No ấm từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội
Những năm qua, tín dụng chính sách đã trở thành một “trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Nguồn vốn ưu đãi kịp thời, đúng lúc, đúng đối tượng đã đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội.
Thôn Bản Luốc, xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì) có 100% dân số là đồng bào dân tộc Dao, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Những năm qua, nhiều gia đình trong thôn đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để phát triển chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập. Năm 2020, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn, gia đình ông Vương Văn Long đã vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Sau khi được giải ngân, các cán bộ ngân hàng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương hướng dẫn gia đình lựa chọn vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế. Ông đã đầu tư làm chuồng trại, mua 5 con trâu nuôi sinh sản, trồng thêm 1.000 m2 cỏ để làm thức ăn cho đàn trâu. Với sự cần cù, chịu khó, ý chí vươn lên thoát nghèo, sau 2 năm, gia đình ông Long đã trả hết nợ cho ngân hàng và thoát khỏi diện hộ nghèo của thôn. Hiện, ông vẫn duy trì và nhân rộng mô hình nuôi trâu sinh sản, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Minh tích cực giải ngân nguồn vốn đến người dân.
Ông Vương Văn Long chia sẻ: Trước đây, gia đình cứ loay hoay mãi với “bài toán” thoát nghèo, muốn làm cái gì cũng khó do thiếu vốn. Khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH với mức lãi suất thấp, không phải thế chấp tài sản, tôi rất vui mừng và động viên vợ, con cố gắng làm ăn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Không chỉ dừng lại ở việc giải ngân nguồn vốn mà các cán bộ ngân hàng còn trực tiếp đến tận nhà để hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng vốn vay hiệu quả và thường xuyên động viên gia đình nỗ lực, vượt qua khó khăn. Đến nay, gia đình tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo, cuộc sống ngày càng khấm khá, nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH đã trở thành điểm tựa để chúng tôi vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no.
Trong năm 2024 và quý I.2025, có 34.217 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Trong đó, có 16.802 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống; 6.073 lượt hộ tại vùng khó khăn được vay vốn để phát triển kinh doanh; 4.698 lượt hộ được vay vốn tạo việc làm; 5.246 lượt hộ được vay vốn xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đảm bảo theo tiêu chuẩn, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn; 1.205 lượt hộ được vay vốn cải tạo vườn tạp và phát triển bền vững cây cam Sành; 64 lao động chấp hành xong án phạt tù được vay vốn chính sách hòa nhập cộng đồng.

Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, người dân thôn Na Vang, xã Pờ Ly Ngài (Hoàng Su Phì) đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập.
Cùng với các nguồn lực đầu tư khác, tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân; vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng CSXH còn hạn chế. Hiệu quả tín dụng ở một số địa phương còn thấp, tỷ lệ nợ quá hạn cao. Trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, nên hiệu quả vốn tín dụng đầu tư thấp, tiềm ẩn rủi ro...
Nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng CSXH trong giai đoạn mới, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó yêu cầu các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm, đa dạng về hình thức, nội dung tuyên truyền nhấn mạnh các quan điểm của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tín dụng CSXH. Các địa phương chủ động bổ sung, lồng ghép các nội dung hoạt động tín dụng CSXH với các kế hoạch, chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm giúp người vay sử dụng vốn vay hiệu quả, nâng cao đời sống.