Ninh Thuận thực hiện thành công kỹ thuật cao chữa bệnh tim
Ngày 17-3, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận, Thái Phương Phiên cho biết, sau năm ngày điều trị, sức khỏe ba bệnh nhân thực hiện kỹ thuật 'đóng dù còn ống động mạch' và một bệnh nhân 'nong hẹp van động mạch phổi' được thực hiện lần đầu tiên tại Bệnh viện tỉnh đã ổn định.
Ngày 17-3, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận, Thái Phương Phiên cho biết, sau năm ngày điều trị, sức khỏe ba bệnh nhân thực hiện kỹ thuật “đóng dù còn ống động mạch” và một bệnh nhân “nong hẹp van động mạch phổi” được thực hiện lần đầu tiên tại Bệnh viện tỉnh đã ổn định.
Trước đó, ngày 11-3, Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận đã triển khai can thiệp các tật bẩm sinh ở người lớn và trẻ em bằng kỹ thuật “đóng dù còn ống động mạch và nong hẹp van động mạch phổi”.
Đợt này có bốn ca, trong đó ba ca thực hiện kỹ thuật “đóng dù còn ống động mạch” và một ca thực hiện kỹ thuật “nong hẹp van động mạch phổi”. Trường hợp “đóng dù còn ống động mạch” ở người lớn là bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Ngọc, 43 tuổi, ở thôn Lương Cang, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận). Bệnh nhân thường xuyên viêm đường hô hấp dưới nhiều năm, được khám điều trị ở nhiều nơi nhưng không giảm, sau đó đến khám tổng quát tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận với triệu chứng mệt, khó thở, phù chân, được hội chẩn với ê-kíp can thiệp tim bẩm sinh, phát hiện bệnh nhân có tật tim bẩm sinh còn ống động mạch với đường kính 8mm và đánh giá ban đầu đây là một trường hợp hiếm gặp, còn tồn tại ống động mạch ở bệnh nhân khá lớn tuổi, đã có dấu hiệu tăng áp phổi và triệu chứng của suy tim, viêm phổi tái phát thường xuyên.
Kỹ thuật đầu tiên được thực hiện can thiệp các tật tim bẩm sinh tại bệnh viện bên cạnh đóng dù còn ống động mạch là nong hẹp van động mạch phổi. Van động mạch phổi (ĐMP) là van tổ chim ngăn cách động mạch phổi với thất phải. Hẹp van động mạch phổi thường là một bệnh tim bẩm sinh và khi bị hẹp nặng sẽ gây ra suy tim phải, phương pháp điều trị chính là nong van động mạch phổi, tỷ lệ thành công cao, có kết quả khả quan, giảm tới 75% chênh áp qua van. Đây là lựa chọn điều trị đầu tiên cho các bệnh nhân hẹp van ĐMP đơn độc. Kỹ thuật này sẽ can thiệp nội soi qua da bằng hình thức chọc tĩnh mạch đùi, đưa bóng qua đường tĩnh mạch lên van động mạch phổi và bơm bóng nong chỗ hẹp.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận, Thái Phương Phiên cho biết thêm: Kỹ thuật “Đóng dù còn ống động mạch” đã từng được bệnh viện thực hiện cho một số bệnh nhân; đối với kỹ thuật “Nong hẹp van động mạch phổi” lần đầu tiên được bệnh viện thực hiện. Tất cả các ca phẫu thuật đều thành công. Kết quả này giúp bệnh viện khẳng định chuyên môn, tay nghề và thực hiện cho các trường hợp tương tự, giúp cho bệnh nhân có thể khám, tầm soát, theo dõi tại chỗ, không phải chuyển lên tuyến trên, giảm chi phí khám và điều trị...