Ninh Thuận tổ chức lễ hội quảng bá trái cây và sản phẩm đặc thù
Lễ hội trái cây được tổ chức nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, quảng bá nhãn hiệu trái cây và ngành nông nghiệp Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp.
Hưởng ứng Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023, tối 16/6, tại thị trấn Tân Sơn đã diễn ra Lễ hội trái cây lần thứ I năm 2023 của huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.
Sự kiện thu hút đông đảo doanh nghiệp, nhà vườn ở địa phương cùng hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng tham gia với 18 gian hàng các loại trái cây, sản phẩm đặc thù của các địa phương.
Lễ hội trái cây được tổ chức nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, quảng bá nhãn hiệu trái cây và ngành nông nghiệp Ninh Sơn đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh, cũng như cả nước.
Thông qua sự kiện này giúp nông dân có cơ hội giới thiệu các loại trái cây ngon, kết nối cung cầu mua bán nông sản, hợp tác liên kết, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất; tạo cầu nối thông tin, tiếp cận công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển nền nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Bên cạnh đó, Lễ hội trái cây còn là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người, ẩm thực và tiềm năng du lịch của huyện Ninh Sơn đến với du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phát triển du lịch trên địa bàn huyện nói riêng và cả tỉnh nói chung.
Tại lễ hội, nhiều đặc sản trái cây như sầu riêng, măng cụt, mít, chôm chôm, chanh không hạt, dưa lưới, xoài, bưởi, dừa, táo, măng tây, mãng cầu, nho; các sản phẩm từ điều; thủ công mỹ nghệ… được trưng bày phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc của vùng đất có khí hậu ôn đới (do gần chân đèo Ngoạn Mục, giáp địa giới tỉnh Lâm Đồng). Lễ hội còn giới thiệu thực phẩm được chế biến từ thịt dê, thịt cừu, thịt bò, thịt gà, bánh canh cá lóc, bánh bột lọc… là những món ăn đặc sản nơi đây.
Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn Kiều Tấn Thịnh cho biết, tổng diện tích đất trồng cây lâu năm của huyện hơn 4.600 ha; trong đó có gần 2.700 ha đất trồng cây ăn quả. Trái cây ở xã Lâm Sơn đã được công nhận chỉ dẫn địa lý vào năm 2018.
Đặc biệt, lễ hội còn có sự tham gia trưng bày sản phẩm trái cây của huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) và huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng).
Qua đó tạo cho lễ hội đa sắc màu, chủng loại trái cây, góp phần kết nối cung-cầu mua bán nông sản; đồng thời đẩy mạnh hợp tác liên kết, trao đổi kinh nghiệm sản xuất với các địa phương tỉnh bạn lân cận./.