng cường công tác ngăn ngừa, xử lý các vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, UBND các huyện, thành phố thực hiện công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật về thủy lợi, đặc biệt là những nội dung: Quy định trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, thẩm quyền xử lý vi phạm; các hành vi vi phạm; tình hình, kết quả xử lý vi phạm ở các địa phương, đơn vị; việc thực hiện các trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng công trình, dự án; biểu dương những việc làm tốt, kết quả đạt được, phê phán những vi phạm, tạo phong trào bảo vệ công trình thủy lợi trong xã hội và nhân dân.

 Những hành vi vi phạm bảo vệ an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có chiều hướng diến biến phức tạp.

Những hành vi vi phạm bảo vệ an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có chiều hướng diến biến phức tạp.

Hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các trình tự thủ tục đầu tư các công trình, dự án có liên quan đến công trình thủy lợi, xả thải vào công trình thủy lợi đối với các ngành, các địa phương, đơn vị, các chủ đầu tư; Tăng cường phối hợp với Công an tỉnh trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm công trình thủy lợi.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi: Tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình vi phạm công trình thủy lợi về: Hình thức, số lượng và mức độ ảnh hưởng của các hành vi vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, kiến nghị UBND các cấp, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; Đôn đốc, kiểm tra kết quả xử lý, công tác báo cáo vi phạm của các địa phương, đơn vị và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các vấn đề liên quan.

Tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định của giấy phép; Khẩn trương rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn. Công khai tình hình vi phạm và kết quả xử lý vi phạm công trình thủy lợi; Rà soát, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án bảo vệ, cắm mốc bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng được giao trách nhiệm chủ trì, hướng dẫn thủ tục đối với các dự án có xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định; Chủ trì, phối hợp cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tham mưu, xử lý dứt điểm các trường hợp sử dụng đất, xả nước thải trái quy định trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Tăng cường kiểm tra, xử lý, kiến nghị xử lý việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dự án, khu dân cư xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi; Phối hợp, kiểm tra việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung, nước thải sản xuất của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trước khi xả vào công trình thủy lợi.

Ngoài ra, các Sở, ban ngành khác và UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi căn cứ vào các quy định pháp luật, thẩm quyền được giao phối hợp thực hiện nghiêm túc công tác quản lý và xử lý các vi phạm về bảo vệ công trình thủy lợi (nếu có).

Thanh Tùng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ninh-thuan-tang-cuong-cong-tac-quan-ly-xu-ly-vi-pham-cong-trinh-thuy-loi-77461.html